Bảo đảm an toàn thông tin là yếu tố quan trọng, xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia cũng như triển khai Chiến lược An toàn, an ninh mạng quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Việt Nam. Khả năng thực hiện trọng trách này phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp an toàn thông tin do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ.
Chia sẻ tại sự kiện trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” năm 2022, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, qua 7 lần chương trình được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức, chúng ta đã lựa chọn được các doanh nghiệp có những sản phẩm, dịch vụ xuất sắc, góp phần vào phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin Việt Nam.
“Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận với nhau rằng đây chỉ là bước đi ban đầu. Con đường làm chủ công nghệ, làm chủ sản phẩm, làm chủ thị trường ở phía trước của doanh nghiệp Việt Nam còn rất dài và nhiều khó khăn, thách thức”, Thứ trưởng lưu ý.
Thống kê của Cục An toàn thông tin cho thấy, số liệu doanh thu hàng quý, hàng năm của sản phẩm an toàn thông tin nội địa và sản phẩm nước ngoài còn chênh lệnh rất lớn. Doanh thu sản phẩm an toàn thông tin mạng nội địa mới đạt khoảng 60% so với doanh thu sản phẩm nước ngoài. Nghĩa là, dù làm chủ được trên 90% dòng sản phẩm song chúng ta chỉ chiếm lĩnh được khoảng 1/3 giá trị thị trường.
Trả lời câu hỏi đâu là lời giải cho bài toán trên, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: “Mấu chốt là thị trường. Thị trường là mở, là tuân theo quy luật cung cầu, do vậy mấu chốt vẫn là doanh nghiệp Việt Nam phải làm ra được những sản phẩm, dịch vụ tốt, thậm chí là tốt hơn sản phẩm, dịch vụ của nước ngoài”.
Thứ trưởng chỉ rõ, một sản phẩm tốt cần tốt về chức năng, tính năng kỹ thuật; tốt về quy trình hỗ trợ; tốt về nhân sự hỗ trợ và tốt về chuyện thấu hiểu nhu cầu đặc thù của Việt Nam. Trong 4 yếu tố, chức năng, tính năng kỹ thuật sẽ do thị trường đánh giá, tuy nhiên sản phẩm Make in Vietnam hoàn toàn có ưu thế ở 3 yếu tố còn lại. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi thế này.
Theo Phó Chủ tịch VNISA Vũ Quốc Khánh, trong 4 năm gần đây, chương trình “Chìa khóa vàng" (giai đoạn từ 2015 - 2019 là chương trình bình chọn các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin chất lượng cao, tiêu biểu - PV) đã chọn trao 154 danh hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam có những sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin xuất sắc.
Một số điểm mới của “Chìa khóa vàng” năm nay là lần đầu tiên số lượng dịch vụ đạt danh hiệu “Chìa khóa vàng” tăng trưởng vượt bậc và đạt ngang bằng với số sản phẩm và giải pháp đăng ký tham gia. “Điều này chứng tỏ thị trường cung ứng dịch vụ an toàn thông tin nội đã có bước chuyển biến tích cực”, đại diện VNISA bình luận.
Đặc biệt, có 83% số sản phẩm và 66% dịch vụ đạt danh hiệu “Chìa khóa vàng” năm 2022 mới được đưa ra đánh giá lần đầu.
Đại diện VNISA nhấn mạnh, chương trình “Chìa khóa vàng” năm nay ghi nhận sự đa dạng, ngày càng mở rộng hơn của các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin trong nước, với mức độ nội địa hóa và tự phát triển giải pháp khoa học kỹ thuật cao, hoàn toàn làm chủ công nghệ trong nhiều lĩnh vực.
Năm nay có một số giải pháp an toàn thông tin lần đầu tiên xuất hiện như vấn đề an toàn Wi-Fi cho gia đình, hướng tới bảo vệ trẻ em trên mạng; hay giải quyết vấn đề ký số từ xa, một số bài toán chứng thực điện tử, quản lý định danh và xác thực sinh trắc học... Thực tế, một số sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thay thế hàng ngoại.