Mỹ và NATO sẽ cung cấp một số hệ thống để tăng cường khả năng phòng không của Ukraine. Tuy vậy, số lượng sẽ hạn chế và nhiều hệ thống sẽ phải mất nhiều năm mới đến được Ukraine.
Dưới đây là tóm tắt những hệ thống phòng không mà phương Tây có thể cung cấp cho Kiev và những thách thức thực tế của chúng.
Stinger: là hệ thống phòng không di động tầm ngắn sử dụng tia hồng ngoại để xác định mục tiêu. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 1.400 hệ thống Stingers và xuất hiện nhiều video cho thấy Stinger đã hạ máy bay Nga. Washington được cho sẽ tiếp tục cung cấp Stinger cho Kiev dù hàng trong kho có hạn và tỷ lệ sản xuất thấp.
Avenger: có kết cấu xe vận tải được gắn Stinger và được sử dụng rộng rãi trong lực lượng quân đội Mỹ. Mỹ có thể tiếp tục cung cấp Avenger cho Ukraine với số lượng ít vì các đơn vị chiến đấu của Mỹ cần sử dụng hệ thống này và lượng hàng trong kho ít.
NASAMS: là hệ thống phòng không tầm trung, sử dụng tên lửa không đối không tầm trung (AMRAAM). Phiên bản mới nhất có thể sử dụng tên lửa tầm xa AIM-9X Sidewinder truy tìm được các mục tiêu khác nhau. Mỹ cam kết cung cấp 8 chiếc cho Ukraine, nhưng 6 chiếc đang được đặt hàng. Do vậy, sẽ có rất ít NASAMS có sẵn để chuyển giao cho Ukraine.
S-300: là hệ thống phòng không tầm trung của Liên Xô được hơn 10 quốc gia sử dụng. Theo IISS Military Balance, Ukraine có khoảng 250 hệ thống S-300 trước khi xung đột nổ ra và quân đội nước này đã sử dụng thành thạo trong nhiều năm. Mỹ và NATO đã thu thập từ các đồng minh Đông Âu để gửi bổ sung cho Kiev.
Patriot: là hệ thống đánh chặn tên lửa đất đối không của Mỹ được hàng chục quốc gia sử dụng và đã cho thấy tính hiệu quả trong chiến đấu. Patriot hiện được sản xuất với số lượng lớn cho Mỹ và khách hàng toàn cầu nên Ukraine có thể dễ dàng tiếp cận với hệ thống này.
Tuy nhiên, Patriot khá phức tạp, với một radar, bệ phóng và trung tâm chỉ huy. Để có thể vận hành Patriot, lính Ukraine sẽ cần được huấn luyện trong 53 tuần. Vì vậy, Patriot thích hợp cho việc tái thiết quân đội Ukraine thời hậu chiến hơn là chuyển giao ngay lúc này.
HAWK: Ukraine được cung cấp 4 hệ thống phòng không tầm trung HAWK từ Tây Ban Nha. Hệ thống này liên tục được cải tiến với phiên bản mới nhất được là I-HAWK. Mỹ đã cho ngừng hoạt động hệ thống HAWK kể từ năm 2002, thay thế bằng Patriot.
Tuy vậy, HAWK vẫn tỏ ra hiệu quả trong đánh chặn máy bay và tên lửa của Nga. Nhiều quốc gia đang sẵn sàng xả kho HAWK cho Ukraine để trang bị hệ thống hiện đại hơn.
Vòm sắt (Iron Dome): Hiệu quả của hệ thống Vòm sắt từ Israel trong việc đánh bại các cuộc tấn công tên lửa đã được chứng minh.
Để giải quyết vấn đề nguyên tắc trung lập của Israel, Mỹ đề xuất có thể chuyển hệ thống này sang nước thứ ba. Hiện tại, Mỹ đã mua 2 hệ thống để thử nghiệm và có thể cung cấp những hệ thống này cho Ukraine.
Ngoài ra, Mỹ có thể cung cấp hệ thống phòng thủ hỏa lực gián tiếp (IFPC) Inc 2, hệ thống tích hợp phòng không trên biển (MADIS) hay cung cấp các thiết bị hỗ trợ đánh chặn tên lửa như hệ thống radar giám sát.
Hệ thống từ các nước châu Âu
Pháp được cho là cung cấp hệ thống Crotale gắn trên xe vận tải tầm ngắn và hệ thống Mistral di động (phiên bản Stinger của Pháp).
Đức đang gửi 4 hệ thống IRIS-T SL gắn xe tải sử dụng tên lửa IRIS không đối không hồng ngoại. Berlin hiện đang phát triển phiên bản đất đối đất, nhưng không có sẵn để chuyển giao cho Ukraine.
Anh cũng sẽ cung cấp AMRAAMS để bổ trợ cho NASAMS cung cấp bởi Mỹ và Na Uy. Mùa xuân năm ngoái, Anh cũng cung cấp cho Ukraine một số hệ thống Starstreak (phiên bản Stinger của Anh).
Việc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo trong các cuộc không kích gần đây khiến Ukraine khó đánh chặn. Dù hệ thống phòng th tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và Patriot của Mỹ có thể đánh chặn tên lửa tầm ngắn và tầm trung, mức độ phức tạp của hệ thống khiến Washington khó có thể chuyển giao ngay cho Kiev.
Bảo Huy
>> Xem thêm tin quân sự trên báo VietNamNet