Bán dẫn, vi mạch: Công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia
Bán dẫn, thiết kế vi mạch và các ngành liên quan đang là mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia. Các chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế vừa tập trung thảo luận chủ đề này tại Diễn đàn “SEMI SEA TalentConnect – Kết nối nhân tài” do Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn toàn cầu (SEMI) phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2023 (Vietnam Business Summit 2023) tổ chức vừa qua.
Ông Scott Nguyễn, Giám đốc Hỗ trợ khách hàng, sản phẩm và dịch vụ hậu mãi, Kulicke & Sofa lưu ý: “Chúng ta đang được bao quanh bởi chất bán dẫn. Những con chip cực nhỏ điều khiển mọi thứ từ điện thoại di động đến ô tô… Có thể nói, chất bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thế giới”.
Với doanh thu hàng trăm tỷ USD, công nghiệp bán dẫn và vi mạch đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia. “Năm 2022, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu đạt khoảng 600 tỷ USD”, ông Lê Quang Đàm, Tổng giám đốc Marvell Technology Việt Nam, thông tin.
Thuyết trình về chủ đề “Thiết kế vi mạch, tương lai của bạn”, ông Edmund Mok, Ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB Singapore) cho biết, với lực lượng lao động hơn 35.00 người, năm qua, công nghiệp bán dẫn đóng góp 57 tỷ USD, chiếm 7% GDP của Singapore. Hiện 8 trong số 10 công ty thiết kế vi mạch hàng đầu có đội ngũ thiết kế và các bộ phận R&D khác đặt ở Singapore, cụ thể gồm: AMD, Mediatek, nVidia, Marvell, Broadcom, Qualcomm, Realtek, Omnivision.
Quay sang Việt Nam, công nghiệp bán dẫn và vi mạch những năm gần đây chiếm một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu. “Ngành bán dẫn đang trên đường phát triển và có nhiều cơ hội thành công cao trong tương lai”, Giáo sư – Tiến sĩ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, đồng thời nêu rõ một số lý do: “Việt Nam có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, nền tảng công nghiệp điện tử khá tốt, cộng thêm đội ngũ nhân lực chất lượng và tay nghề cao, tận tâm, chăm chỉ, sáng tạo, với hơn 70 trường đại học về lĩnh vực công nghệ và STEM trên toàn quốc, trong đó một số trường thứ hạng cao trên thế giới”.
Ngành thiết kế, chế tạo vi mạch trong nước đang thu hút nguồn vốn FDI của một số tập đoàn công nghệ bán dẫn quốc tế hàng đầu như: Samsung, Hana Micron (Hàn Quốc); Intel, Synopsys, Qorvo (Mỹ); Renesas Electronics (Nhật Bản); USI Electronics (Đài Loan - Trung Quốc)…
“Những đóng góp vẫn chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI. Chúng ta vẫn chưa có nhiều công ty điện tử Việt Nam đủ lớn. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước để Việt Nam có tên trên bản đồ công nghiệp điện tử thế giới”, Giáo sư – Tiến sĩ Chử Đức Trình bày tỏ quan điểm.
Thiếu hụt nhân lực: Thách thức toàn cầu
Nhấn mạnh “nhân tài bán dẫn được săn đón trên toàn cầu”, ông Edmund Mok nêu con số đáng chú ý: Tới năm 2030, ngành bán dẫn sẽ cần thêm 900.000 nhân sự.
Theo đại diện Ban Phát triển Kinh tế Singapore, các quốc gia mới công bố đầu tư vào nhà máy sản xuất bán dẫn sẽ thiếu trầm trọng nhân sự có kỹ năng. Vì thế, các chính phủ, doanh nghiệp đang tập trung chiến lược vào khối trường học và các chương trình đào tạo mới để phát triển nhân lực tài năng về bán dẫn.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), một khoản đầu tư trị giá 300 triệu USD sẽ được chính phủ và các công ty như TSMC, MediaTek đồng tài trợ vào 4 "trường học chip" mới trong 8 - 12 năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu cần khoảng 34.000 nhân lực bán dẫn.
Tại Singapore, bên cạnh chương trình đào tạo mới để phát triển đội ngũ nhân tài bán dẫn, Chứng chỉ chuyên nghiệp thiết kế vi mạch kỹ thuật số đã được áp dụng nhằm nâng cao năng lực thiết kế chip của các nhân tài để sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch trong tương lai. EDB Singapore cũng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ giới trẻ tiếp xúc với ngành công nghiệp bán dẫn, thông qua các hoạt động: Hội chợ nghề nghiệp; Trại hè “Thiết kế chip – Tương lai của bạn”; Tham quan công ty bán dẫn...
Các chuyên gia quốc tế chung nhận định: Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình sản xuất bán dẫn và vi mạch là thách thức toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong bối cảnh xung đột địa chính trị đẩy nhiều tập đoàn và công ty bán dẫn dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc đại lục sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ cho rằng, trong khoảng 2 - 5 năm tới, Việt Nam sẽ có thể trở thành mắt xích quan trọng về bán dẫn trên toàn cầu.
Muốn tận dụng và phát huy tốt cơ hội, tiềm năng, Việt Nam cần sớm tìm ra những lời giải hữu hiệu cho bài toán nhân lực.
“Những sinh viên tài năng về bán dẫn, vi mạch không lo thiếu việc. Cơ hội việc làm không chỉ có tại Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế”, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam hình dung về tương lai.
“Điểm sáng” về đào tạo nhân lực bán dẫn tại Việt Nam
Trường Đại học Công nghệ là một trong những “điểm sáng” về đào tạo nhân lực bán dẫn, vi mạch, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Không chỉ hợp tác chặt chẽ với Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc về đào tạo bán dẫn, trường còn thường xuyên gửi sinh viên tham gia các chương trình giao lưu, trao đổi đào tạo, nghiên cứu quốc tế; gần nhất là chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên do SEMI tổ chức tại Malaysia.
Các chương trình đào tạo định hướng về bán dẫn và vi mạch từ bậc Đại học đến Thạc sĩ, Tiến sĩ đã được đưa vào giảng dạy trong nhiều năm qua, góp phần đào tạo hàng nghìn nhân lực chất lượng cao có khả năng tham gia các công đoạn khác nhau của nền công nghiệp thiết kế vi mạch.
Cùng với đó, 4 phòng thí nghiệm đang triển khai các hướng nghiên cứu về chế tạo linh kiện bán dẫn, thiết kế, chế tạo các linh kiện, hệ thống cơ điện tử tiên tiến, nghiên cứu vật liệu và linh kiện Micro-nano, thiết kế và ứng dụng vi mạch điện tử…, bước đầu đã có những kết quả nhất định.
Hàng năm, sinh viên được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia nhiều cuộc thi, giao lưu với sinh viên quốc tế, chẳng hạn: LSI design contest tổ chức thường niên tại Nhật Bản; Synopsys ARC design contest tại Đài Loan; SEACAS Hackathon ở Indonesia; Chipathon ở Malaysia…
Sự hợp tác sâu rộng với các đối tác là doanh nghiệp có tiềm lực, công nghệ trong lĩnh vực thiết kế chip/vi mạch bán dẫn tiêu biểu như: Viettel, VNPT, FPT, Samsung, LG, Toshiba, TSMC, Global Foundry, CMP, Synopsys, Mentor Graphics… tạo điều kiện ra đời rất nhiều công trình nghiên cứu mỗi năm.
“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo, định hướng nghiên cứu chuyên sâu, đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, tạo ra thế hệ tài năng mới cho tương lai”, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ khẳng định.
Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Thông tin và Truyền thông cách đây ít lâu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu con số đáng quan ngại: Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%.
Việt Nam cần có thêm nhiều “điểm sáng” khác nữa bên cạnh Trường Đại học Công nghệ mới có thể sớm giải bài toán thiếu hụt nhân lực, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Phạm Minh