Quy hoạch nông thôn là tiêu chí đầu tiên trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đây là tiêu chí quan trọng làm tiền đề và nền tảng giúp cho việc quản lý, hoạch định phát triển các không gian trên địa bàn xã một cách toàn diện.
Xác định tầm quan trọng của quy hoạch nông thôn, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ cấp huyện đến cơ sở.
Từ năm 2016, Điện Biên đã có 100% xã hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã. Đến nay, Điện Biên đã có những kết quả tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 153 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.
Việc lập, quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn đã góp phần giúp môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, an ninh chính trị được giữ vững, nhiều vùng nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Bên cạnh đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,77%/năm vượt so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra 7%; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 42,98 triệu đồng. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Điện Biên theo chuẩn nghèo mới giảm còn 25,68%, bình quân giảm 4,17%/năm, vượt 1,24% so với mục tiêu Nghị quyết.
Tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 1986 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 và chỉ rõ các nội dung cần thực hiện như: Rà soát, điều chỉnh, lập mới (trong trường hợp quy hoạch hết hạn) và triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng xã gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa theo quy định của pháp luật về quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từng bước lập quy hoạch chi tiết xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan khu vực nông thôn. Tập trung quy hoạch lại các cụm dân cư thôn, bản ở khu vực biên giới; rà soát điều chỉnh lập quy hoạch xây dựng vùng huyện gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, ngày 27/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 109/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung quy hoạch bao gồm tổng thể định hướng các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch đô thị, nông thôn...
Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, phấn đấu 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và trên 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã, thôn, bản phát triển theo mô hình nông thôn mới gắn với đặc thù của từng khu vực trên cơ sở bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở sản xuất...
Theo đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững, có cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư lâu dài, có hệ thống phù hợp với quy hoạch vùng huyện, UBND cấp huyện cần chỉ đạo các xã khẩn trương thực hiện rà soát quy hoạch nông thôn mới cấp xã; trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng để điều chỉnh bổ sung, lập “Quy hoạch chung xây dựng xã” theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 04/2022/TT-BXD (24/10/2022), với định hướng quy hoạch không gian tổng thể tổ chức hệ thống trung tâm xã, cải tạo thôn, bản hiện hữu và hình thành các khu dân cư mới cho tương lai.
UBND các huyện cần xác định quy mô dân số, tính chất, nhu cầu đất ở cho từng khu dân cư mới và thôn, bản đã có.
Hình thành các khu, điểm quỹ đất có mặt bằng với quy mô diện tích tương đối để tổ chức đấu giá hoặc đấu thầu dự án tạo nguồn thu, thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy hoặc các điểm dân cư tập trung, khu vực sản xuất tập trung có hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Định hướng tổ chức hệ thống công trình công cộng, dịch vụ cấp xã, thôn, bản; xác định các chỉ tiêu quy hoạch, định hướng kiến trúc, tổ chức không gian cho từng loại hình phù hợp với đặc điểm của địa phương.
Định hướng tổ chức các khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung, làng nghề, khu vực sản xuất và phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức kết hợp các khu chức năng khác trên địa bàn xã tuân thủ quy hoạch cấp trên, quy hoạch ngành và các quy hoạch liên quan.