Liên quan đến vụ nâng điểm bài thi học kỳ I năm học 2019–2020, môn Địa lý lớp 7 xảy ra tại Trường THCS Mỹ An, UBND huyện Mang Thít vừa có báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh vụ việc về Sở GD-ĐT Vĩnh Long.

{keywords}
Trường THCS Mỹ An, nơi xảy ra vụ nâng điểm

165 bài thi được nâng điểm

Theo kết quả xác minh của UBND huyện Mang Thít, ngày 6/5, Phòng GD-ĐT huyện đã thành lập Hội đồng chấm thẩm định tất cả bài kiểm tra môn Địa lý học kỳ I lớp 7 của Trường THCS Mỹ An.

Hội đồng đã chấm lại 166/166 bài kiểm tra.

Kết quả, có 165/166 bài lệch từ 0,25 đến 6,5 điểm (có 1 bài không thay đổi điểm).

Cụ thể, có 48 bài lệch từ 0,25 đến 2 điểm; 99 bài lệch từ 2,25 đến 4 điểm; 18 bài lệch từ 4,25 đến 6,5 điểm.

Theo báo cáo, nguyên nhân lệch điểm là do lỗi nghiệp vụ ra đề và chấm bài kiểm tra.

{keywords}
Bài thi 1 điểm được nâng lên thành 8 điểm

Vẫn theo báo cáo này, hôm 7/4, Phòng GD-ĐT nhận được thư điện tử của cô Phạm Thị Ngọc Thúy, giáo viên Trường THCS Mỹ An có nội dung: "Ban giám hiệu trường ra lệnh nâng điểm thi học kỳ môn Địa lý khối 7 để chạy đua thành tích và trục lợi”.

Sau khi nhận thông tin, Phòng GD-ĐT yêu cầu Ban giám hiệu trường báo cáo sự việc và làm việc với các cá nhân có liên quan... Qua xác minh, việc nâng điểm bài thi môn Địa lý học kỳ I khối 7 là đúng như phản ánh.

Nguyên nhân là do nhà trường phân công giáo viên Nguyễn Hoài Thanh ra đề kiểm tra thay thế cô Nguyễn Thị Bạch Ngọc, giáo viên dạy Địa lý lớp 7 của trường.

Tuy nhiên, ông Thanh không giảng dạy môn Địa lý lớp 7 nên dẫn đến sai sót ngay ở khâu ra đề kiểm tra.

Còn cô Ngọc chấm bài kiểm tra xong thì phát hiện điểm của học sinh quá thấp. Trong đó, nguyên nhân là các em học sinh không làm được trọn vẹn 3 câu tự luận vì đề không nằm trong nội dung ôn tập.

Theo kết luận, cô Ngọc cũng tự ý soạn đề cương cho học sinh có giới hạn nội dung ôn tập khác hướng dẫn chung của Phòng và Sở GD-ĐT.

“Việc tự giảm tải nội dung kiến thức dẫn đến kết quả học sinh làm bài điểm thấp. Khi đề kiểm tra không nằm trong đề cương ôn tập thì bản thân cô Ngọc chấm điểm tùy tiện (bất kể học sinh làm được phần tự luận nhiều hay ít đều được 7.0 điểm). Do đó, điểm của học sinh bị chênh lệch so với lần chấm ban đầu”, báo cáo nêu.

Báo cáo cũng nêu rõ, Ban giám hiệu trường cũng để xảy ra nhiều sai sót, chưa thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ.

Trong đó, lãnh đạo nhà trường phát hiện vụ việc từ ngày 23/12/2019, nhưng giải quyết không triệt để, thiếu kiên quyết nên dẫn đến sai sót kéo dài, đồng thời không báo cáo cấp trên để được tư vấn, hỗ trợ, chỉ đạo giải quyết.

Lãnh đạo trường có phát hiện sai sót, yêu cầu cô Ngọc sửa sai và chỉ đạo lại nhưng thiếu phúc tra, đôn đốc xem đối tượng có thực hiện hay không.

Đồng thời, không cho dừng việc vào điểm môn Đại lý khối 7 trên hệ thống SMAS và phiếu liên lạc học sinh.

Xử lý trách nhiệm

Theo báo cáo cũng khẳng định, đối với nội dung “vụ việc không được xử lý mà có dấu hiệu bao che cho việc làm sai trái” là không chính xác.

Theo đó, lãnh đạo nhà trường phát hiện vụ việc từ ngày 23/12/2019 nhưng giải quyết không triệt để, thiếu kiên quyết.

Đến ngày 7/4/2020, qua thông tin cung cấp của cô Thúy, Phòng GD-ĐT huyện mới phát hiện vụ việc. Kể từ đó, Phòng GD-ĐT đã tiến hành các bước theo quy trình tiếp nhận đơn thư giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nhưng trong quá trình thụ lý, cô Thúy và Phạm Thị Yến (nhân viên văn thư của trường) tiếp tục gửi đơn, thư đến nhiều nơi không có thẩm quyền giải quyết và không có thái độ hợp tác với Phòng để giải quyết vụ việc.

Về trách nhiệm, đối với ông Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng trường phân công bà Yến làm công tác văn thư lưu trữ, lại để bà này mang toàn bộ bài kiểm tra về cất giữ.

Từ đó, cho thấy ông Hoà quản lý hồ sơ, tài liệu chưa tốt. Việc phân công giáo viên ra đề thi, khi cô Ngọc ra đề chậm trễ thì Hiệu trưởng này phân công ông Hoài Thanh ra đề thay.

“Đó là hành động nóng vội, thiếu khoa học vì ông Thanh không trực tiếp giảng dạy môn Địa lý 7”, báo cáo nêu.

{keywords}
Bài thi 3,75 điểm được nâng lên thành 7,75 điểm

Khi vụ việc xảy ra, ông Hoà không chỉ đạo cấp dưới báo cáo về Phòng GD-ĐT huyện. Việc này cho thấy việc xử lý thông tin báo cáo cho cấp trên chưa kịp thời.

Đối với ông Châu Chánh Ngôn - Phó hiệu trưởng, sau khi giáo viên ra đề, ông này thiếu chỉ đạo tổ chức phản biện giữa các giáo viên nên nội dung kiến thức kiểm tra còn nhiều thiếu sót. Với vai trò là người chỉ đạo trực tiếp chuyên môn nhưng ông Ngôn chưa sâu sát nên để xảy ra sai sót làm ảnh hưởng đến nhà trường và ngành giáo dục.

Để khắc phục, UBND huyện giao Phòng GD-ĐT chỉ đạo trường tổ chức ôn tập và cho học sinh lớp 7 kiểm tra lại kết quả học kỳ I môn Địa lý.

“Đây là phương án tối ưu vừa đảm bảo quyền lợi của học sinh, vừa trả lại sự công bằng cho các em”, báo cáo nêu.

“Việc nâng điểm xuất phát từ yếu tố nhận thức tự phát cá nhân của cô Ngọc. Lỗi lớn nhất thuộc về cá nhân của cô Ngọc. Tuy nhiên, ông Hoà và ông Ngôn cũng thiếu trách nhiệm trong quản lý chuyên môn, nhất là việc tổ chức quy trình kiểm tra học kỳ I, quy trình xử lý điểm thi cho học sinh”, báo cáo nêu.

UBND huyện Mang Thít chỉ đạo Phòng GD-ĐT tham mưu xem xét trách nhiệm của từng cá nhân để tổ chức kiểm điểm hoặc xử lý theo quy định pháp luật.

Hơn 160 bài thi học kỳ I ở Vĩnh Long được nâng điểm bất thường

Hơn 160 bài thi học kỳ I ở Vĩnh Long được nâng điểm bất thường

Có đến 167 bài kiểm tra học kỳ I môn Địa lý lớp 7 của một trường THCS ở Vĩnh Long được chỉnh sửa nâng điểm từ thấp lên cao. 

Hoài Thanh