Nghiên cứu sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết (giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, để có thắng lợi Điện Biên Phủ thì đầu tiên và rất quan trọng đó là người đứng đầu của một dân tộc phải có ý chí dám đánh và quyết đánh.

Chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ diễn ra gần 2 tháng nhưng vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được nhìn nhận trong toàn bộ cuộc kháng chiến. Người đóng vai trò là “linh hồn” và người chỉ huy cao nhất.

NHÀ QUÂN SỰ XOAY CHUYỂN TÌNH THẾ

PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết dẫn lại cuốn Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh-Bộ Chính trị xuất bản năm 1996: “Ngoài 25 triệu người dân giàu lòng yêu nước, cùng 2,4 - 2,7 triệu tấn thóc mỗi năm, Việt Nam không có gì để so sánh với bên đối chiến về lực lượng vật chất và kỹ thuật chiến tranh”. Ý chí “dám đánh” và làm cho cả dân tộc “quyết đánh” với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” là công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong suốt quá trình cuộc kháng chiến, Người đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để từng bước làm thay đổi tương quan lực lượng theo chiều hướng có lợi cho ta. 

w nhh 7808 1 373.jpg
Hình tượng bộ đội ta dưới hào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Hoàng Hà

Chiến tranh không chỉ là đấu lực mà còn là sự đấu trí giữa các thống soái chỉ huy. Theo PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết, nếu trong suốt 9 năm chiến tranh, phía Việt Nam chỉ có một chính phủ duy nhất, một vị chỉ huy tối cao - Chủ tịch Hồ Chí Minh, một Tổng Tư lệnh duy nhất - Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì cũng trong thời gian đó Pháp đã phải 20 lần thay đổi chính phủ và thay 8 tổng tư lệnh, 7 cao ủy ở Đông Dương.

Tháng 5/1953, Tướng H.Nava - người đang giữ chức Tham mưu trưởng lục quân NATO được cử sang làm Tổng chỉ huy quân đội thứ 7 của Pháp ở Đông Dương, với sứ mệnh trong 18 tháng phải tìm cho ra một lối thoát trong danh dự. Nhưng mọi toan tính của Nava đều bị Chủ tịch Hồ Chí Minh “bẻ gãy”. 

Tướng Nava vạch ra Kế hoạch Nava nhằm tập trung lực lượng cơ động chiến lược thành “quả đấm sắt” để tiêu diệt từng căn cứ, lực lượng chủ lực của ta. Cuối tháng 9/1953, tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra đối sách.

“Người diễn đạt kế hoạch tấn công một cách độc đáo, sinh động, dễ hiểu bằng cách mở rộng bàn tay để mỗi ngón tay chỉ về một hướng và nhấn mạnh việc lấy Tây Bắc làm hướng chính”, PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết nêu. 

Ngày 19/11/1953, Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc, quân ta cũng tiến đánh ở Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào để xé lẻ binh lực của Nava. Phát hiện quân chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, ngày 20/11/1953, Nava đã cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đó một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với 49 cứ điểm được tổ chức thành các cụm đề kháng có khả năng phòng ngự mạnh. Đây là hình thức đối phó mới nhất của địch. Mục đích của Tướng Nava khi xây dựng tập đoàn cứ điểm này là khống chế vùng Tây Bắc, bảo vệ Thượng Lào và biến Điện Biên Phủ thành “cái bẫy” kìm chân quân chủ lực Việt Minh.

Trước “nước cờ” mới của địch, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp và quyết định mở chiến dịch tấn công Điện Biên Phủ với mật danh “Trần Đình”. Bằng quyết định lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động chuyển phương thức tác chiến từ “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang “đánh vào chỗ mạnh nhất” của địch và buộc quân Pháp phải giao chiến với ta sớm hơn 1 năm so với kế hoạch của chúng.

Vì thế, theo chuyên gia Trần Thị Minh Tuyết, địa danh Điện Biên Phủ lúc đầu hoàn toàn chưa có trong Kế hoạch Nava và kế hoạch tác chiến của ta, cuối cùng đã trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa hai bên. Phương châm “đánh chắc, thắng chắc” của Hồ Chí Minh đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo cao nhất, bảo đảm chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi hoàn toàn.

TÀI DÙNG NGƯỜI CỦA BÁC HỒ

Bà Tuyết khẳng định, Người còn tỏ rõ tài năng trong việc lựa chọn cán bộ chỉ huy cao nhất của chiến dịch.

Trong sử dụng cán bộ, Người luôn thực hiện phương châm: “Đã giao việc là giao quyền, đã giao quyền thì phải có lòng tin”. Lòng tin cao độ và sự tôn trọng cấp dưới của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đủ căn cứ và thẩm quyền để đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình: Chuyển phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” khi cả mặt trận đã dàn quân, đạn đã lên nòng. Lịch sử đã chứng minh quyết định của Đại tướng là hoàn toàn đúng đắn.

img 4933.jpg
PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết. Ảnh: Trần Thường

Bà dẫn lời nhà sử học Pháp George Boudarel từng viết trên tờ Người quan sát mới, đại ý Tướng Giáp đã dám thế chấp sinh mạng chính trị của mình cho trận đánh, vì nếu thua thì ông sẽ mất hết, dù ông còn sống thì đó cũng chỉ là sự tồn tại. Phải có một bản lĩnh lớn, ông mới thuyết phục được các cố vấn Trung Quốc từ bỏ ý định đánh nhanh, thắng nhanh với chiến thuật đầu nhọn, đuôi dài, nở hoa trong lòng địch và làm cho mọi người chấp thuận cách đánh của ông - cách đánh của Việt Nam là bao vây, đánh lấn, đánh chắc, tiến chắc theo kiểu bóc vỏ, xẻ múi, nghiền hạt. “Tướng Giáp đã bắt sống con nhím khổng lồ Điện Biên Phủ, không cho nó xổng chuồng".

“Tài năng, bản lĩnh chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được lịch sử và thế giới tôn vinh nhưng sâu xa ở đó là khả năng dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, PGS.TS Trần Thị Tuyết Minh nhấn mạnh.

Sức chiến đấu của quân đội nằm ở ý chí, nhiệt huyết của những người trực tiếp cầm súng trên chiến trường. Với đội quân cách mạng non trẻ, có sự thiếu hụt rất lớn về vũ khí, trình độ binh nghiệp và kinh nghiệm chiến đấu thì yếu tố tinh thần càng quan trọng. Vì thế, khi nói với cán bộ chỉ huy quân đội, Người nhấn mạnh: “Trung ương và các chú quyết tâm cũng chưa đủ, mà phải làm cho quyết tâm đó xuống đến mọi chiến sĩ... Quyết tâm đó phải thành một khối thống nhất từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên”. 

Trong suốt thời gian chuẩn bị và diễn ra chiến dịch, Người đã dùng nhiều cách khác nhau để động viên chiến sĩ Điện Biên, trong đó có 5 lần gửi thư.

Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác hậu cần, chi viện.

Về phía Pháp, mọi tiếp tế đều dựa vào đường hàng không. Về phía ta, chi viện cho Điện Biên Phủ là vấn đề vô cùng khó khăn vì khoảng cách và ta chỉ có sức người cùng các phương tiện thô sơ.

Khi ta lựa chọn phương án “đánh chắc, tiến chắc”, không có mốc thời gian cụ thể kết thúc chiến dịch thì sự chi viện càng phải tăng lên. Hậu cần trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng, quyết định thắng - bại vì lẽ đơn giản: Bộ đội không có ăn thì không thể đánh giặc.

w nhh 7863 1 357.jpg
Xe đạp thồ của anh Cao Văn Tỵ, dân công tỉnh Thanh Hóa đã vận chuyển hàng phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Hoàng Hà
W-hai-4804-1.jpg
Tái hiện đội quân xe thồ huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Phạm Hải

Ngày 19/4/1954, Bộ Chính trị dưới sự chỉ đạo của Hồ Chủ tịch đã ra nghị quyết toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã huy động được một khối lượng rất lớn sức người, sức của từ các vùng tự do để chi viện cho Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ đạo huy động nguồn hậu cần tại Tây Bắc vì phương án này vừa không tốn nhiều công sức vận chuyển, vừa nhanh chóng, vừa đỡ lộ bí mật. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ca ngợi: “Đồng bào Tây Bắc... san sẻ những hạt gạo cuối cùng cho bộ đội ăn để đánh giặc”.

“Kết quả là, những đôi bồ, xe thồ thô sơ, đôi chân trần của dân công hỏa tuyến đã thắng máy bay trực thăng hiện đại của người Pháp. Nava đã thua trước khả năng huy động sức mạnh toàn dân và cách thức giải quyết vấn đề hậu cần rất linh hoạt, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết tổng kết.