Tỉnh Điện Biên là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là tình trạng lũ quét, sạt lở đất. Người dân địa phương đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở các đồi núi cao, địa hình bị chia cắt.
Nhiều năm qua do biến đổi khí hậu và các yếu tố tác động chủ quan từ con người gây suy môi trường sinh thái, Điện Biên hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Điện Biên, trong năm 2022 đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ các loại hình thiên tai như rét đậm, rét hại, dông lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Điên Biên cũng ghi nhận 3 trận động đất tại huyện Mường Nhé, may mắn không có thiệt hai nhiều. Thiệt hại do thiên tai khiến 9 người chết, 4 người bị thương, hơn 600 căn nhà bị thiệt hại, hơn 1.406 ha hoa màu thiệt hại, hàng nghìn gia súc, gia cầm chết. Nhiều công trình giao thông, trạm y tế, điểm trường bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại khoảng hơn 192 tỷ đồng.
Sang năm 2023, ngay từ tháng 5, tại huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, huyện Tủa Chùa đã xuất hiện mưa đá gây thiệt hại về tài sản khoảng 7 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã làm 2 người chết do lũ cuốn trôi và sét đánh; 700 ngôi nhà hư hỏng, gần 1.000 ha đất nông nghiệp. Tổng thiệt hại ước tính trên 11,5 tỷ đồng.
Đầu tháng 8/2023, mưa lớn kèm gió lốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Điện Biên khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hàng trăm ha ngô hè thu, lúa mùa bị thiệt hại. Nhiều tuyến đường bị ách tắc do sạt lở đất đá, một trường mầm đất đá sạt lở lớn, bùn đất tràn vào trong lớp học…
Trong khi đó, tại Điên Biên còn gặp nhiều khó khăn về công tác phòng chống thiên tai. Việc cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét còn hạn chế, phạm vi cảnh báo rộng, chưa cụ thể.
Nhiều hộ dân trong tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất do thiếu quỹ đất ở lâu dài. Sức chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhà cửa của người dân trên địa bàn còn chưa đáp ứng, dễ bị ảnh hưởng thiệt hại của các loại hình thiên tai nhanh như lũ quét, lũ ống, dông lốc, mưa lớn kéo dài, động đất, mưa đá.
Ngoài ra, Điện Biên cũng là địa phương gặp khó trong ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực dự báo, cảnh báo theo dõi, giám sát, phân tích thiên tai, công cụ hỗ trợ, chỉ đạo điều hành và cứu hộ cứu nạn còn đang hạn chế nhất là loại hình thiên tai sạt lở đất, lũ quét ở miền núi.
Điên Biên còn thiếu mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn đặc biệt là các trạm đo mưa, mực nước, tự động, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Điện Biên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai.
Các địa phương triển khai kế hoạch Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Đến nay trên toàn tỉnh đã có 129/129 xã, phường, thị trấn thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai.
Điện Biên cũng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó thiên tai của người dân và cộng đồng trong đó phát huy mạng lưới truyền thông cơ sở để thông báo, cảnh báo người dân về tình hình mưa lũ, đồng thời thực hiện tốt công tác dự báo về tình hình mưa lũ để chủ động các phương án phòng chống.
Xây dựng các chương trình truyền thông, bản tin về cảnh báo thiên tai phát bằng tiếng dân tộc Thái và Mông.
Cơ quan chức năng thường xuyên khuyến cáo người dân cảnh giác với các dấu hiệu cảnh báo lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất.
Cộng đồng cần có sự chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu, vật liệu dự phòng trước, trong mùa mưa lũ.