Ngày 5/6 tới đây, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 (2022) sẽ được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Chính phủ (có sự tham gia của UBND TP.HCM) tổ chức.
Chủ đề diễn đàn năm nay là “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”. Lần đầu tiên, sự kiện được tổ chức tại TP.HCM, 3 lần trước đó diễn ra tại Hà Nội. Cấu trúc diễn đàn gồm 3 hội thảo chuyên đề; 1 phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao.
Theo ông Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đã làm bộc lộ nhiều vấn đề của nền kinh tế cần phải khắc phục.
Đồng thời cũng mở ra những hướng phát triển mới hướng tới mục tiêu vừa ứng phó với dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu cần tiếp tục thực hiện hiệu quả và thực chất các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng được đặt ra một cách cấp thiết, giúp tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong trung và dài hạn.
Theo ông Phong, để có căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh bình thường mới; tiếp nối thành công của diễn đàn trước, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Chính phủ tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới".
Đáng chú ý, chủ đề phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản sẽ được đem ra bàn thảo trong bối cảnh các thông tin về bất động sản trong nước liên tục “nóng” thời gian qua.
Giải thích việc lựa chọn chủ đề này, ông Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để hội nhập tốt phải củng cố năng lực nội tại của nền kinh tế để có thể độc lập, tự chủ hơn.
Năng lực nội tại sẽ có các nhân tố gồm: vốn, bất động sản, lao động. Đây là những yếu tố quan trọng, nếu phân bổ nguồn lực để các nhân tố trên hoạt động hiệu quả thì sẽ có năng lực nội tại đủ mạnh nhằm chống chịu tốt hơn với các cú sốc từ bên ngoài.
Ông Tú Anh phân tích, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với 2 cú sốc. Một, cú sốc dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới, một số nước đã quay lại tình trạng bình thường để sản xuất nhưng một số nước vẫn đang trong tình trạng phong tỏa.
Hai, xung đột địa chính trị xảy ra trên thế giới làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, cùng với sự ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm cho giá cung ứng các hàng hóa thiết yếu của nền kinh tế như ngũ cốc, thép, than, xăng, dầu đều bị sức ép tăng giá rất cao gây áp lực lạm phát lên nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Tất cả các quốc gia đều nhận thấy chính mình dễ bị tổn thương trước những cú sốc như vậy nên nội lực bản thân của mỗi đất nước là một trong những yếu tố then chốt để giúp thoát ra khỏi các cú sốc.
Liên quan đến chủ đề đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại diễn đàn, ông Vũ Hải An – Vụ trưởng Vụ Kinh tế quốc tế và Hội nhập, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, tình hình chuỗi cung ứng hỗn loạn, đứt gãy còn kéo dài, sẽ tiếp tục có diễn biến khó lường ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống. Hàng hóa thiếu hụt, chi phí tăng và người tiêu dùng phải gánh chịu. Cùng với đó, lợi nhuận của DN cũng bị ăn mòn, xuất khẩu của Việt Nam cũng bị tác động.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Trần Quốc Phương cho hay, dự báo của các tổ chức kinh tế trên thế giới là sẽ điều chỉnh giảm tăng trưởng, tốc độ phục hồi sẽ bị chậm lại do các yếu tố lạm phát, đặc biệt là giá xăng dầu.
Theo ban tổ chức, tham gia đối thoại tại phiên toàn thể và chính sách cấp cao tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 sẽ có Bộ trưởng các Bộ:Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng có phát biểu tổng kết tại diễn đàn.
Trần Chung