Cho đến hiện tại, số liệu chính thức ghi nhận, ít nhất 139 người đã thiệt mạng và hơn 180 người khác bị thương trong vụ xả súng thảm sát ở trung tâm tổ chức hòa nhạc Crocus City Hall ở ngoại ô tây bắc Moscow hôm 22/3. Vụ khủng bố đẫm máu đã khơi dậy tranh luận giữa các nhà lập pháp Nga về việc có nên khôi phục hình phạt tử hình, vốn đã bị cấm ở nước này kể từ năm 1996 hay không.
Theo đài RT, những người ủng hộ tái triển khai án tử, bao gồm cả lãnh đạo đảng Dân chủ tự do (LDPR) Leonid Slutsky tin nên áp dụng ngoại lệ cho lệnh cấm đối với 4 tay súng trực tiếp thực hiện vụ tấn công khủng bố. Những nghi phạm này đã bị Nga bắt giữ, đang trong thời gian tạm giam chờ hầu tòa vì các cáo buộc khủng bố, với mức án tối đa là chung thân.
Người đứng đầu phe Nước Nga thống nhất trong Duma quốc gia (Hạ viện Nga) Vladimir Vasiliev cũng tuyên bố sau thảm kịch rằng, ý tưởng tái áp dụng hình phạt tử hình đối với các hành vi khủng bố sẽ được “nghiên cứu một cách kỹ lưỡng” và quyết định được đưa ra sẽ “đáp ứng tâm tư và mong đợi của xã hội".
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của hãng thông tấn TASS về vấn đề này hôm 25/3, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi hiện không tham gia vào cuộc thảo luận này”.
Mặc dù về mặt kỹ thuật, bộ luật hình sự Nga có quy định về việc ban hành án tử, nhưng trên thực tế các tòa án bị cấm đưa ra bản án như vậy.
Theo giải thích của người đứng đầu Ủy ban Hội đồng liên bang về pháp luật hiến pháp Andrey Klishas, việc tái áp dụng hình phạt tử hình hiện "bất khả thi" về mặt pháp lý, vì cả hai viện thuộc Quốc hội Nga “không thể vượt qua các quyết định của Tòa án Hiến pháp về vấn đề này”.
Lãnh đạo Tòa án Hiến pháp Nga Valery Zorkin trước đây từng nêu rõ, theo Hiến pháp, mọi người đều có quyền sống và do đó được đảm bảo “quyền không bị kết án tử hình”. Ông Zorkin cho rằng việc tái áp dụng án tử sẽ đòi hỏi phải thông qua Hiến pháp mới.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Duma quốc gia về xây dựng nhà nước và pháp luật lưu ý, mặc dù các cuộc thảo luận về việc trừng phạt những kẻ khủng bố là quan trọng, nhưng chúng không nên là trọng tâm chính. Theo quan chức này, điều thiết yếu hiện nay là cần đảm bảo những hành vi tàn bạo như vậy không lặp lại.