Người phát ngôn của Điện Kremlin hôm 17/7 đã bình luận về các tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Trump trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg được công bố một ngày trước đó. Trong cuộc phỏng vấn, ông Trump nói đã “rất hòa hợp” với Tổng thống Nga Vladimir Putin lúc còn lãnh đạo Nhà Trắng, đồng thời nhấn mạnh vào thời điểm đó hai bên “chưa bao giờ đối mặt nguy cơ xảy ra xung đột”.
Khi được hỏi liệu ông có dỡ bỏ hay nới lỏng các lệnh trừng phạt chống Nga để giúp giải quyết xung đột Ukraine hay không, ông Trump không đưa ra câu trả lời trực tiếp. Thay vào đó, cựu lãnh đạo Nhà Trắng bày tỏ ông "không thích các lệnh trừng phạt" và cho rằng những biện pháp như vậy đang "buộc mọi người rời xa" Mỹ.
Tuy nhiên, ông Peskov nhấn mạnh, Mỹ “đã không làm gì tốt cho Nga dưới thời ông Trump”. Người phát ngôn đặc biệt đề cập đến “những hạn chế mới” do Washington áp đặt đối với Moscow vào thời điểm đó, đồng thời cho biết Nga coi tất cả các biện pháp trừng phạt như vậy là “bất hợp pháp” và chỉ “phá hủy nền tảng của quan hệ kinh tế quốc tế”.
Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế thống kê, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga ít nhất 40 lần trong suốt 4 năm cầm quyền đầu tiên của ông Trump. Năm 2019, Washington cũng rút khỏi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng có từ thời Chiến tranh Lạnh là Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), dẫn đến sự sụp đổ của thỏa thuận này vào cuối năm đó.
Bất chấp những căng thẳng, hai quốc gia vẫn duy trì một số cuộc đối thoại giai đoạn 2017 - 2021. Cá nhân ông Trump đã gặp ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki (Phần Lan) năm 2018 cũng như vào một số dịp khác trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, người kế nhiệm ông Trump, đã không trò chuyện với ông Putin kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2/2022. Cuộc điện đàm gần đây nhất giữa hai tổng thống diễn ra vào cuối tháng 12/2021. Theo Moscow, quan hệ giữa hai nước kể từ đó đã sụt giảm xuống mức thấp nhất sau Chiến tranh Lạnh.
Tuần trước, ông Biden tuyên bố “không có lý do chính đáng” để đối thoại với người đồng cấp Nga, kể cả về xung đột Ukraine.
Hồi tháng 6, phát ngôn viên Điện Kremlin khẳng định, Moscow sẵn sàng thương lượng với Washington, nhưng chỉ khi cuộc đối thoại đó “toàn diện” và không chỉ bao gồm chương trình nghị sự của Mỹ, mà còn tính đến những lo ngại của Nga.