Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, người dân bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) đã tích cực góp công, góp sức thực hiện các tiêu chí.
Tỉnh Phú Thọ xác định bản làng là nơi đầu tiên thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), từ đó góp phần tạo thành quả chung cho cả cộng đồng.
Nhờ những hỗ trợ từ các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, nhiều thôn, bản, xã vùng cao của tỉnh Phú Thọ đã từng bước thay da đổi thịt, hạ tầng nông thôn miền núi và trung du có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các xã vùng cao trong tỉnh được cải thiện; diện mạo nông thôn miền núi của tỉnh từng bước thay đổi, nhiều xã đã đạt tiêu chí xây dựng NTM.
Cơ cấu kinh tế khu vục miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Thọ đã có những chuyển biến rõ nét nhờ chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã vùng đặc biệt khó khăn, chương trình sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình, các chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm.
Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư nâng cấp, trong đó cơ bản là điện, đường, trường, trạm và hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất.
Từ chỗ thiếu thốn trăm bề, sau 1/4 thế kỷ tái lập tỉnh Phú Thọ, đến nay 100% số xã đã có đường ôtô đến trung tâm, có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, 100% thôn bản có điện lưới với trên 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98%... Đời sống của đồng bào vùng cao đang từng ngày khởi sắc.
Hơn 20 năm trước, Cỏi - một bản người Dao có khoảng 70 nóc nhà nằm dưới một thung lũng toàn đá cuội, biệt lập giữa rừng Xuân Sơn, Phú Thọ.
Bản Cỏi giờ đây đường ô tô đã vào tận nơi, không còn phải gửi lại ở xóm Lấp rồi đi bộ vào như trước. Đập vào mắt tôi là cái cổng ốp đá lớn, giăng ngang trên đó là tấm biển: “Bản văn hóa Cỏi- Xuân Sơn”.
Bản giờ đã có 91 hộ trong đó còn trên 10 hộ nghèo, có những nhà vẫn còn đứt bữa như vợ chồng ông Lý Văn Ơn hay anh Đặng Văn Cẩm. Trước đây, khi đoàn của Sở Văn hóa về khảo sát còn nức nở khen bản Cỏi giữ nếp nhà đất vách gỗ truyền thống, giữ phong tục tập quán của người Dao tiền, hễ một nhà có việc là cả xóm cùng tham gia. Khi dân làm nương rẫy chỉ đủ ăn thì thế nhưng mươi năm gần đây đi làm thợ xây, có tiền họ tự xây lấy nhà theo kiểu đổi công nên 60% hộ đã chuyển sang nhà mái bằng, nhà tầng, nhà gác.