Tỉnh Khánh Hòa dự kiến sắp xếp 132 đơn vị hành chính cấp xã còn 40 và huyện đảo Trường Sa thành đặc khu; riêng TP Nha Trang sẽ tổ chức lại từ 22 xã, phường xuống còn 3 phường mới.
Theo phương án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh sẽ giảm từ 132 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 64 xã, 22 phường, 6 thị trấn) xuống còn 40 đơn vị (gồm 29 xã, 10 phường) và 1 đặc khu hành chính là huyện đảo Trường Sa.
Riêng TP Nha Trang – trung tâm kinh tế, du lịch trọng điểm – dự kiến được tổ chức lại thành 3 phường: phường Nha Trang, phường Bắc Nha Trang và phường Nam Nha Trang.
Thành phố Nha Trang có diện tích 254,22 km², dân số gần 503.000 người. Địa phương này được quy hoạch là trung tâm khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế, dịch vụ cảng biển du lịch, thương mại - tài chính của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của Khánh Hòa.
Không chỉ đóng vai trò trung tâm phát triển kinh tế của Khánh Hòa, Nha Trang còn là địa bàn chiến lược về quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường biển.
Sau sắp xếp, các phường mới sẽ được đặt tên theo số thứ tự hoặc gắn với tên cấp huyện để thuận tiện trong quản lý hành chính công và dữ liệu số.
Dọc theo trục đường Trần Phú – tuyến giao thông chính của thành phố với hình dáng cánh quạt ôm lấy bờ biển, có bãi cát trắng, làn nước trong xanh. Hệ thống công viên ven biển rợp bóng cây, luôn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Công nhân phun nước tưới cây trong công viên dọc biển vào buổi sáng.
Quảng trường 2 Tháng 4 nằm giáp biển thường xuyên diễn ra các sự kiện cộng đồng, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật. Đối diện là khu chợ đêm sầm uất, nơi người dân và du khách thưởng thức ẩm thực, mua sắm đồ lưu niệm, trải nghiệm không khí bản địa.
Điểm nhấn ở giữa Quảng trường là tháp Trầm Hương có kiến trúc 3 tầng. Tầng 1 gồm công viên có sân, hồ phun nước, vườn hoa, các cụm tượng trang trí, 5 cụm điêu khắc tạo hình sóng biển.
Tầng 2 là thân tháp được điêu khắc cánh buồm, cánh hoa. Tầng cuối cùng ngọn tháp mang hình lõi trầm cách điệu, giống như một ngọn hải đăng. Trên đỉnh ngọn tháp là quả cầu thủy tinh như một viên ngọc.
Trung tâm Hội nghị 46 Trần Phú, hiện là nơi làm việc của UBND tỉnh, HĐND và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội. Đây là giải pháp tạm thời khi trụ sở hành chính mới của tỉnh được xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 544 tỷ đồng (khởi công tháng 4/2024).
Cầu Trần Phú nhìn từ trên cao vào sáng sớm. Đây là công trình tạo nên điểm nhấn trên tuyến đường biển nối dài giữa đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng; là một trong những cây cầu huyết mạch của thành phố giúp giao thông hai bên bờ sông Cái được thuận tiện và dễ dàng hơn cho người dân.
Cáp treo băng qua biển cùng những hòn đảo trong vịnh Nha Trang.
Đường Nguyễn Tất Thành xuyên qua đèo Cù Hin, nối từ TP Nha Trang dẫn ra sân bay Cam Ranh.
Theo Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13, Trung ương dự kiến sẽ hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa thành một tỉnh mới giữ tên là tỉnh Khánh Hòa. Trung tâm chính trị – hành chính sẽ đặt tại Khánh Hòa hiện nay.
Lãnh đạo hai tỉnh đã họp bàn để thống nhất bộ máy tổ chức, trụ sở hành chính và định hướng phát triển Trường Sa trở thành trung tâm biển đảo chiến lược trong thời gian tới.
Tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận vừa có buổi làm việc để trao đổi phương án sáp nhập, thống nhất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy, trụ sở hành chính và định hướng phát triển sau sáp nhập.
Từ câu chuyện tách tỉnh Phú Khánh thành Khánh Hoà và Phú Yên trong quá khứ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Phạm Văn Chi có những chia sẻ thẳng thắn về thời cơ, thách thức và những bài học kinh nghiệm cần được lưu tâm.