Cần có cơ chế thu hút đầu tư phù hợp
Dự án điện chất thải rắn, sinh khối đang áp dụng giá ưu đãi trong 20 năm theo các quyết định số 31/2014/QĐ-TTG của Thủ tướng năm 2014 và 2020. Tuy nhiên, tại báo cáo số 176/BC-BCT ngày 21/11/2022 của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng, cũng như Bộ đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện chất thải, điện sinh khối, Bộ Công thương có đề nghị Bộ sẽ xây dựng và ban hành khung giá để áp dụng từ nay về sau cho các loại hình nhà máy điện sinh khối, điện sản xuất từ rác và chất thải rắn (thay thế cho cơ chế giá cố định hiện đang áp dụng). Sau khi ban hành khung giá, bên bán điện và bên mua điện thực hiện đàm phán giá và hợp đồng mua bán điện theo các quy định.
Theo cơ chế giá điện cố định đang áp dụng, các dự án đốt rác phát điện được nhận mức giá là 10,05 UScents/kWh (khoảng hơn 2.000 đồng/kWh) nhằm khuyến khích nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực xử lý môi trường.
Mức giá này là cơ sở để UBND các tỉnh thành mời thầu, đàm phán với nhà đầu tư về mức giá xử lý rác sinh hoạt, đảm bảo cho dự án hòa vốn và có lợi nhuận định mức theo quy định. Qua đó, một số tỉnh thành đã mời thầu và lựa chọn được nhà đầu tư phát triển điện rác như tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế, Bắc Ninh.
Tuy nhiên tính đến nay, mới chỉ có 3 nhà máy điện rác tại Cần Thơ, Hà Nội, Bắc Ninh đủ điều kiện phát điện. Còn lại các nhà máy khác đều đang đàm phán hợp đồng với địa phương, hoặc nhà máy đang xây dựng dở dang, hoặc đang trong quá trình làm thủ tục.
Theo phản ánh của các địa phương, mức giá kể trên thực sự vẫn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư do giá thành đầu tư của công nghệ đốt rác phát điện hiện nay trên thế giới rất cao và đây không phải ngành có thể thay đổi công nghệ để tối ưu chi phí như điện mặt trời. Lý do là các thiết bị của điện rác chủ yếu là cơ khí nên suất đầu tư ổn định, ít thay đổi. Nếu có thay đổi thì chỉ tăng theo thời gian chứ không giảm như điện mặt trời.
Tại Trung Quốc, mức giá 6 nhân dân tệ/kWh tương đương 10,05 UScents/kWh được ban hành từ những năm 1980, đến nay đã hơn 40 năm vẫn ổn định theo giá FIT, không thay đổi. Nhờ vậy, Trung Quốc trong 40 năm qua đã giải quyết được cơ bản vấn đề môi trường trong xử lý rác thải sinh hoạt và đã đầu tư được hơn 1.500 nhà máy đốt rác phát điện trên toàn quốc, hiện không còn địa phương nào phải chôn lấp hoặc sử dụng công nghệ lạc hậu khác.
Trong khi đó tại Trung Quốc, suất đầu tư một dự án rẻ hơn Việt Nam do đã sản xuất, làm chủ được công nghệ đốt rác phát điện. Đặc biệt, nhiệt trị của rác tại Trung Quốc tốt hơn do đời sống của người dân Trung Quốc cao hơn Việt Nam. Có nghĩa 1 tấn rác của Trung Quốc khi đốt, lượng điện sinh ra từ đốt rác cao gấp khoảng 2 lần của Việt Nam.
Như vậy nhà đầu tư điện rác tại Việt Nam sẽ khó khăn hơn Trung Quốc bởi lượng điện thu được thấp hơn Trung Quốc một nửa. Trong khi đó giá rác của Việt Nam hiện tại cũng không cao hơn Trung Quốc là bao, chưa kể quy mô của nhà máy điện rác ở Trung Quốc lớn hơn Việt Nam nhiều. Các nhà máy của Trung Quốc đa số có quy mô 1.000 – 2.000 tấn rác/ngày đêm trở lên, thậm chí có nhà máy công suất xử lý 6.000 tấn/ngày đêm. Còn ở Việt Nam, do dân cư đô thị ít, đa số là nông thôn nên việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt còn rất hạn chế. Lượng rác mỗi tỉnh chỉ từ 300 - 500 tấn/ngày đêm nên các nhà máy điện rác ở Việt Nam chỉ có công suất khoảng 500 tấn/ngày đêm, có rất ít nhà máy từ 500 - 1.000 tấn/ngày đêm trở lên.
Nhà máy có công suất càng nhỏ thì suất đầu tư/tấn càng lớn và hiệu quả của nhà đầu tư càng thấp. Đó là lý do một số tỉnh đã tìm được nhà đầu tư nhưng chưa triển khai xây dựng được do hiệu quả không cao, dẫn đến huy động vốn ở các tổ chức tín dụng gặp khó khăn hơn nhiều so với các loại hình nhà máy phát điện khác. Một số tỉnh phải đấu thầu lại, đàm phán lại để tìm nhà đầu tư khác do không thương thảo được như Bắc Giang, An Giang…
Một số tỉnh thành đã phải thu hồi dự án do nhà đầu tư không triển khai do không huy động được tín dụng vì hiệu quả thấp, không đạt chỉ số IRR hay các lý do khác được như Dự án Xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn của Công ty CP tập đoàn T&T và Hitachi Zosen Corporation (Nhật) tại Hà Nội; Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng của Công ty TNHH Indovin Power tại Hà Nội; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thôn Lễ Thượng, Châu Can của Công ty CP dịch vụ môi trường Thăng Long tại Hà Nội; Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp của Công ty CP JET Nhật Bản tại Nghệ An.
“Bài toán 2 ẩn số” - đàm phán giá nào trước?
Về bản chất, các dự án đốt rác phát điện không phải là dự án phát điện thương mại thông thường (như điện gió, điện mặt trời, thuỷ điện, nhiệt điện, điện khí…), mà với mục tiêu xử lý môi trường là chính. Trong đó, bên cạnh việc xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường hiệu quả còn phát sinh thu hồi nhiệt để phát điện. Nguồn thu từ phát điện chỉ là phụ thêm để nhà đầu tư có thêm khoản thu bù trừ nhằm giảm giá xử lý rác thải sinh hoạt cho địa phương, từ đó bớt chi từ ngân sách.
Với điện rác, thay vì nhà nước phải bỏ ngân sách ra đầu tư thì các dự án này được xã hội hoá, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia. Muốn vậy, nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư, đảm bảo nhà đầu tư tham gia có điểm hoà vốn, dự án có hiệu quả.
Trước đây các địa phương và nhà đầu tư đã sử dụng mức 10,05 UScents/kWh là giá điện cố định để mời thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán giá xử lý rác. Nhà đầu tư và địa phương đều mặc định giá điện 10,05 UScents/kWh là ổn định, áp dụng ít nhất 20 năm hoặc hết tuổi đời dự án, từ đó có được giá xử lý rác phù hợp, nhà đầu tư tính được điểm hoà vốn. Nhờ vậy, dù chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia nhưng một số địa phương đã triển khai được một vài nhà máy xử lý rác sinh hoạt phát điện đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, việc đề xuất đàm phán giá điện rác cho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện càng làm cho nhà đầu tư e dè trong việc đề xuất triển khai đầu tư hoặc có dự án rồi nhưng chậm không muốn triển khai vì không hiệu quả. Bởi nhà đầu tư đối mặt với hai ẩn số là giá xử lý rác và giá điện. Các địa phương đều yêu cầu phải đàm phán giá xử lý rác sao cho tiền chi trả từ ngân sách cho xử lý rác thải sinh hoạt thấp nhất trên 1 tấn rác. Nếu chốt được giá xử lý rác nhưng giá điện đầu ra lại biến động thì nhà đầu tư không thể tính toán được điểm hòa vốn.
Điều đáng nói, đây là bài toán chưa từng có từ trước đến nay bởi các dự án đất đai, BOT cầu đường… khi xã hội hóa, mỗi dự án chỉ có 1 biến số. Trong khi các dự án xử lý rác thải sinh hoạt tận thu nhiệt phát điện vốn cần được khuyến khích thì nay lại có tới 2 biến số là giá xử lý rác và giá điện đều phải đàm phán. Như vậy điện rác đã khó nay càng khó hơn.
Địa phương và nhà đầu tư các dự án xử lý rác thải sinh hoạt đang phân vân xem nên đàm phán giá nào trước? Nếu lấy giá 10,05 UScents/kWh là giá điện cố định để đàm phán giá xử lý rác thải sinh hoạt xuống thấp nhất, có lợi cho ngân sách địa phương thì sắp tới, khi đàm phán giá điện với EVN mà EVN không chấp thuận giá 10,05 UScents/kWh thì nhà đầu tư và địa phương sẽ giải quyết như thế nào? Nhất là khi nhà máy đã xây dựng? Còn nếu tăng giá xử lý rác thì địa phương có đồng ý không? Hoặc nếu giữ nguyên giá điện 10,05 UScents/kWh thì EVN có đồng ý không? (điều này rất khó khăn vì kinh nghiệm tại Việt Nam ở các dự án thủy điện hoặc nhiệt điện, khi đàm phán giá điện, các nhà đầu tư thường bị giảm so với mức giá trần được đàm phán tức là rất khó khăn để nhà đầu tư đạt mức 10,05 UScents/kWh).
Vậy khi đó, nhà máy đã xây dựng rồi, địa phương không đồng ý tăng giá rác, EVN thì không đồng ý giữ nguyên giá điện 10,05 UScents/kWh, nhà đầu tư sẽ không có điểm hòa vốn, dự án sẽ phá sản. Đây chính là nút thắt khiến các dự án đốt rác phát điện nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cho các địa phương trên cả nước tiếp tục rơi vào bế tắc. Các nhà đầu tư trước đã không mấy mặn mà, nay càng e dè và quay lưng với loại hình dự án xử lý môi trường tận thu nhiệt quan trọng và cấp thiết này.
Vì vậy, các cơ quan ban ngành cần kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét áp dụng cơ chế giá điện ưu đãi, ổn định như các văn bản đã ban hành để khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư cho lĩnh vực quan trọng này.
Hiện nay, trên cả nước, vấn đề ô nhiễm môi trường đặc biệt là rác thải sinh hoạt đang gây bức xúc dân sinh. Các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, thậm chí các nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ lạc hậu đang gây ô nhiễm nghiêm trọng do nước rỉ rác, côn trùng, mùi với bán kính lan rộng lên tới 10km. Điều này đã dẫn đến việc người dân biểu tình ở hàng loạt các tỉnh thành nhằm ngăn cản việc chôn lấp rác như Hà Nội, Thái Bình, Bến Tre, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ngãi … Do đó, việc xử lý rác thải sinh hoạt đang là vấn đề cấp bách, liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội. Các dự án xử lý rác thải môi trường cho các tỉnh, thành phố rất cần được ưu tiên, khuyến khích. Các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện hiện đại đang trở thành xu hướng tất yếu và không thể thiếu để giải quyết bài toán môi trường ở các địa phương, được đặc biệt chú trọng trong các kỳ họp và diễn đàn của Đảng và nhân dân các cấp. Khác với các dự án năng lượng khác như điện mặt trời, điện gió, hoặc điện than… các nhà máy xử lý rác phát điện không chỉ được xây dựng khi có nhu cầu sử dụng điện, mà còn phải liên tục xử lý rác thải sinh hoạt nên dù không có nhu cầu điện vẫn phải đầu tư, vẫn phải hoạt động đốt xử lý rác. Việc tận dụng nhiệt dư từ quá trình đốt rác thu hồi nhiệt phát điện không chỉ giúp giảm chi phí xử lý rác thải sinh hoạt từ nguồn ngân sách địa phương, mà còn tránh được lãng phí năng lượng. Trong trường hợp không tận dụng sẽ lãng phí lượng nhiệt này, vừa mất chi phí xử lý nhiệt dư, vừa tăng chi ngân sách địa phương cho việc xử lý rác thải sinh hoạt. Do đó, các địa phương, các ban ngành và đặc biệt Chính phủ, Bộ Công thương cần xem xét thấu đáo nội dung này, có thể tham khảo các nước phát triển đi trước tại Châu Á có thói quen sinh hoạt giống Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản…. Từ đó đưa ra chính sách ổn định về giá điện, khuyến khích tận dụng điện từ các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện (công suất điện rác không đáng kể so với tổng công suất điện chung của các nhà máy phát điện bằng các loại hình khác) nhằm vừa khắc phục ô nhiễm môi trường, vừa thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn đang được Chính phủ kêu gọi. |
Lê Thị Tuyết (chuyên gia tư vấn môi trường các dự án điện rác)