Hãng xe này cho biết giờ đây họ có thể tạo ra “các phiên bản thực tế ảo của hệ thống và điều khiển trên xe hơi, khiến chúng hoạt động giống như trong ô tô thật mà không cần thay phần mềm chính”, rút ngắn thời gian phát triển từ “hàng tháng trời” xuống còn “trong 24 giờ” với một số trường hợp.
Stellantis là nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba trên thế giới về doanh số, đã hợp tác với Amazon vào năm 2022 để sử dụng dịch vụ đám mây Amazon Web Services để phát triển các sản phẩm phần mềm cho ô tô và cung cấp các bản cập nhật thường xuyên qua mạng.
“Với buồng lái ảo, chúng tôi không chỉ cách mạng hoá cách tiếp cận của công ty, mà còn thay đổi cách hoạt động của các nhà cung cấp và đối tác trong ngành”, Yves Bonnefont, Giám đốc phần mềm của Stellantis cho hay. “Chúng tôi có thể tiến gần hơn đến nhu cầu của khách hàng với công nghệ này và chu kỳ phát triển nhanh hơn”.
Hiện các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang chịu áp lực tăng tốc chu kỳ phát triển xe từ phía các hãng xe điện Trung Quốc - những thương hiệu có khả năng tung ra nhiều mẫu xe mới trong thời gian ngắn.
Các công ty xe điện đại lục cũng đi đầu trong việc sản xuất phần mềm và thông tin giải trí trên xe, biến những chiếc xe trở thành phiên bản “smartphone” bốn bánh.
Sử dụng các công cụ do BlackBerry phát triển, Stellantis cho biết, nền tảng ảo “gần như không có sự khác biệt” giữa hệ thống đang chạy trên đám mây so với phần cứng thực.
Công ty công nghệ Canada từng có thời gian tập trung vào bán phần cứng và thiết bị, song đã chuyển sang kinh doanh phần mềm doanh nghiệp và bảo mật trong nhiều năm trở lại đây.
Stellantis nói rằng công nghệ mới giúp tăng tốc phản hồi của khách hàng đối với một thương hiệu hay dòng xe cụ thể, từ đó họ có thể “thay đổi theo thời gian thực để tối ưu hoá trải nghiệm người lái”.
(Theo Reuters)