Vừa là nhà sản xuất, vừa đóng vai chính, Ngô Thanh Vân tự thực hiện 90% các cảnh hành động nguy hiểm trong phim hành động "Hai Phượng" và trải qua vô số tai nạn trên phim trường.
Ngày 15/6/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH kèm theo Danh mục những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có hiệu lực kể từ 30/7/2023. Đáng chú ý trong số này có diễn viên kịch và điện ảnh.
Trên mạng xã hội, nhiều khán giả bày tỏ quan điểm trái chiều. Một số phản đối rằng diễn viên là nghề "ăn trắng mặc trơn, lên xe xuống ngựa, hào quang lấp lánh", không thể coi là nguy hiểm.
Tuy nhiên, không ít ý kiến đồng tình bởi họ thấy nhiều diễn viên quá vất vả, thậm chí gặp tai nạn trên phim trường bất cứ lúc nào.
Không chỉ diễn viên mà người đóng thế cũng chịu nhiều thương tích
Liên quan đến vấn đề này, VietNamNet đã ghi nhận các ý kiến trong giới làm phim, hầu hết ủng hộ việc xếp ngành nghề diễn viên vào mục độc hại, nguy hiểm.
Diễn viên Trương Ngọc Ánh chia sẻ bức ảnh chị bị sưng một bên mắt trong quá trình quay phim và khẳng định bị tai nạn thật chứ không phải do hóa trang.
Vào vai một công an chìm, Trương Ngọc Ánh đóng cảnh bị kẻ thù tra tấn dã man. Cảnh quay đông người với nhiều góc máy khác nhau và thực hiện rất lâu vì phức tạp. Từ một pha phối hợp không ăn ý, nữ diễn viên Hương Ga nhận ngay cú đấm giữa mắt.
"Tôi có cảm giác bị nổ mắt khi đó. Đoàn phim lập tức phải ngừng quay. Dù được cấp cứu và dùng thuốc ngay nhưng mấy ngày sau nước mắt tôi vẫn chảy giàn giụa, mắt sưng húp tưởng như mù đến nơi. Còn khi đóng phim Áo lụa Hà Đông, tôi phải đi chân đất leo núi thể hiện những cảnh tả thực và kết quả là bị đá mắt mèo đâm nát chân. Những tai nạn như vậy là chuyện thường. Không chỉ diễn viên mà người đóng thế cũng bị thương tích rất nhiều".
Đóng phim đã 30 năm, Trương Ngọc Ánh bày tỏ sự vui mừng khi cuối cùng diễn viên cũng được nhìn nhận như một nghề nguy hiểm. Dù rằng chị băn khoăn không biết sau sự công nhận này, họ sẽ được hưởng chế độ gì?
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng rất vui vì diễn viên điện ảnh được xếp vào nghề nặng nhọc và độc hại.
"Ra trường quay, mọi người mới biết nghề diễn viên cực khổ như thế nào. Không chỉ phim hành động mà đóng phim tình cảm hay tâm lý cũng chẳng hề sung sướng.
Ví dụ trong phim Con Nhót mót chồng do tôi đạo diễn mới đây, khi diễn cảnh con Nhót dầm mưa, diễn viên Thu Trang phải tắm mưa từ 8h tối đến gần 4h giờ sáng hôm sau dù đang bệnh. Có cảnh trên phim khán giả chỉ thấy 15-20s nhưng thực tế diễn viên phải đóng rất lâu mới hoàn thành nên tổn hại đến sức khỏe.
Cảnh lửa thiêu rụi chiếc ba gác tưởng đơn giản nhưng cực kỳ nguy hiểm. Chúng tôi phải thuê cascadeur bảo vệ diễn viên Thu Trang không bị thương. Song trên phim trường không phải lúc nào cũng an toàn 100%. Chuyện diễn viên bị tai nạn không hiếm và nhiều cảnh nếu thiếu can đảm thì không dám đóng".
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng dẫn chứng thêm việc diễn viên Thúy Loan trong phim Chim phóng sinh phải mặc đồ bảo hộ khi diễn cảnh bắt trùn chỉ dưới mương nước bẩn thỉu bởi nếu không rất dễ bị nhiễm trùng và mắc bệnh phụ khoa.
"Tất cả những gì diễn ra trên phim, từ thể loại tình cảm đến hành động, diễn viên đều rất vất vả. Họ thực sự phải có sức khỏe phi thường và chấp nhận mạo hiểm. Bởi dù có chuẩn bị tốt cỡ nào vẫn có xác suất tai nạn, không thể an toàn 100%", Vũ Ngọc Đãng nói.
Anh hy vọng cùng với sự nhìn nhận này, từ nay nghề diễn viên sẽ được chăm lo nhiều hơn.
Một quay phim Điện ảnh Quân đội rơi khỏi tàu khi đang tác nghiệp
Gần đây, diễn viên Hoàng Hải được chú ý với vai cửu vạn ở xóm trọ gầm cầu Long Biên trong Cuộc đời vẫn đẹp sao. Để cho cảnh phim chân thực, nam diễn viên sinh năm 1968 phải bốc vác, kéo xe hàng thật đến cả nghìn lần. Khi đang diễn, anh bị trật chân dẫn tới bong gân, đi lại khó khăn nhưng vẫn phải quay tiếp vào hôm sau mà không có thời gian nghỉ ngơi.
Chưa kể, việc quay phim trong bối cảnh ở gần mương cống hôi thối khiến ngày đầu anh và đoàn phim gần như không nuốt nổi cơm. Hoàng Hải nhất trí cao khi diễn viên được gọi là một nghề nặng nhọc, nguy hiểm.
Diễn viên Thanh Quý nói vui khi đóng Cuộc đời vẫn đẹp sao, bà từng hỏi có tiền bồi dưỡng cho diễn viên không vì quay phim trong bối cảnh quá độc hại, ô nhiễm. Có lần giữa một cảnh quay, NSƯT Thanh Quý bị đẩy ngã và suýt nhận chiếc đinh dài xuyên vào đầu.
Dòng phim chiến tranh với những cảnh cháy nổ còn nguy hiểm cho diễn viên hơn nhiều. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, người đứng sau một số tác phẩm điện ảnh đề tài chiến tranh và hậu chiến như: Những người viết huyền thoại, Đường thư, Hà Nội Hà Nội, Thầu Chín ở Xiêm, Khúc mưa.... hoàn toàn ủng hộ quyết định đưa diễn viên vào ngành nghề nguy hiểm.
"Họ - những nghệ sĩ trình diễn hay sáng tạo đều phải luyện tập, làm việc bất kể ngày đêm, bất kể giờ giấc. Làm nghệ thuật thực sự là công việc vất vả, nặng nhọc và chỉ đam mê với nghề mới khiến người ta vượt qua được thôi. Ngoài ra, đây còn là một nghề nguy hiểm trong đó chủ yếu là nghệ sĩ trình diễn, một phần nghệ sĩ sáng tạo và khối kỹ thuật phục vụ nghệ thuật.
Dễ dàng nhận thấy trong các nghề biểu diễn như xiếc, đóng thế, quay phim mạo hiểm… đã có rất vụ tai nạn tồi tệ, thậm chí tử vong. Một quay phim Điện ảnh Quân đội từng rơi khỏi tàu khi đang tác nghiệp ở thượng nguồn sông Đà và không qua khỏi…", đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói.
Thế nhưng, anh băn khoăn vì thông tư mới này chỉ xếp nhóm lao động nghệ thuật trình diễn chứ không có các nghệ sĩ sáng tạo. "Tức là nhóm diễn viên sẽ được hưởng thêm các chế độ kiểu như công nhân lao động nặng nhọc, độc hại trước đây. Song thông tư mới này có lẽ chỉ thực thi với khối diễn viên công chức làm việc trong môi trường nhà nước. Những diễn viên tự do rất khó áp dụng vì họ làm việc theo thỏa thuận, không có bảo hiểm xã hội và chế độ khác đi kèm", đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nêu ý kiến.
Bài sau: NSƯT Thanh Quý ớn lạnh vì suýt bị đinh đâm xuyên đầu lúc quay phim