Những ngày này tại Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 4 (Hà Nội) luôn hừng hực khí thế bởi tiếng điều lệnh, tiếng dậm chân luyện tập hăng say của hàng nghìn chiến sĩ, sĩ quan, dân quân từ khắp các quân khu, quân binh chủng. 

Giữa hàng chục khối nam sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thì 92 cô gái thuộc khối "Nữ du kích miền Nam" nổi bật bởi sự dịu dàng, đằm thắm trong bộ quần áo bà ba đen, cổ đeo khăn rằn, đội nón tai bèo, tay bồng súng.

Khối nữ du kích miền Nam tượng trưng cho hình ảnh những "Cô Ba dũng sĩ" với ý chí "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh".

w dieu binh 4367 1 664.jpg
Khối nữ du kích miền Nam trong buổi hợp luyện đầu tiên. Ảnh: Phạm Hải

Bộ Tư lệnh TP.HCM được Quân khu 7 giao tổ chức tuyển chọn, huấn luyện khối. Để được tuyển chọn được 92 cô gái ngay từ cấp cơ sở đã chắt lọc rất chặt chẽ.

Các nữ du kích có tuổi đời từ 18 - 27 tuổi, sức khỏe loại 1 và loại 2, chiều cao từ 1,62 - 1,7m, có trình độ học vấn từ bậc THPT trở lên. Có nhiều nữ du kích là công chức, viên chức hành chính, hay đang học đại học đã xung phong nộp đơn đăng ký, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tất cả đều chưa lập gia đình.

Ban đầu 120 nữ dân quân được tuyển chọn từ 22 quận, huyện, TP Thủ Đức được biên chế thành 1 đại đội gồm 3 trung đội, 12 tiểu đội để tham gia chương trình huấn luyện 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 và 2 từ ngày 9/1 đến 16/3, tại TP.HCM với tập điều lệnh, đội ngũ không súng và có súng theo từng cá nhân, theo nhóm, theo tổ, đội hình và khối đội hình. Kết thúc giai đoạn 1, có 106 nữ dân quân được lựa chọn tham gia giai đoạn 2.

Giai đoạn 2 là luyện tập khớp nhạc với đội hình 1 hàng, 2 hàng, 3 hàng, 5 hàng ngang và hợp luyện cả khối; đồng thời tập trung vào chỉnh sửa chi tiết của tay, ánh mắt, khuôn mặt… Kết thúc giai đoạn này, 92 người được lựa chọn và đang có mặt tại Hà Nội để hợp luyện với các khối khác của Quân đội.

Dù chỉ là các nữ du kích "thời vụ" nhưng không vì thế mà thua kém các nam sĩ quan, từng động tác như: đánh tay, đi đều, đứng lại, đổi chân trong khi đi, đeo súng đi đều chuyển thành đeo súng đi đều chào và thôi chào…đều được thực hiện thuần thục.

VƯỢT NẮNG, THẮNG MƯA, SAY SƯA LUYỆN TẬP

Là một trong 6 nữ du kích tổ Quân kỳ, Phạm Bùi Trâm Anh (21 tuổi, quận 12) hiện là sinh viên năm 3 Đại học Văn Hiến, mồ hôi thấm đẫm lưng áo lúc tập luyện nhưng vẫn nở nụ cười tươi. Giọng nói miền Nam dịu nhẹ cùng ánh mắt đầy tự hào, Trâm Anh kể về hành trình nộp đơn đăng ký đến khi chính thức được chọn.

W-img-5499-1.jpg
Nữ du kích Phạm Bùi Trâm Anh.

Đầu tháng 1 nhận được thông báo, cô thử đăng ký nhưng không dám nuôi hy vọng nhiều. Sau vài ngày, cô thấy bất ngờ khi biết mình được chọn.

"Lúc đầu chưa tin, em hỏi chỉ huy rằng có thật là em được lựa chọn không. Lên tới Bộ Tư lệnh TP, em vẫn nghĩ khó được vì gầy quá. Nhưng khi ra đến đây rồi thì như một giấc mơ", Trâm Anh kể lại.

Trâm Anh cùng 91 nữ du kích có gần 2 tháng "dãi nắng" ở TP.HCM trước khi ra Hà Nội vào giữa tháng 3 và hợp luyện cùng các khối diễu binh khác tại Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 4. Thời tiết Hà Nội giao mùa nồm ẩm, mưa nắng thất thường nhưng Trâm Anh và đồng đội đã nhanh chóng thích nghi với cường độ luyện tập, "trong TP.HCM nóng theo đúng nghĩa đen bởi thời tiết, còn ở ngoài này chúng em cảm nhận được sức nóng từ khí thế chuẩn bị cho sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ", cô chia sẻ.

W-img-5478-1.jpg
Các nữ du kích miền Nam

Trâm Anh quyết định bảo lưu việc học để tham gia sự kiện và được trường đồng ý, tạo điều kiện. Trước ngày lên đường cô cũng hứa với trường sẽ hoàn thành nhiệm vụ cũng như việc học tập. Tranh thủ lúc rảnh buổi tối cô luôn cố gắng gọi điện về trò chuyện, cho mẹ xem những hình ảnh con gái tập luyện. 

Người mẹ cũng chăm chỉ đọc báo, theo dõi các video, hình ảnh trên mạng xã hội về đội nữ du kích, nhờ vậy mẹ Trâm Anh đã hoàn toàn ủng hộ và động viên để con gái.

W-img-5502-1.jpg
Nữ du kích Nguyễn Ngọc Như Huỳnh.

Nguyễn Ngọc Như Huỳnh (27 tuổi, hiện đang công tác tại MTTQ Việt Nam phường 8, quận Phú Nhuận) chia sẻ sự hãnh diện, tự hào khi lần đầu tiên tham gia khối nữ du kích. Như Huỳnh tâm sự, ông nội cô tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là cựu tù Côn Đảo suốt 15 năm nên từ nhỏ tuổi thơ cô đã gắn liền với những câu chuyện kể của cha ông về tinh thần dân tộc.

Công tác mặt trận ở phường nên thông báo tuyển chọn đội nữ du kích được Như Huỳnh tiếp nhận khá sớm, được sự ủng hộ từ lãnh đạo phường cô quyết định đăng ký. Qua nhiều vòng xét tuyển từ sức khỏe, chiều cao, lý lịch, tư tưởng chính trị... Như Huỳnh được chọn.

Khi biết tin, ba mẹ Như Huỳnh đã đồng ý ngay lập tức và ủng hộ cô gác lại công việc để tham gia huấn luyện. "Đây là lần đầu em ra Hà Nội, mới đầu mưa lạnh nhưng sau khi thời tiết ổn định, chúng em dần khắc phục, quen với nếp sống và luyện tập của quân đội", Như Huỳnh cho biết.

Buổi sáng bắt đầu luyện tập từ 7 - 11h, chiều từ 13h30 - 16h, để đội hình khối tập đều và đẹp nhất, ngoài thời gian tập luyện trong ngày, buổi tối các cô gái Nam Bộ thường tập luyện thêm, chỉ cho nhau những động tác khó. 92 cô gái từ 21 quận, huyện, thành phố không biết nhau nhưng cùng trò chuyện, cùng ăn ở, giúp đỡ nhau khiến họ như chị em trong một nhà.

"Có thể đại diện cho các nữ du kích miền Nam, chúng em đã đặt cho mình một mục tiêu phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập để đạt được kết quả cao nhất", nữ du kích Phan Lê Quỳnh Như dõng dạc nói.

Tại buổi hợp luyện đầu tiên, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, khác với các khối diễu binh khác thì các nữ du kích miền Nam từng có khoảng thời gian tập luyện trong tiết trời nắng nóng tại TP.HCM, khi ra miền Bắc lại đúng dịp mưa ẩm.

Để bảo đảm cho các nữ dân quân nói riêng và chiến sĩ, sĩ quan tham gia diễu binh nói chung có thể lực và tinh thần tốt nhất, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã có chỉ đạo tạo mọi điều kiện về nơi nghỉ, chế độ ăn uống và nhu yếu phẩm phục vụ.

Với khí thế hào hứng, quyết tâm của tuổi trẻ, phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường, các nữ du kích đã không ngừng cố gắng, vượt qua khó khăn, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ, góp phần lan tỏa, làm sáng đẹp hơn hình ảnh về những phụ nữ Nam Bộ.