Bloomberg thông tin, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đang thành lập một cơ chế phức tạp để áp đặt trần giá lên dầu thô Nga nhằm nỗ lực siết chặt nguồn thu của Tổng thống Vladimir Putin. Nhưng các nhà phân tích của JPMorgan Chase & Co nhận định, với nền tảng tài chính vững chắc, Nga có đủ khả năng cắt giảm từ sản lượng dầu thô 5 triệu thùng mỗi ngày đang cung ứng mà không gây tổn hại quá mức đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, với nhiều quốc gia thuộc phần còn lại của thế giới, hệ quả từ việc này có thể rất thảm khốc. Theo các nhà phân tích của JPMorgan, việc cắt giảm nguồn cung dầu hàng ngày tới 3 triệu thùng sẽ đẩy giá dầu thô Brent lên 190 USD mỗi thùng. Trong trường hợp xấu nhất, nếu Nga dừng bơm ra 5 triệu thùng, khi đó, giá dầu có khả năng tăng phi mã lên 380 USD.
Các nhà phân tích JPMorgan cho biết, rủi ro rõ ràng nhất và có khả năng xảy ra với giá dầu là Nga có thể chọn trả đũa bằng cách giảm xuất khẩu. "Nhiều khả năng, chính quyền Tổng thống Vladimir có thể đáp trả bằng cách cắt giảm sản lượng như một cách gây đau đớn cho phương Tây. Sự thắt chặt của thị trường dầu mỏ thế giới là phụ thuộc vào phía Nga", các nhà phân tích viết.
Dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Saudi Arabia. Trước khi nổ ra chiến sự với Ukraine vào đầu năm nay, Nga sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.
Hiện Mỹ đã cấm vận dầu Nga, còn châu Âu cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga. Nhưng Nga lại đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Theo IEA, trong tháng 5 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu dầu Nga tăng 1,7 tỷ USD, đạt khoảng 20 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến công du tới Trung Đông vào giữa tháng 7 này, nhằm thúc đẩy chính sách năng lượng, tăng sản lượng dầu. Nhiều người kỳ vọng việc này sẽ khiến giá dầu “hạ nhiệt”.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (gọi tắt là OPEC+) vẫn kiên định với chiến lược tăng sản lượng dầu, bất chấp áp lực từ phương Tây để giúp hạ giá dầu thô.
CNBC cho hay, vào ngày 30/6, OPEC + đã quyết định tăng sản lượng thêm 648.000 thùng mỗi ngày trong tháng 7 và tháng 8, kết thúc đợt cắt giảm sản lượng lịch sử được thực hiện từ khi Covid-19 bùng phát. Trong những tháng gần đây, sản lượng dầu của OPEC + đã tăng từ 400.000-432.000 thùng/tháng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ thông báo công suất sản xuất dầu trong tháng 5/2022 thấp hơn một nửa mức trung bình năm 2021, do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Các chuyên gia dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng khoảng 2,3-5 triệu thùng/ngày trong năm nay và 2-2,4 triệu thùng/ngày vào năm 2023, do nguồn cung thắt chặt.
Giá dầu thế giới hiện vẫn ở mức cao. Theo Oilprice, vào lúc 14h35' ngày 2/7 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ tăng 2,52%, đạt 108,4 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent giao tháng 9 tăng 2,38%, lên 111,6 USD/thùng. Tính chung trong cả tuần, giá dầu thô WTI đã tăng 0,8%. Giá “vàng đen” tăng do những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tăng dần với sự sụt giảm mạnh sản lượng dầu từ Libya và nguy cơ một cuộc đình công của công nhân dầu khí Na Uy.
Theo kết quả khảo sát do hãng tin Reuters mới công bố, giá dầu Brent dự kiến đạt trung bình 106,82 USD/thùng trong năm 2022.
Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho, New York, Robert Yawger cho hay, giá dầu thô có thể vẫn được giao dịch ở mức cao cho đến khi thế giới chấm dứt tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Nga.