Những ngày qua, câu chuyện học sinh có học bạ hàng loạt điểm 10 vẫn bị Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam trả hồ sơ xét tuyển đang gây nhiều ý kiến trái chiều.
VietNamNet xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Phó Tổng thư kí Hội Khoa học Tâm lí, Giáo dục Việt Nam - xung quanh vấn đề này (bài viết thể hiện quan điểm của tác giả).
Có rất nhiều người nghi ngờ việc học sinh được nhiều điểm cao là do bài kiểm tra quá dễ. Nhưng khi cầm đề bài trên tay, họ tá hỏa nhận ra: "Đề có dễ gì đâu? Bọn trẻ giỏi thật mà!".
Thực tế, vì được luyện tập bằng đề cương rất sát với đề thi nên tụi nhỏ chẳng mảy may thấy khó quá. Các em vẫn được điểm rất cao một cách bình thường mà không phải là gian dối!
Mới đây, chuyện có người mẹ sốc khi con bị loại từ vòng hồ sơ của một trường có tiếng mặc dù học bạ toàn điểm 10 khiến nhiều người bàn luận. Thực tế, đã có rất nhiều người mẹ bị sốc như vậy từ nhiều năm nay.
Nhưng cũng có không ít người mẹ không biết vì sao con mình được điểm 10 mà vẫn cho rằng điểm số này là phản ánh đúng năng lực. Bằng mọi cách, họ làm cho con được nhiều điểm 10. Họ cho rằng điểm 10 là cần thiết, dù không biết sự thật thế nào.
Cho đến ngày, những đứa trẻ 10-11 tuổi rất sốc khi lần đầu tiên chúng được điểm 2, trong khi trước đó chúng toàn được 10.
Cú sốc này của trẻ có đáng sợ hơn cú sốc của người mẹ kia không? Người lớn đã nói dối về chúng. Chúng là nạn nhân đấy chứ!
Không ai có thể hiểu học trò để đánh giá chúng chuẩn xác như giáo viên. Nhưng điều gì đã khiến niềm tin sụt giảm vào những kết quả đánh giá quá trình học tập với các minh chứng đầy đủ?
Điều thứ nhất, có giáo viên thừa nhận rằng trẻ lớp 4 được 10 Toán ở tất cả bài thi mà đứa trẻ được giao làm trong quá trình học kia thực ra chưa thành thạo vẽ 1 hình chữ nhật bằng thước kẻ và compa, hoặc chúng chưa biết "phá ngoặc" khi thực hiện phép tính. Ngay cả đọc hiểu, ngôn ngữ..., trẻ cũng chỉ có thể làm theo những gì được dạy, được chữa. Còn thực tế, giáo viên nói: "Ngô nghê lắm ạ".
Điều thứ hai, rất nhiều giáo viên lo cuống cuồng tìm cách tiếp cận đề cương, đề thi... mỗi khi có đánh giá khách quan. Họ sợ học sinh chưa được luyện nhiều điểm sẽ thấp, mà điểm thấp thì tội cho các con.
Điều thứ ba, có bao nhiêu nội dung cần đánh giá, thế sao chỉ đánh giá mấy nội dung được đề cương giới hạn? Làm như vậy, một cách tự động, học trò sẽ ít hoặc không học những gì không được ôn để thi. Ai đã bớt xén nội dung học tập? Ai đã lấy đi cơ hội được học "cách học" của học trò?
Đến khi lớn lên, trưởng thành, những học trò này trở nên "méo mó". Hồ sơ của các em rất đẹp nhưng khi làm việc cùng, người khác lại kêu trời. Giảng viên đại học kêu “Cấp 3 đã làm ra hồ sơ giả”. Giáo viên cấp 3 kêu "Cấp 2 đã dạy, đã đánh giá kiểu gì?". Giáo viên cấp 2 sẽ phàn nàn "Tại cấp 1 quen cho điểm cao, giờ cho điểm thấp sẽ sốc"...
Thật ra, căn bệnh trầm cảm, thiếu hiểu biết về bản thân... mới gây ra điều tồi tệ nhất cho mỗi người. Người ta sẽ đau lòng đến mức nào khi biết mình là “giả”? Mà không, điều đau lòng là không thể biết mình thật sự thế nào?
Có ai trong chúng ta thừa nhận điều đó?
PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Phó Tổng thư kí Hội Khoa học Tâm lí, Giáo dục Việt Nam)