Theo The Economist, viễn cảnh nước Mỹ vỡ nợ đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Nếu Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng không đạt được thỏa thuận nâng mức trần nợ công trước ngày 1/6, nước này sẽ mất toàn bộ số tiền mặt để chi trả cho mọi nghĩa vụ, từ trả lương quân đội, trả lương hưu cho tới trả lãi trái phiếu.
Trên thực tế, nước Mỹ đã từng phải đối mặt với tình cảnh tương tự trong quá khứ, khiến nhiều nhà phân tích kỳ vọng vào một thỏa hiệp được đưa ra vào phút cuối. Tuy vậy, các cuộc thảo luận giữa Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Tổng thống Joe Biden đang không đạt được tiến triển nào. Tình trạng này thể hiện rõ quan điểm trái ngược của Đảng Cộng hòa và Dân chủ, một bên muốn cắt giảm chi tiêu lớn, bên còn lại nhất quyết không thỏa hiệp.
Trần nợ công là gì?
Theo The Economist, trần nợ công là giới hạn số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay để chi trả cho các dịch vụ công của nước này. Trần nợ công hiện tại của nước Mỹ là 31.400 tỷ USD, và để tăng mức trần nợ công, chính phủ Mỹ phải nhận được sự chấp thuận từ cả Thượng viện và Hạ viện.
Việc tăng mức trần nợ công cũng không đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ có thêm ngân sách để chi trả cho các hạng mục mới, mà chỉ giúp cho chính phủ nước này có thể vay thêm để thanh toán các hạng mục được Quốc hội thông qua. Theo Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, nước Mỹ đã chạm đến trần nợ vào tháng 1, và phải thực hiện nhiều "biện pháp đặc biệt" để tạm thời giúp chính phủ thanh toán các hóa đơn và tránh vỡ nợ.
Trần nợ công của Mỹ đã được nâng tổng cộng 78 lần kể từ năm 1960, lần nâng cuối cùng là vào năm 2021.
Điều gì xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ?
Hội đồng Cố vấn Kinh tế thuộc Nhà Trắng dự báo, nếu Mỹ thực sự vỡ nợ, thị trường chứng khoán sẽ sụt giảm 45% trong vài tháng đầu tiên. Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's dự báo mức sụt giảm là 20%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 5% - đồng nghĩa với khoảng 8 triệu người Mỹ sẽ mất việc. Về phía chính phủ Mỹ, do bị hạn chế bởi trần nợ, không thể thực hiện các biện pháp kích thích tài chính, khiến cho tình trạng suy thoái trở nên trầm trọng hơn.
Trong trường hợp thông thường, giá trị tiền tệ của các quốc gia vỡ nợ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Nếu Mỹ vỡ nợ, các nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào đồng USD, đồng thời tìm kiếm những đơn vị tiền tệ khác để thay thế. Điều này sẽ khiến cho đồng USD khó lấy lại niềm tin từ các đối tác sau khi phục hồi.
Bên cạnh đó, việc chính phủ vỡ nợ cũng sẽ tạo ra các nguy cơ về lĩnh vực bất động sản, tạo ra tình trạng thiếu hụt tiền mặt, đe dọa khoản tiền tiết kiệm của người dân Mỹ.
Các biện pháp đối phó nguy cơ vỡ nợ
Thực tế, Bộ tài chính và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã lên kế hoạch dự phòng nếu Quốc hội không tăng trần nợ. Biện pháp này được gọi là "Kế hoạch ưu tiên thanh toán", tập trung vào việc bán trái phiếu để trả nợ gốc từ trái phiếu đáo hạn và cắt giảm các nghĩa vụ khác.
Tuy vậy, các quan chức Bộ tài chính Mỹ thừa nhận với The Economist rằng kế hoạch này không thực sự bền vững và tồn tại nhiều rủi ro.
"Giải pháp ưu tiên nắm giữ trái phiếu lên trước công chức, người hưu trí và quân nhân sẽ gây ra nhiều sự tranh cãi. Hơn nữa, không có gì đảm bảo các cuộc đấu giá trái phiếu liên tục sẽ diễn ra ổn định", ông Bill Dudley - cựu Chủ tịch FED New York nói.