Giá điện gió ngoài khơi từ 2.700 đồng trở lên
Tại tờ trình Chính phủ dự thảo Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương cho biết hiện chưa có giá bán điện cho dự án điện gió ngoài khơi
Bộ Công Thương dẫn báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 3/4/2024. Báo cáo cho rằng giá bán điện các nhà máy điện gió ngoài khơi khá cao, khoảng 11-13 Uscent/kWh so với chi phí biên dài hạn của hệ thống (theo tỷ giá hiện tại, mức giá này tương đương khoảng 2.700-3.200 đồng/kWh - PV).
Theo EVN, hiện chưa có nhà đầu tư (tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài) đầu tư dự án điện gió ngoài khơi nên chưa rõ yêu cầu của nhà đầu tư liên quan đến cam kết sản lượng, hợp đồng mua bán điện, việc chuyển đổi ngoại tệ và các yêu cầu về tài chính liên quan đến điện gió ngoài khơi.
Ngoài ra, các vấn đề có thể xuất hiện theo yêu cầu của nhà tài trợ hoặc từ phía chủ đầu tư như: việc giá bán điện điều chỉnh theo tỷ giá USD/VND; tỷ suất sinh lợi của dự án/vốn chủ sở hữu; việc tính toán lãi suất vay vốn của dự án điện gió ngoài khơi; vấn đề bồi thường khi có sự thay đổi bất lợi của quy định pháp luật; vấn đề bảo lãnh của Chính phủ đối với một số nội dung trong Hợp đồng mua bán điện.
Bộ Công Thương cho rằng: EVN là doanh nghiệp nhà nước, “trực tiếp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định của pháp luật, bảo toàn và phát triển vốn của EVN” theo điểm c khoản 4 Điều 3 Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN tại Nghị định số 26 năm 2018 của Chính phủ.
Căn cứ các quy định pháp luật, Bộ Công Thương phân tích: Trường hợp giá mua điện của dự án điện gió ngoài khơi cao hơn giá bán điện của EVN, hoặc làm cho EVN thua lỗ, thì về nguyên tắc EVN có quyền từ chối mua điện để “bảo toàn và phát triển vốn của EVN”.
Giá thành cao, tương lai sẽ rẻ hơn
Theo nghiên cứu của DEA (Danish Energy Agency 2020), NREL, giá trị LCOE (chi phí hiện tại ròng trung bình của điện phát ra ở một nhà máy suốt cuộc sống kinh tế của nó) được dự báo trong khoảng 11-15 Uscents/kWh vào năm 2030 và khoảng 8-13 Uscents/kWh vào năm 2050. Giá trị này, theo đánh giá của nhóm chuyên gia, là phù hợp với Việt Nam. Trong tương lai có thể rẻ hơn.
Tuabin gió là thiết bị chính của các dự án điện gió, có giá thành khá cao. Bên cạnh đó, các vật tư và thiết bị phụ trợ cho các dự án điện gió, chẳng hạn như hệ thống truyền tải, hệ thống an toàn, hệ thống giám sát,... và chi phí xây dựng, lắp đặt các dự án điện gió cũng có giá thành cao.
Để giảm giá thành điện gió, Việt Nam cần nghiên cứu, tăng cường nội địa hóa các vật tư và thiết bị phụ trợ cho các dự án và đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước giàu kinh nghiệm trong phát triển điện gió ngoài khơi. Từ đó, có thể giúp giảm thiểu chi phí đầu tư.
Để phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam một cách bền vững, Đề án đánh giá: Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu, nâng cao năng lực quản lý và vận hành các dự án điện gió.
Ngoài ra, thời gian qua, các nước đều đặt mục tiêu rất tham vọng về phát triển điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, do những vướng mắc và ảnh hưởng làm tăng chi phí phát triển điện gió ngoài khơi tại một số quốc gia nên dẫn tới sự thua lỗ của các bên tham gia phát triển. Việc này tác động xấu tới chuỗi cung ứng, gây rủi ro tăng chi phí phát triển khi chuỗi cung ứng không đáp ứng nhu cầu.
Để giảm thiểu tác động bất lợi của việc này, Đề án khuyến nghị Việt Nam cần nghiên cứu tổng thể các khía cạnh liên quan tới phát triển điện gió ngoài khơi, xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển rõ ràng. Đồng thời, cần tăng cường nắm bắt thông tin thực trạng và mục tiêu phát triển của các nước để điều chỉnh lộ trình phù hợp cho Việt Nam, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tác động tăng chi phí do do sự quá tải của chuỗi cung ứng toàn cầu.