Lương hưu phụ thuộc nhiều yếu tố
Những ngày qua, sau khi đăng tải bài viết "Đóng BHXH 20 năm hết 75 triệu, hưởng chế độ hưu trí 600-700 triệu đồng?", báo Dân trí đã nhận được nhiều thông tin phản hồi của bạn đọc về việc tính lương và chế độ hưu trí.
Những tranh luận xoay quanh giả định là người lao động lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất 297 nghìn đồng/tháng thì tổng số tiền đóng BHXH trong 20 năm (trong đó được Nhà nước hỗ trợ 10 năm) là khoảng 75,2 triệu đồng.
Dự kiến người tham gia có thể hưởng chế độ hưu trí trong 20 năm thì lao động nam có thể hưởng tới 622 triệu đồng, lao động nữ tới gần 739 triệu đồng, trong đó gồm lương hưu hàng tháng, BHYT và trợ cấp tử tuất.
Cùng lý giải băn khoăn của độc giả, Dân trí nhờ chuyên gia của BHXH TPHCM xem xét cách tính.
Đại diện cơ quan bảo hiểm xã hội cho biết, nếu tính theo thời điểm nghỉ hưu là tháng 6/2022 và người lao động đóng bảo hiểm tự nguyện ở mức thấp nhất, 297.000 đồng/tháng, tức mức lương làm cơ sở để đóng bảo hiểm là 1,5 triệu đồng/tháng, thì sau 20 năm, tổng số tiền phải đóng là 71,2 triệu đồng.
Khi đó, mức hưởng lương hưu của nam khoảng 1,1 triệu đồng/tháng, nữ là khoảng 1,4 triệu đồng/tháng.
Tuổi thọ trung bình hiện nay là 71 tuổi với nam và 76,4 tuổi với nữ; tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi 6 tháng với nam, 55 tuổi 8 tháng với nữ. Theo đó, nam giới có số năm hưởng lương hưu trung bình là 10 năm 4 tháng. Với nữ giới, con số này là 20 năm 6 tháng.
Theo các "thông số" chung này, tổng mức lương hưu, tiền mai táng phí, tiền tuất, tiền BHYT của nam giới hưởng sau khi nghỉ hưu là hơn 176,4 triệu đồng, của nữ giới là khoảng 396 triệu đồng.
Theo ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TP HCM, cách tính lương hưu của người tham gia bảo hiểm tự nguyện hay bắt buộc đều giống nhau. Luật BHXH đã quy định rõ, lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
So với cách tính giả định, chuyên gia của BHXH TPHCM đã "tính lại" dựa trên hệ số trượt giá tại thời điểm năm 2022 (theo thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH) để ra khoản tiền hưởng BHYT, mai táng phí tính theo mức lương cơ sở hiện tại (1.490.000đ), chưa tính mức điều chỉnh lương cơ sở những năm tiếp theo như thế nào, tiền trợ cấp tuất một lần tính theo mức lương hưu bắt đầu hưởng hiện tại, chưa tính theo mức lương hưu điều chỉnh tại thời điểm chết (theo tuổi thọ trung bình).
Kết luận, BHXH TPHCM cho rằng, để có thể có hưởng các chế độ lương hưu ở mức 600 - 700 triệu đồng như đề cập thì còn phải xét thêm các yếu tố như tuổi thọ thực tế, hệ số trượt giá, mức chi BHYT... ở thời điểm tính với từng trường hợp. Nhưng có thể thấy, hầu hết người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đều hưởng chế độ hưu trí với giá trị cao hơn nhiều tổng mức đóng trong quá trình làm việc.
Tự lo lương hưu khi về già
Chị Lê Thị Ánh Nguyệt (sinh năm 2000, quê Ninh Bình) là chủ tiệm kinh doanh nhỏ trên địa bàn TPHCM. Trước đó, chị làm công nhân và được đóng bảo hiểm tại huyện Hóc Môn, TPHCM.
Theo chị, bỏ ra 300.000 đồng/tháng đóng bảo hiểm tự nguyện để sau này có lương hưu thì quá tốt. Trước đây, chị nghĩ phải đi làm công ty thì mới được đóng bảo hiểm, nên nhiều lần chị đã bàn với gia đình đóng cửa tiệm để đi làm. Nhưng khi biết rằng có thể đóng bảo hiểm tự nguyện, chị rất vui mừng vì có thể tự lo lương hưu cho bản thân, không nhất thiết phải đi làm ở công ty.
Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai cho biết, người lao động hoàn toàn có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện khi không làm trong doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, mức đóng bảo hiểm hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định năm 2022 là 1,5 triệu đồng. Mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể đóng hàng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm.
Ông Hà cho biết thêm, người dân có thể đóng bảo hiểm tự nguyện để hưởng lương hưu sau này. Khi tham gia bảo hiểm tự nguyện, có đủ các điều kiện theo quy định, người lao động sẽ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Còn người lao động thuộc diện đóng bảo hiểm bắt buộc sẽ được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất.
(Theo Dân Trí)