Bé gái 3 tuổi bị ong chích hơn 40 mũi
Gần 2 tháng trôi qua, anh Danh Dệ (SN 1980, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) vẫn nhớ như in những chuyện xảy ra vào ngày 22/9/2023. Đó là ngày tai họa trên trời rơi xuống gia đình anh.
Hôm đó, khoảng 16h20, anh Dệ chuẩn bị lên lớp dạy tiết thứ 4 thì nhận được điện thoại của hàng xóm. Người này hốt hoảng, gọi anh Dệ về nhà gấp vì con gái của anh bị ong vò vẽ đốt rất nhiều.
Anh Dệ hốt hoảng chạy về nhà. Quãng đường 3km từ trường về nhà anh bỗng nhiên dài đằng đẵng.
Về đến nhà, anh thấy mẹ vợ được người ta chở đi cấp cứu. Con gái 3 tuổi và cháu trai 4 tuổi của anh đang ôm nhau khóc thảm thiết.
Anh Dệ hớt hải chở 2 bé đến Trung tâm Y tế thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận. Bé Danh Ngọc Thiên Di, con gái của anh Dệ ngồi phía trước, cháu trai ngồi phía sau.
Khoảng 2 tiếng sau, bác sĩ thông báo bé Di gặp vấn đề nghiêm trọng ở gan, cần chuyển gấp lên Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang.
Bé Di nhập viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang và được theo dõi một ngày một đêm. Tại đây, bé bắt đầu hôn mê, tình trạng nguy kịch nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Nhìn con được đẩy vào phòng Hồi sức tích cực, vợ chồng anh Dệ gần như ngã quỵ, nước mắt chảy không ngừng.
Anh Dệ cho biết: “Lúc đó, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực của Nhi đồng Thành phố rất nhiệt tình, có tâm, tham vấn rất tỉ mỉ. Họ nói tình trạng của bé rất nặng, phải lọc máu liên tục.
Dù được bác sĩ động viên nhưng tôi thấy cơ hội sống của con ngày càng thấp. Tôi lo âu, thấp thỏm, ngày nào cũng khóc đến kiệt quệ. Đứa con ngoan, lanh lợi của tôi nằm bèo nhèo trên giường bệnh, chẳng còn thảm thương nào bằng”.
Nhắc lại vụ việc bé Di bị ong vò vẽ đốt hơn 40 mũi, anh Dệ tự trách bản thân có chút chủ quan, không ngờ hậu quả nghiêm trọng.
Cách nhà anh Dệ khoảng 50m có một tổ ong vò vẽ trên cột điện. Do tổ ong nằm trên phần ranh đất của hàng xóm nên anh Dệ có trao đổi, tìm cách xử lý.
“Chưa kịp xử lý tổ ong thì tai họa đã ập đến. Hôm đó, con gái tôi không đi học nên ở nhà cùng bà ngoại. Trong lúc bà ngoại làm cỏ, bé và em trai họ ngồi chơi gần đó.
Bất ngờ tổ ong rơi xuống, ong đuổi theo đốt con chó. Con chó lại chạy về hướng của bà ngoại và hai bé. Hỗn loạn, bà ngoại dắt hai bé chạy trốn thì vô tình chạy vào đúng hướng tổ ong”, anh Dệ kể lại.
Anh Dệ cho biết, nguyên nhân tổ ong rơi xuống còn chưa rõ, có người nói gió thổi nhưng người khác lại nói có ai đó dùng ná bắn vào tổ ong. Qua kiểm tra, tổ ong có thủng một lỗ khá lớn.
Công an địa phương đã vào cuộc xác minh. Thế nhưng, anh Dệ đề nghị không truy cứu nữa.
“Lúc đầu, nghe mọi người nói vậy, tôi giận lắm. Hiện tại, con gái tôi đã qua cơn nguy kịch. Cho nên, tôi không muốn có thêm ai đó đau khổ. Đây là tai nạn, xem như gia đình phải chịu”, anh Dệ tâm sự.
45 ngày nguyện ước của cha
Từ lúc con gái bị ong đốt đến chuỗi ngày chống chọi tai ương, anh Dệ cảm nhận bé Di có nghị lực vô cùng tuyệt vời.
Anh nhớ, ngày con gặp nạn, anh chạy về thì thấy bé bị ong đốt khắp người. Bé đau lắm nhưng chỉ khóc rưng rưng, không la hét.
Qua thời gian sử dụng máy ECMO và sự chăm sóc tận tình của bác sĩ, bé Di dần hồi phục. Dù vậy, cơ thể của bé phải gánh chịu rất nhiều tổn thương. Bé bị hoại tử mấy đốt ngón tay, động mạch bị tổn thương nặng…
Sau 45 ngày hôn mê, bé Di hồi tỉnh trong nỗi mừng vui khôn xiết của cha mẹ và đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Anh Dệ liên tục khen con mình giỏi quá.
“Bé tỉnh lại cách nay một tuần nhưng phản xạ còn chậm chạp, chưa đi được… Tuy nhiên, việc bé qua cơn nguy kịch đã là một kỳ tích mà tôi không dám nghĩ đến”, anh Dệ xúc động.
Người cha nghèo nói, anh như đi từ cõi chết trở về, sung sướng hạnh phúc cứ thế dâng trào. Mới ngày nào, cơ thể bé Di sưng phù, không thể nhận ra mà nay con đã mở mắt nhìn cha mẹ.
Trong thời gian bé hôn mê, mỗi ngày, vợ chồng anh Dệ thấp thỏm chờ đến 14h để vào phòng chăm sóc đặc biệt thăm con.
Hai người chỉ có 15 phút đứng cuối giường bệnh nhìn con và nghe bác sĩ thông báo tình trạng của bé. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, anh Dệ nghĩ thầm, rồi lẩm bẩm: “Con gái ơi, con kiên cường lắm. Cố gắng phấn đấu, vượt qua đại nạn nha con gái. Con là anh hùng trong lòng cha”.
Nhìn con chống chọi đau đớn, anh Dệ bủn rủn tay chân, tim đập thình thịch như rớt ra ngoài. 3 tuần đầu bé nhập viện, anh Dệ xin nghỉ, bởi không còn tâm trí dạy học.
Mỗi tối, vợ chồng anh quanh quẩn ngoài hành lang bệnh viện. Một ngày dài chầm chậm trôi qua, anh chỉ chợp mắt khi cơ thể mệt nhoài.
Vợ khóc, anh cũng khóc theo. Hai người ôm nhau, động viên: “Bệnh viện có nhiều máy móc hiện đại, con gái sẽ không sao đâu…”.
Để có tiền chạy chữa cho con, anh Dệ vay ngân hàng, người thân, bạn bè… khoảng 180 triệu đồng. Bởi, tổng lương mỗi tháng của vợ chồng anh chỉ khoảng 10 triệu đồng.
Nhà trường nơi anh công tác, vận động và ủng hộ gia đình hơn 20 triệu đồng. Học trò cũ nghe tin cũng gom góp tiền gửi cho thầy.
Anh Dệ nghẹn ngào: “Có học trò chạy đến tận nhà, trao cho tôi 50.000 đồng. Tôi biết ơn mọi người nhiều lắm”.
Số tiền viện phí đến nay dự tính hơn 1 tỷ đồng nhưng gia đình anh Dệ chỉ nộp tạm ứng được 260 triệu đồng.
Biết gia đình anh khó khăn, các bác sĩ nói: “Gia đình cứ từ từ, khi nào có tiền thì nộp. Đừng lo chuyện nếu không có tiền thì bác sĩ sẽ bỏ rơi con mình”.
Nghe những lời ấy, anh Dệ như được tiếp thêm sức mạnh. Anh lấy lại tinh thần về quê dạy học. Đến tối thứ Sáu hàng tuần, anh bắt xe khách, vượt hơn 320km lên TP.HCM thăm con.
Hiện tại, bé Di chưa xuất viện. Anh Dệ vẫn liên tục chạy đi chạy lại hai nơi. Dù cực khổ nhưng anh cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
“Điều tôi mong muốn nhất lúc này là gửi lời cảm ơn đến tập thể y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực nói riêng và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố nói chung.
Tôi xem họ như thần tiên, cứu giúp con tôi vượt qua đại nạn. Nếu được đề nghị tôi mong đội ngũ y tế được khen tặng.
Bác sĩ nói con tôi sống được là nhờ phúc phần lớn nhưng tôi nghĩ kỳ tích này do họ tận tâm lập nên. Họ rất tuyệt vời”, anh Dệ xúc động chia sẻ.