VIDEO: Ngày đầu Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam
Lần đầu tiên Tổng thống Mỹ thăm cấp nhà nước Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều này thể hiện sự tôn trọng đặc biệt với người đứng đầu Đảng, lãnh đạo Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Tổng thống Joe Biden có lịch trình dày đặc, không thể tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN mới diễn ra ở Indonesia nhưng vẫn đến thăm Việt Nam. Điều đó cho thấy vai trò và vị thế của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Chuyến thăm cũng là minh chứng cho sự coi trọng nhau của hai nước về mặt song phương cũng như trong khu vực và trên thế giới. Điều này được đánh giá là lịch sử nếu xem xét toàn bộ quá trình phát triển quan hệ giữa hai quốc gia Việt - Mỹ.
Mối quan hệ này đã từng được ông Joe Biden (khi còn là Phó Tổng thống), trong buổi đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ năm 2015 khái quát bằng câu Kiều “Trời còn có để hôm nay. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
Chuyến thăm đánh dấu bước phát triển chưa từng có khi hai bên quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững. Việc nâng cấp lên mức cao nhất này cho thấy cả hai quốc gia đã cam kết ở mức độ sâu rộng và mạnh mẽ nhất trong hợp tác ở mọi lĩnh vực.
Bước phát triển ấn tượng
Quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước phát triển đầy ấn tượng kể từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Trong một thập kỷ là Đối tác Toàn diện (2013-2023), quan hệ Việt - Mỹ phát triển tích cực trên cả bình diện song phương, khu vực và quốc tế.
Việt Nam ngày càng nổi lên như một điểm đến an toàn, tin cậy và thu hút với nhiều nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, vị thế chính trị của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế cũng ngày càng được nâng cao.
Mỹ đã tìm thấy ở Việt Nam như một đối tác rất tiềm năng. Điều này được minh chứng bằng nhiều chuyến viếng thăm Hà Nội của các giới chức Mỹ như: Đặc phái viên về Khí hậu của Tổng thống John Kerry, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink, Thống đốc bang Oregon Kate Brown, Đại diện Thương mại Katherine Tai, Tổng Giám đốc USAID Samantha Power, Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen…
Năm 2021, Phó Tổng thống Kamala Harris có chuyến thăm Việt Nam.
Lần đầu tiên, cả Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ cùng thăm Việt Nam khi tại nhiệm.
Cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden ngày 10/9 là sự tiếp nối từ cuộc điện đàm rất thành công của hai nhà lãnh đạo hồi tháng 3 năm nay.
Những chuyến thăm, cuộc điện đàm cấp cao với tinh thần thảo luận thẳng thắn, chân thành, tôn trọng lẫn nhau, cùng hướng đến những điểm chung đã giúp hai bên tăng thêm hiểu biết, xây dựng lòng tin, tạo nền tảng cho mối quan hệ ngày càng phát triển mạnh mẽ và tích cực hơn.
Mỹ luôn khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng”, bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Và trong cuộc hội đàm với ông Joe Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng, sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là những nguyên tắc cơ bản, luôn có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hai nước và quan hệ quốc tế.
Tổng Bí thư cũng nhắc tới phương châm đặc thù cho sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ là "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai"…
Sau 10 năm duy trì quan hệ Đối tác toàn diện, Việt Nam và Mỹ chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững. Quyết định này cho thấy sự sáng suốt, đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Đó là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Bùng nổ hoạt động kinh tế - thương mại
Quan hệ kinh tế thương mại đóng vai trò nền tảng trong tổng thể quan hệ song phương Việt - Mỹ.
Mỹ hiện nay là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ đồng thời là đối tác lớn nhất ở khu vực ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân khoảng 16%/năm. Tính từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay, tăng trưởng thương mại hai nước đã tăng từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức hơn 123 tỷ USD năm 2022.
Thời gian gần đây thương mại song phương tăng trưởng mạnh với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt hơn 123,86 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Năm 2022 đánh dấu bước ngoặt khi lần đầu tiên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang một thị trường đạt mốc hơn 100 tỷ USD. Kim ngạch thương mại song phương 7 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 60,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 52,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt 8,1 tỷ USD.
Tuy đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng như vậy, nhưng tiềm năng phát triển giữa hai bên vẫn còn chưa được phát huy tối đa. Chính vì vậy, việc hai bên Việt - Mỹ nâng quan hệ lên tầm cao mới, nhiều doanh nghiệp đang mong chờ sự bùng nổ trong hoạt động kinh tế - thương mại - đầu tư trong thời gian tới.
Sau khi nâng cấp quan hệ, hai nước sẽ tập trung vào những lĩnh vực như hợp tác chuỗi cung ứng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, kinh tế xanh và phát triển công nghiệp chế tạo.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá.
Hai nước sẽ tập trung vào việc tạo nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm cũng sẽ được chú trọng.
Các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Google, Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries và Boeing đang chờ đợi việc phát triển hoạt động đầu tư, thương mại ở Việt Nam.
Nếu tận dụng được các cơ hội này, nền kinh tế của Việt Nam sẽ có điều kiện cất cánh.
Gia tăng hoạt động hợp tác ở nhiều lĩnh vực
Với việc nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới, Việt - Mỹ sẽ có nhiều thuận lợi để thúc đẩy sự hợp tác ở mọi lĩnh vực. Lĩnh vực mà hai bên đã có nhiều thành tựu thời gian qua là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Đây là điểm sáng, có thể nói là hình mẫu trong hợp tác của hai nước.
Mặt khác, hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác về gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đào tạo quân y, cứu trợ cứu nạn, nâng cao năng lực hàng hải và hàng không.
Tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, hai nước cũng sẽ tăng cường phối hợp trong ASEAN, APEC, Liên Hợp Quốc và đặc biệt phối hợp với nhau để cùng xử lý các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh y tế…
Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác nhằm đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, hợp tác, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia ở Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động trái với luật pháp quốc tế làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện DOC, sớm ký kết COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982...