Nói về điều tâm đắc nhất trong nhiệm kỳ Việt Nam đảm nhiệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong 2 năm có rất nhiều sự kiện, nhiều vấn đề diễn ra. Trong 10 dấu ấn khi hoàn thành trọng trách tại Hội đồng Bảo an (HĐBA), Bộ trưởng cho hay có rất nhiều sự kiện đọng lại, nhiều điểm tâm đắc.
"Nếu lựa chọn những gì tâm đắc nhất thì có lẽ tôi tâm đắc nhất là chúng ta đã thể hiện rõ nét bản sắc riêng của Việt Nam khi tham gia công việc của HĐBA. Đây là sân chơi quốc tế rất quan trọng và bản sắc đó là yếu tố định vị Việt Nam. Bản sắc đó tạo nên giá trị và uy tín lâu dài cho Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu", Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. |
Bản sắc đó có thể gói gọn trong chính thông điệp: "Đối tác vì hòa bình bền vững", với 3 ý nghĩa chính.
Bộ trưởng phân tích về tổng thể truyền tải thông điệp về đất nước Việt Nam đổi mới năng động, nhân ái, nhân văn, yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng đóng góp cho hòa bình an ninh và thịnh vượng của thế giới. Đây cũng là điều Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn rất tâm đắc.
Về tầm nhìn, Việt Nam đề cao cách tiếp cận tổng thể, toàn diện trong giải quyết các thách thức về hòa bình và an ninh để có nền hòa bình bền vững lâu dài.
Các giải pháp Việt Nam ủng hộ, thúc đẩy đều căn cứ trên luật pháp quốc tế, đặt người dân và sinh kế của họ ở vị trí trung tâm, lấy người dân làm trung tâm, chú trọng mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình, từ khâu ngăn ngừa xung đột đến giải quyết xung đột, đến tái thiết hậu xung đột và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột.
Về cách làm, sắc thái riêng của Việt Nam thể hiện là luôn hướng tới thúc đẩy đồng thuận chung, thúc đẩy hợp tác đối thoại giảm căng thẳng đối đầu.
"Trong bối cảnh rất phức tạp mấy năm qua, chúng ta cần phải đề cao đối thoại giảm căng thẳng, đối đầu. Việt Nam đã tham gia bàn thảo tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự của HĐBA với tinh thần rất tích cực, xây dựng, chú trọng quan điểm của các nước liên quan trực tiếp", Bộ trưởng Ngoại giao cho biết.
Trong vai trò điều hành là Chủ tịch HĐBA hoặc Chủ tịch của các cơ chế trực thuộc, Việt Nam luôn lắng nghe, tìm điểm đồng, giải quyết thỏa đáng quan tâm của các nước liên quan, chính vì vậy tạo nên sắc thái riêng trong bản sắc, trong quá trình tham gia.
Trong quá trình tham gia HĐBA, chắc chắn Việt Nam đã phải xử lý những vấn đề phức tạp, thậm chí bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên. Đánh giá về quá trình này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơ cho biết, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, thậm chí rất khó lường... Có thể kể đến như Syria, Lybia,... hay đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu.
Sự khác biệt giữa các nước thành viên, đặc biệt là giữa các nước ủy viên thường trực HĐBA cũng đã gây ra những thách thức không nhỏ trong tìm kiếm đồng thuận chung.
Cách tiếp cận, cách thức giải quyết của Việt Nam là nhất quán luôn xuất phát từ lợi ích chung, dựa trên nền tảng tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hiến chương Liên Hợp Quốc.
Đó là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa, không sử dụng vũ lực.
Việt Nam cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. |
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn đề cao yêu cầu bảo vệ thường dân và bảo đảm cách tiếp cận nhân đạo, lấy con người làm trung tâm..."
Dẫn chứng khi thảo luận về tình hình Myanmar, Bộ trưởng nhấn mạnh, quan điểm của Việt Nam là luôn yêu cầu tôn trọng độc lập chủ quyền của Myanmar, kêu gọi chấm dứt mọi hành động dùng vũ lực và bảo vệ người dân, vì lợi ích chung của người dân. Đồng thời, Việt Nam cũng nỗ lực làm cầu nối thúc đẩy trao đổi giữa HĐBA với ASEAN, để HĐBA hiểu rõ hơn về tình hình, quan điểm, sự cố gắng nỗ lực của các nước trong khu vực, góp phần tạo dựng đồng thuận chung.
Về chủ trương chung, đường lối đối ngoại thời gian tới, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng đồng thời nâng tầm đối ngoại đa phương.
Với kết quả hoàn thành 2 năm nhiệm kỳ HĐBA được bạn bè quốc tế tiếp tục ủng hộ, Việt Nam cũng phải tính đến kế hoạch tham gia đóng góp hơn nữa vào hoạt động chung để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Trần Thường
Chủ tịch nước: Việt Nam tự tin, sẵn sàng gánh vác nhiều trọng trách quốc tế
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp nhân dịp Việt Nam hoàn thành thắng lợi nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.