
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đã chiếu rộng rãi trong kỳ nghỉ lễ và thu về 81 tỷ - một niềm vui lớn cho những nhà làm phim với đề tài chiến tranh - rất khó trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam.
Bùi Thạc Chuyên vốn là đạo diễn tôi rất yêu thích vì lối tư duy sâu sắc, giàu tính điện ảnh. Trong số các phim anh làm, tôi rất thích Sống trong sợ hãi, phim về đề tài hậu chiến, khi người lính phía bên kia nỗ lực chinh phục mảnh đất đầy bom mìn do Mỹ và đồng đội anh để lại. Muốn có đất trồng trọt thì phải gỡ mìn. Hàng ngàn quả mìn gài dưới lòng đất, hằng ngày đối mặt với cái chết vì cưa bom, mìn nổ. Sống trong sợ hãi là con đường mưu sinh cũng như nỗ lực trở lại với cuộc sống của Tải.
Trước Sống trong sợ hãi, cũng phim về hậu chiến mà tôi rất thích nữa là Đời cát của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Đây là 2 phim về hậu chiến của điện ảnh Việt Nam cho thấy sức sáng tạo về một thế hệ vàng của điện ảnh nước nhà. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân trong phim này ít chơi hình ảnh, thiên về kể chuyện, cấu trúc chặt chẽ không tìm thấy khung hình thừa nào để cắt đi.
Địa đạo bối cảnh khác, không phải phim về hậu chiến mà là phim trong cuộc chiến chống Mỹ của mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam. Mặt trận này ít phim đề cập, chất liệu phim cũng được khai thác từ việc làm phim tài liệu mà anh Chuyên phát triển thành phim truyện. Cách làm này tôi rất thích vì cũng đang theo đuổi nó.

Tài liệu giúp cho đạo diễn có sự trải nghiệm sâu sắc hơn về đề tài, tường tận hơn về bối cảnh và nhân vật, hiểu căn nguyên của vấn đề sau đó, nhúng drama và chất truyện phim vào để thổi bùng thêm các tình tiết trong kịch bản nhưng phải do chính ông đạo diễn chắp bút chứ nếu giao cho biên kịch không có trải nghiệm như vậy mà chỉ nghe kể lại, sẽ sinh ra sự hời hợt và sẽ không đi đến đâu.
Địa đạo thấm đẫm chất liệu về chiến tranh du kích, lại không phải khe suối hẻm núi hay làng mạc mà ở sâu dưới lòng đất. Chúng ta, người Việt Nam thấy đã là phi thường vì chúng ta sinh ra nó rồi, nhưng phương Tây, cụ thể là Mỹ xem sẽ không bao giờ ngờ rằng có một cuộc chiến tranh nhân dân như thế. Họ không thể hình dung ra cả một tổ chức, một làng, một mặt trận trải dài gần 200km chằng chịt dưới lòng đất được đào bằng tay, âm thầm từ năm này qua năm kia, đời này qua đời kia… kế thừa từ thời Pháp đến thời Mỹ.
Bối cảnh cực hay như vậy đã là một điểm lớn để phim hấp dẫn và hấp dẫn hơn nữa là tâm - sinh lý của những con người ngày đêm đối mặt với sinh tử, nỗi sợ hãi, sứ mệnh Tổ quốc, nhiệm vụ trên giao và cả tình yêu nam nữ sẽ ra sao? Đó là điều mà có lẽ làm TV series mới kể được hết câu chuyện.

Địa đạo khai thác khá thành công tâm lý của những con người dưới lòng đất này nhưng tôi vẫn thấy thiếu. Phải chăng đạo diễn muốn lấy chính địa đạo làm nhân vật chính thay cho con người? Phim khá nhiều cảnh trung nhưng lại thiếu cảnh cận. Đây phải chăng là phong cách của đạo diễn xuất thân từ sân khấu mà tôi cũng nhận thấy ở Sống trong sợ hãi. Đó là muốn để khán giả quan sát và tự zoom mắt mình vào chi tiết mà họ quan tâm như khán giả ngồi dưới hàng ghế nhà hát.
Tôi không thích như vậy, cận cảnh và đặc tả chính là sức mạnh của điện ảnh để nhấn vào tâm lý mạnh và rõ ý hơn, dằn vặt hơn, sợ hãi hơn và mạnh mẽ hơn. Phim này cực hợp để quay cận cảnh góc rộng với mấy cảnh nhân vật ôm máy trườn bò.
Một điểm khá tiếc nữa là tính mạch lạc của các đường hầm. Trong những lần bị tấn công, bị rượt đuổi khiến khán giả khá bối rối không biết nhân vật đang ở đâu và tình thế như thế nào. Giá như có cảnh về đồ hoạ rút ra toàn cảnh cho thấy bối cảnh sự kiện sẽ làm khán giả thoả mãn hơn. Đoạn đầu phim, bản vẽ tay trên bàn lại không đẹp, cuối phim có một khúc hiện ra nhưng cũng chỉ mang tính minh hoạ và sự kiện trong phim cũng qua rồi…
Địa đạo đã tạo ra một “môi trường” gồm bối cảnh và nhân vật rất hay và ấn tượng nên nếu có nhà đầu tư hoặc nhà sản xuất tốt, có thể làm thành 10 phim về những cụm căn cứ khác với những nhân vật còn lại.
Đạo diễn Đào Thanh Hưng
Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với bài báo đã đăng trên VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!


'Địa đạo' của Bùi Thạc Chuyên cán mốc 81 tỷ, vượt mặt cả bom tấn Hollywood
