Sáng 12/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ 23 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại buổi họp báo chiều nay, thông báo về kết quả phiên họp, liên quan đến vụ Việt Á, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, Bộ Chính trị đã có kết luận phân hóa xử lý về mặt kỷ luật Đảng. Về xử lý pháp luật, ngày 11/1, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã có thông báo về đường lối phân hóa xử lý đối với các đối tượng vi phạm pháp luật trong vụ Việt Á.

Thông tin thêm về việc này, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết: “Các cơ quan chức năng sẽ dựa vào đường lối xử lý này để có sự phân hóa, đối tượng nào sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đối tượng nào thực hiện chính sách khoan hồng, giảm nhẹ, hoặc không xử lý”.
 
Về tiến độ xử lý các vụ án trọng điểm được dư luận quan tâm, ông Nguyễn Thái Học cho biết, đối với vụ AIC xảy ra tại Đồng Nai, hiện đã hoàn thành xét xử sơ thẩm nhưng "không phải xong tất cả".

Các sai phạm của AIC liên quan địa phương nào, bộ ngành nào, các cơ quan chức năng đang tập trung làm rõ để xử lý.

Trong 10 vụ án trọng điểm mà Ban Chỉ đạo yêu cầu phải tập trung đẩy nhanh kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm có vụ việc liên quan tới AIC. Cụ thể là vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan.

Với việc cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn - chủ mưu trong vụ án tại Đồng Nai đã bị kết án 30 năm tù nhưng vẫn đang bỏ trốn và bị truy nã, ông Học cho hay, hiện nay bà Nhàn đã bị tuyên án nên việc xử lý tiếp theo sẽ do các cơ quan có chức năng nhiệm vụ trong thi hành án thực hiện.

Đối với vụ việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ban Chỉ đạo cũng xác định đây là 1 trong 10 vụ án trọng điểm sẽ được xử lý dứt điểm trong năm 2023.

Ông Nguyễn Thái Học trả lời tại họp báo.

Trong phiên họp sáng nay, Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhận định, vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm “không phải là tham nhũng vặt” mà có hệ thống, có tổ chức, có quy mô lớn lắm”.

Ông Học thông tin: “Sáng nay, Bộ trưởng Công an nói, tính chất nghiêm trọng của vấn đề là có tổ chức, phân công, phối hợp chặt chẽ. Chính vì thế, Ban Chỉ đạo mới quyết định đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo vụ này”.

Tất cả các hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở địa bàn nào, địa phương nào, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo ở địa phương đó phải lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định: “Ở đâu có hành vi tham nhũng, tiêu cực mà ở đó không phát hiện, không xử lý thì cấp ủy, tổ chức đảng, mà trước hết là Trưởng Ban Chỉ đạo phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân”.

Ông Học dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư trong cuộc họp sáng nay: "Các đồng chí tham gia vào Ban Chỉ đạo phải lựa chọn những người thực sự tiêu biểu, thực sự gương mẫu để đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Và như thế sẽ tạo ra chuyển biến rất tốt từ Trung ương cho đến địa phương".