Ai có thể bị gan nhiễm mỡ độ 2?
Trong gan luôn chứa một lượng mỡ nhất định, chiếm khoảng 3-5% trọng lượng gan. Khi lượng mỡ này ứ đọng nhiều sẽ dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ.
Bệnh diễn tiến rất âm thầm, không có biểu hiện ở giai đoạn đầu. Nếu không kịp thời can thiệp, gan nhiễm mỡ có thể gây ra viêm hoại tử gan, xơ gan nặng, thậm chí phải thay gan.
Theo bác sĩ CKII. Đồng Quang Tráng, Trưởng đơn vị Tiêu hóa, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), gan nhiễm mỡ chia làm 2 nhóm nguyên nhân: do uống rượu và không do rượu. Ở nhóm gan nhiễm mỡ không do rượu, thường do các bệnh lý chuyển hóa, béo phì, mỡ máu, tiểu đường…
Một cách tương đối, bệnh có thể chia làm 3 cấp độ:
Gan nhiễm mỡ độ 1: Tỷ lệ mỡ chiếm 5 - 10% trên tổng trọng lượng của gan. Các dấu hiệu thường rất nhẹ thậm chí không có. Nếu không điều trị, bệnh có thể nhanh chóng chuyển sang độ 2.
Gan nhiễm mỡ độ 2: Tỷ lệ mỡ chiếm đến 10 - 25% trọng lượng của gan, mỡ đã lan rộng ra các mô gan, gan có thể bị viêm.
Gan nhiễm mỡ độ 3: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất, rất khó điều trị và phục hồi. Gan bị xơ, hoại tử và ung thư gan.
Biểu hiện của gan nhiễm mỡ độ 2
Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa mức độ nhẹ và nặng. Ở cấp độ 2, khả năng phục hồi chức năng của gan vẫn còn nhưng tùy vào thời điểm phát hiện và sự tuân thủ của người bệnh.
Thời điểm này, chức năng gan bắt đầu suy giảm. Người bệnh có thể mệt mỏi, xanh xao, vàng da, vàng mắt, dễ xuất huyết… Đây là các dấu hiệu gợi ý để người bệnh kiểm tra sức khỏe, siêu âm tổng quát, siêu âm gan.
Người bệnh sẽ phải thực hiện các xét nghiệm sinh hóa, kiểm tra men gan, sinh thiết gan (nếu cần thiết)… Hiện nay, phương pháp siêu âm Fibroscan có thể đánh giá mức độ xơ gan một cách định lượng và độ nhiễm mỡ của gan.
Khi đánh giá được mức độ bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ lên phương án điều trị. Gan nhiễm mỡ độ 2 nếu không được can thiệp phù hợp, người bệnh sẽ diễn tiến sang độ 3: gan bị xơ nặng, hoại tử, thậm chí ung thư gan.
Điều trị gan nhiễm mỡ độ 2 như thế nào?
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh thời đại, do lối sống, cách sinh hoạt, áp lực công việc, thói quen tiêu thụ thức ăn nhanh… Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu điều trị cho bệnh lý này. Do đó, phương pháp tối ưu để điều trị gan nhiễm mỡ độ 2 là một lối sống lành mạnh.
Bác sĩ Đồng Quang Tráng dẫn chứng về một trường hợp ông đã trực tiếp điều trị: bệnh nhân nam, dưới 30 tuổi, nặng 120kg và bị gan nhiễm mỡ độ 2. Người này đã uống nhiều thuốc, thực phẩm được quảng cáo trên mạng và do người quen tặng, nhưng bệnh ngày càng nặng.
Sau khi thăm khám, bệnh nhân được yêu cầu phải thay đổi lối sống, vận động hợp lý, ăn uống khoa học theo hướng dẫn. Ngoài ra, sử dụng một số thuốc do bác sĩ kê đơn nhằm bảo vệ chức năng gan. Những lần tái khám sau, các chỉ số cải thiện đáng kể, lượng mỡ trong gan giảm.
Bác sĩ khuyến cáo, người bị gan nhiễm mỡ độ 2 cần cải thiện và duy trì lối sống khoa học:
- Luyện tập thể dụng thể thao ít nhất 30 phút/ngày giúp duy trì cân nặng ổn định và giảm lượng mỡ trong gan.
- Người bệnh tăng cường các loại thực phẩm có tác dụng bổ trợ chức năng gan như rau xanh, các thực phẩm có tính giải nhiệt. Rau quả giúp tăng cường chức năng, mát gan, tránh tích tụ thêm mỡ trong gan.
- Hạn chế ăn nội tạng, thịt bò là các loại đạm động vật giàu cholesterol khiến tăng nguy cơ tích lũy mỡ và tạo gánh nặng cho gan. Hạn chế ăn các món chiên, xào. Dùng dầu ăn thực vật để chế biến thức ăn vì ít cholesterol hơn.
- Hạn chế các đồ uống có hại cho gan như bia rượu, đồ uống có gas...
- Người mắc gan nhiễm mỡ độ 2 tuyệt đối không sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, không do bác sĩ kê đơn. Thực tế, các loại thuốc này chỉ làm gan thêm gánh nặng vì chức năng của gan là lọc, thải độc.
Phú Sĩ