Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ngày 25/6/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những khách mời chính của Diễn đàn có bài phát biểu quan trọng của “các nhà tiên phong” trong phiên khai mạc.
Sau khi kể về “câu chuyện của Việt Nam” trong công cuộc Đổi Mới với những thành tựu được thế giới đánh giá cao về hợp tác, phát triển, để kết luận, Thủ tướng đã nêu bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới về “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.
Bí quyết này của Việt Nam vang lên tại WEF ở Đại Liên Trung Quốc là đúng nơi, đúng lúc, đúng thời cuộc khi nhiều nước đang lấy đối đầu thay cho hợp tác; khói lửa đang nổ ra ở châu Âu, Trung Đông thay cho hòa bình; Đông Bắc Á vẫn nóng lên từng ngày thay cho thương thảo; Đại chiến II đã qua đi gần 8 thập kỷ nhưng nguy cơ xảy ra Đại chiến III lại đang rình rập và nổ ra bất cứ lúc nào, nơi nào.
Bằng đoàn kết, đại đoàn kết trong thế kỷ XX, Việt Nam đã đánh đuổi được tất cả giặc ngoại xâm. Sau đó đã diệt được giặc dốt, xóa được giặc đói. Tất cả đều dựa vào sức mạnh của đoàn kết toàn dân, đúng là “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Đối với những khó khăn tưởng như không thể vượt qua thì cả hệ thống chính trị của Việt Nam đều đã vào cuộc và thành công. Hệ thống đó bao gồm các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên (là các đoàn thể chính trị-xã hội) cùng các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp... vô cùng phong phú và đa dạng.
Hệ thống đó trong chiến tranh đã bảo đảm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, và “ra ngõ gặp anh hùng, vào nhà gặp kiện tướng”.
Khi công cuộc Đổi Mới đi được chặng đầu (1986-2000) với thắng lợi lịch sử về xóa bỏ cấm vận của Mỹ và phương tây năm 1995, Việt Nam đã thực hiện một chuyển hướng lớn về đoàn kết, đại đoàn kết ở tầm quốc tế.
Theo định hướng này, Việt Nam đưa ra thông điệp muốn làm bạn tin cậy với tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới; thực hiện 4 không trong quan hệ với các nước (không tham gia liên minh với nước này để chống lại nước khác, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ....); khép lại quá khứ thù địch, thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia xâm lược Việt Nam trước đây; thực hiện mở cửa trong thương mại và đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và các nước theo nguyên tắc lợi cùng hưởng, rủi ro cùng chia, tất cả cùng thắng.
Nói được làm được, tới nay, Việt Nam không chỉ thực hiện được các liên kết quốc tế đa phần các quốc gia đã đạt được (thành viên Liên Hợp Quốc, WTO...) mà còn làm được nhiều hơn thế, đặc biệt là những liên kết mà nhiều nước còn chưa thực hiện được.
Nổi bật là Việt Nam đã trở thành quốc gia thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 5 cường quốc Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đặc biệt là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Lý do thật dễ hiểu bởi Việt Nam đã truyền cảm hứng giải phóng dân tộc cho tất cả các quốc gia bị áp bức, bóc lột khắp năm châu bằng chính những thành quả cách mạng của mình từ giữa thế kỷ XX đến nay.
Lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản ra đời từ Châu Âu, được vận dụng thành công lần đầu tại nước Nga với thành quả huy hoàng trong sự ra đời của Liên bang Xô viết, thành trì của cách mạng thế giới từ năm 1917. Sau hơn 70 năm tồn tại và phát triển, năm 1991 thành trì này đã bị sụp đổ bởi nội bộ mất đoàn kết và bởi bao vây, cấm vận, đối đầu. Chủ nghĩa Mác-Lê nin bị đánh đổ từng phần, thành quả của Chủ nghĩa cộng sản bị xóa sổ từng bộ phận từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một ngôi sao sáng, đưa đất nước đi vào thời kỳ quá độ tiến lên Chủ nghĩa xã hội với bí quyết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.
Thuyết phục cao
Chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam trên thực tiễn là một hình mẫu có sức thuyết phục cao đối với thế giới hiện nay. Đó là thực tiễn của một quốc gia đưa quy mô kinh tế của mình theo GDP danh nghĩa tăng gấp 60 lần sau 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới. Đặc biệt, theo IMF, Việt Nam là quốc gia có GDP theo sức mua lớn gấp 3 lần GDP danh nghĩa, đây là hệ số cao nhất toàn cầu, trong đó hai chỉ số này tại Mỹ là ngang nhau.
Phải chăng Việt Nam về thực chất đang giàu hơn về danh nghĩa. Hiếm có quốc gia nào mà kim ngạch thương mại hai chiều lớn gấp đôi GDP như Việt Nam. Lịch sử thế giới đã từng ghi nhận về sự phát triển thần kỳ của một số quốc gia, nhưng tất cả chỉ diễn ra trong khoảng 30-40 năm rồi sau đó bước vào suy thoái.
Với Việt Nam, sự phát triển thần tốc như 40 năm qua mới chỉ là chặng đầu. Thời gian từ nay về sau mới đại phát cả về số lượng và chất lượng của phát triển.
Việt Nam lấy dân làm gốc. Một cây làm chẳng nên non, một trăm triệu dân đoàn kết đã, đang và sẽ tạo thành sức mạnh vô địch.
Từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá với tổng số bom rơi, đạn nổ gấp bốn lần đại chiến II. Trước Đổi mới, Việt Nam phải nhập khẩu từ gạo đến cây kim, sợi chỉ. Tới nay, tình thế đó đã được đảo ngược hoàn toàn, trong đó xuất siêu đã thay thế nhập siêu. Trong danh mục hàng xuất khẩu chủ lực đã có tới 27 mặt hàng đạt quy mô trên 1 tỷ đô la Mỹ thuộc tốp đầu thế giới về xuất khẩu 3 loại hạt (gạo, cà phê, hồ tiêu), 3 loại hải sản (cá Ba sa, cá Ngừ, tôm), 3 loại hàng tiêu dùng thiết yếu (may mặc, giày dép, đồ gỗ), 3 loại sản phẩm điện tử (điện thoại, máy tính, linh kiện).
Sắp tới, Việt Nam sẽ là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về một số phân khúc trong lĩnh vực công nghệ điện tử là chip thế hệ mới, điện thoại, máy tính và linh kiện. Loại công nghệ này đã cùng Việt Nam xuất hiện như một nhân tố mới của lịch sử phát triển thế giới đương đại.
Bằng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” Việt Nam đã trở thành lá cờ đầu của phong trào Giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX, và nay, trong thế kỷ XXI là lá cờ đầu trong khám phá con đường đi lên một xã hội hoàn toàn mới của nhân loại.
Con đường không gì hiện thực hơn, đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” trên phạm vi toàn cầu. Con đường này lấy hòa bình thay chiến tranh, tin cậy thay thù địch, hợp tác thay cô lập, lấy trí nhân thay cường bạo và đi cùng nhau thay vì đi một mình.