Yêu cầu bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy

Quyết định của Công an huyện Yên Phong nêu rõ, căn cứ vào tình hình thực tế, xét thấy nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng tại cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá (xã Văn Môn) do Công ty Cổ phần tập đoàn Hanaka là chủ đầu tư, Trưởng Công an huyện quyết định đình chỉ hoạt động đối với cụm công nghiệp làng nghề này.

Theo quyết định, thời hạn đình chỉ từ ngày 3/11, trong đó yêu cầu ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Hanaka, có trách nhiệm thi hành quyết định và thực hiện các yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.

W-cum-cong-nghiepk-6.jpg
Xỉ than, nước thải... đổ trực tiếp ra môi trường trong cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá.

Tuy nhiên, theo nghi nhận trong ngày của PV VietNamNet, mọi hoạt động sản xuất, cô đúc nhôm trong cụm công nghiệp làng nghề vẫn diễn ra bình thường.

Giải thích về vấn đề bị đình chỉ hoạt động, cụm công nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất, ông Bùi Đức Thuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho hay, dù quyết định đình chỉ hoạt động có hiệu lực từ ngày 3/11, tuy nhiên, ngày 22/11 xã mới nhận được quyết định này.

"Ngay sau khi nhận được quyết định tạm đình chỉ hoạt động cụm công nghiệp, chúng tôi đã thông báo đến các hộ kinh doanh sản xuất. Nếu hộ nào cố tình sản xuất, chúng tôi sẽ báo cáo lên các cấp để xử lý nghiêm", ông Thuyên nói.

W-xi-than-1.jpg
Các hộ sản xuất trong trong cụm công nghiệp đổ xỉ than còn cháy ra môi trường.

Trao đổi với PV, ông Lê Đức Thọ, Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh) cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) giám sát về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở và chủ đầu tư hạ tầng tại cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá.

"Đoàn giám sát có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát định kỳ, theo chuyên đề và đột xuất việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá", ông Thọ cho hay.

Trong diễn biến liên quan, huyện Yên Phong cũng đang rà soát các hoạt động trong Dự án cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phạm Đức Định, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Yên Phong cho biết, mới đây UBND huyện đã lập ra Tổ rà soát các hoạt động trong Dự án cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá.

Nhiệm vụ của Tổ này là kiểm tra toàn bộ các nội dung có liên quan đến cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá.

"Hiện nay chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka cung cấp tất cả các văn bản liên quan đến cụm công nghiệp này và rà soát đến các công ty đã và đang xây dựng tại đây", ông Định cho biết.

Theo ông Phạm Đức Định, vấn đề ô nhiễm môi trường tại Văn Môn được các cấp quan tâm, địa phương cũng muốn các hộ sản xuất phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo về môi trường.

"Đầu tháng 12 tới đây chúng tôi sẽ báo cáo và đề xuất xử lý các hộ kinh doanh, sản xuất không đủ điều kiện về các thủ tục pháp...", ông Định cho biết.

Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn có diện tích được quy hoạch 29,6 ha, hiện nay đã triển khai 26,54 ha và mở rộng 3,5 ha.

Đối với diện tích đất 26,54 ha đã triển khai, UBND tỉnh đã giao cho Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka 25,5 ha; Công ty đã xây dựng hạ tầng đạt trên 90%. Tổng số lô quy hoạch là 666 lô (trong đó: đất công nghiệp là 619 lô, đất dịch vụ 47 lô).

Nước thải của làng nghề cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1,5 đến 16 lần

Theo kết quả rà soát và tổng hợp từ hệ thống quan trắc môi trường của Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Văn Môn chủ yếu phát sinh từ việc cô đúc nhôm.

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí xung quanh cho thấy các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 đến 2,8 lần.

W-cum-cong-nghiepk-2-1.jpg
Khói bụi nghi ngút tại cụm công nghiệp tái chế nhôm.

Về nước thải phát sinh từ quá trình sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất...không được thu gom, xử lý. Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại ao tiếp nhận nước thải của làng nghề Mẫn Xá qua các năm cho thấy các chỉ tiêu phân tích hữu cơ và các kim loại nặng cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1,5 đến 16 lần.

Trung bình mỗi ngày, lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề từ 35 đến 40 tấn, chủ yếu gồm xỉ than và xỉ nhôm.

Những cơ sở sản xuất không thuê các đơn vị có chức năng để thu gom, xử lý lượng chất thải rắn phát sinh mà tự đổ bừa bãi ra môi trường.