Vùng hấp dẫn
Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết đợt sụt giảm mạnh của thị trường đã đưa giá cổ phiếu ngân hàng về vùng hấp dẫn. Theo đó, hồi cuối tháng 11, cổ phiếu ngành ngân hàng được giao dịch với chỉ số giá/thu nhập (P/E) ở mức 7,1 lần và giá/giá trị sổ sách (P/B) là 1,3 lần, thấp hơn lần lượt 38,1% và 29,6% so với trung bình lịch sử giai đoạn 2010-2022.
Thị trường chứng khoán sau đó đã hồi phục nhưng giảm lại trong phần lớn thời gian tháng 12/2022 và các cổ phiếu ngân hàng cũng chịu áp lực giảm. Do vậy, các chỉ số P/E và P/B của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn ở quanh vùng thấp lịch sử.
Trên thực tế, theo ACBS, lợi nhuận ngành ngân hàng có thể tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2022 và nửa đầu năm 2023 do ảnh hưởng của chi phí tăng lên và thu nhập ngoài lãi thuần giảm. Dù vậy, với định giá đang ở mức thấp, cổ phiếu ngành ngân hàng là những cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.
Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI cho rằng, trong năm 2023, cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm sáng cho tăng giá.
Việc khối ngoại đẩy mạnh mua vào cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây là động lực giúp VN-Index giữ được mốc 1.000 điểm.
Trong phiên giao dịch đầu năm mới 3/1/2023, thị trường chứng khoán tăng rất mạnh, với chỉ số VN-Index có thêm gần 37 điểm. Dòng tiền cũng đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Trước đó, trong 3-4 phiên cuối năm 2022, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm toàn thị trường. Tuy nhiên, dòng tiền đổ mạnh vào các mã cổ phiếu Vietinbank (CTG), BIDV (BID), Vietcombank (VCB), Sacombank (STB), VPBank (VPB).... Khối ngoại tiếp tục mua ròng nhiều mã cổ phiếu VCB, CTG, STB, BID…
Cổ phiếu Vietcombank (VCB) tăng 4 phiên cuối cùng của năm 2022. Trong phiên đầu năm mới, ngày 3/1, cổ phiếu VCB tăng thêm 2.600 đồng lên 82.600 đồng/cp.
Trong phiên 3/1, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh. BIDV (BID) tăng 2.600 đồng lên 41.200 đồng/cp; Sacombank (STB) tăng thêm 1.000 đồng lên 23.500 đồng/cp; MBBank (MBB) tăng 900 đồng lên 18.000 đồng/cp…
Triển vọng tích cực trong dài hạn
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu, nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lựơng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.
Theo chuyên gia Phạm Tâm của VDSC, mặc dù đứng trước những rủi ro bất định từ vĩ mô thế giới cùng với nội tại nền kinh tế, VDSC, cho rằng định giá ngành ngân hàng đã về mức thấp trong 10 năm qua. Do đó, khó khăn phía trước sẽ mang lại cơ hội lựa chọn và tích lũy cổ phiếu và nắm giữ dài hạn cho hành trình phục hồi và tăng trưởng trở lại từ năm 2024.
Trong thập kỷ vừa qua, ngành ngân hàng đã trải qua 3 chu kỳ nhưng cuối cùng định giá ngành ngân hàng lại một lần nữa quay về mức thấp hơn một độ lệch chuẩn so với P/B trung bình 10 năm.
Giai đoạn 2012-2016, ngành ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn tái cơ cấu sau khi thị trường bất động sản đóng băng cùng với sự khó khăn của kinh tế toàn cầu.
Sau đó, ngành này có bước tái khởi động, tích cực xử lý nợ xấu, thúc đẩy thu nhập ngoài lãi thông qua các hoạt động bảo hiểm, ngân hàng đầu tư,.. cùng với việc đẩy mạnh công nghệ nhằm thu hẹp chi phí hoạt động trong giai đọan 2017-2020.
Giai đoạn 2020 đến nay, mặc dù ngành ngân hàng trải qua 2 năm Covid đầy khó khăn, nhưng nhìn chung toàn ngành vẫn giữ được tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu quanh mức 20%.
Trong ngắn hạn, theo ACBS, các thay đổi về chính sách và tình hình vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực hơn như tỷ giá ổn định, thanh khoản trên hệ thống dồi dào,... sẽ là những chất xúc tác cho giá cổ phiếu ngành ngân hàng hồi phục.
Giới đầu tư cũng kỳ vọng, sang năm 2023, hoạt động giải ngân đầu tư công sẽ tăng tốc theo cùng với nhiều công trình trọng điểm. Tiền được bơm thêm ra nền kinh tế. Huy động vốn của hệ thống cũng sẽ tốt hơn sau một năm 2022 khá trì trệ. Lãi suất huy động cũng có dấu hiệu giảm theo đà tụt giảm của lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng. Kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng không còn tắc nghẽn…
Một điểm cũng tích cực là các ngân hàng trong 1-2 năm qua tích cực làm dày bộ đệm dự phòng để tăng khả năng chống chịu nợ xấu có thể phát sinh.
Trong năm 2023, các ngân hàng được dự báo sẽ đối mặt với áp lực biên lãi ròng (NIM) thu hẹp do lãi suất huy động tăng. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng có quy mô lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank vẫn hút được lượng tiền gửi lớn với mức lãi suất thấp.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng được hưởng lợi từ lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) rất lớn, với chi phí thấp và hưởng lợi từ hoạt động cho vay bán lẻ.
Theo VNDirect, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao như Vietinbank, Vietcombank, Techcombank, ACB, BIDV... sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm.
Trong quý III/2022, các ngân hàng trên sàn HOSE ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 55,7% so với cùng kỳ nhưng giảm 3% so với quý II. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng trưởng hơn 31% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi tăng thấp hơn do tác động tiêu cực từ thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.