Ngày 28/10, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Giải thưởng Sách Quốc gia. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì hội nghị.
5 năm qua, có những thuận lợi và khó khăn nhất định nhưng Giải thưởng Sách Quốc gia vẫn được tổ chức liên tục với 139 cuốn sách, bộ sách đoạt giải, trong đó có 14 Giải A, 54 Gỉải B, 71 Giải C.
Qua từng năm, Giải thưởng Sách Quốc gia đã bao quát được các mảng của xuất bản Việt Nam, đáp ứng được tính đa dạng trong các lĩnh vực; sách dự giải có chất lượng ngày một tốt, đóng góp của các tác giả ngày một lớn. Những cuốn sách được trao giải đều có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận hoặc giới chuyên môn đánh giá cao ở các lĩnh vực.
Có thể khẳng định, Giải thưởng Sách Quốc gia đã trở thành một sự kiện văn hoá nổi bật thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao, góp phần quan trọng đưa sách đến được với bạn đọc, lan tỏa và nhân lên những giá trị tri thức, những giá trị văn hóa trong đời sống xã hội, nâng tầm giá trị cho mỗi cuốn sách đoạt giải tương xứng với sự kỳ vọng của đông đảo bạn đọc; trở thành tài sản tinh thần quý giá trong mỗi gia đình và đất nước.
Tìm cách lan toả các cuốn sách đoạt giải
Đồng tình với những thành tựu đạt được của Giải thưởng Sách Quốc gia trong 5 năm, để những thành tựu đó tiếp tục được phát huy hơn nữa, nhiều đại biểu tại hội thảo đã có những góp ý thẳng thắn.
PGS-TS Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam cho rằng, cần phải tìm cách tái bản các bộ sách quý đến với người đọc một cách dễ dàng. "Thực tế có nhiều cuốn sách, bộ sách quý nhưng người nghiên cứu, bạn đọc lại không thể tiếp cận, những giá trị tốt của sách không đến được với công chúng, không phát huy được giá trị bởi đó là sách làm để biếu, tặng, không bán", PGS-TS Nguyễn Đức Cường thẳng thắn chỉ rõ.
Cùng chia sẻ những trăn trở về việc lan tỏa những cuốn sách, bộ sách được giải thưởng Sách Quốc gia tôn vinh, bà Lệ Chi – Giám đốc ChiBooks cũng cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi để sách đoạt giải được giới thiệu, phát hành rộng hơn không chỉ trong nước mà còn có thể đưa sách Việt Nam vượt qua biên giới, giới thiệu đến với bạn đọc quốc tế.
Bà Lệ Chi đề xuất, nên chăng Giải thưởng Sách quốc gia chỉ tôn vinh cuốn sách của tác giả Việt Nam, hạn chế sách dịch. Bà Chi lấy ví dụ với Trung Quốc, 2 năm họ tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia một lần và giải thưởng chỉ có 30 giải, hoàn toàn vinh danh những cuốn sách của tác giả trong nước. Ngoài ra, họ còn có giải thưởng “Đi ra nước ngoài” – tức tôn vinh những cuốn sách được nước ngoài mua bản quyền nhiều nhất. Thêm vào đó, bà Chi mong muốn sau khi những cuốn sách đoạt giải thưởng, nên có những chuỗi toạ đàm liên quan tới tác phẩm đó để không chỉ những người làm sách, tác giả hoan hỷ với sản phẩm đoạt giải mà độc giả cũng cảm thấy rằng cuốn sách đó thực sự có giá trị.
Tại hội nghị, TS. Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học cũng nêu câu hỏi: Phải chăng sách đoạt giải chưa được lan tỏa mạnh, chưa tạo được tác động mạnh đến với độc giả bởi phần lớn các cuốn sách, công trình được trao giải đều là những công trình hàn lâm, chuyên sâu? Chưa có nhiều sách đáp ứng nhu cầu thị hiếu của đông đảo độc giả?
TS Nguyễn Anh Vũ cũng đồng tình với đề xuất về việc nên có thêm giải thưởng cho những cuốn sách dịch ra tiếng nước ngoài để khích lệ sự lan tỏa sách của Việt Nam ra với thế giới.
Phát triển Giải thưởng Sách Quốc gia hơn nữa
Sau khi lắng nghe các ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, xuất bản tuy không ồn ào như nhiều lĩnh vực khác nhưng nó luôn luôn có dòng chảy ngầm, có đầy đủ những giá trị của nó.
5 năm qua cùng với sự đồng hành của nhiều đơn vị, trong đó có Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng Giải thưởng Sách Quốc gia nói riêng và ngành xuất bản nói chung đã có một luồng gió mới. Thời điểm hiện tại, Thứ trưởng nói đã đến lúc giao lại sự chủ trì cho Hội Xuất bản Việt Nam chủ động về Giải thưởng này.
Với định hướng ngành xuất bản trở thành ngành kinh tế công nghệ, đưa chủ thể, tác nhân khác tham gia vào câu chuyện tôn vinh sách nhưng không chỉ là ở góc độ tác phẩm mà còn tôn vinh cả văn hoá đọc, phương thức làm sách, hành vi văn hoá, thậm chí là những tuân thủ cần phải có trong làm xuất bản như không vi phạm bản quyền, cơ chế phân chia lợi ích từ việc sáng tạo một cách hợp lý hơn, Thứ trưởng đề xuất nên chăng suy nghĩ dần dần tới việc có những giải thưởng do người đọc bình chọn.
"Độc giả là người 'nuôi sống' toàn bộ chúng ta. Rất nên có tiếng nói tương xứng hơn trong việc lựa chọn những gì mà độc giả thấy rằng cung cấp cho họ những hành trang, kỹ năng, kiến thức, tri thức để họ sống một cách tốt hơn", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề xuất, ngành xuất bản nên tính toán thêm để có sự tham gia của các chủ thể mới, để Giải thưởng Sách Quốc gia phản ánh hơn nữa những kỳ vọng của xã hội, qua đó làm cho những nhà xuất bản, những đơn vị trước đây còn chưa tham gia giải này quan tâm nhiều hơn nữa; tạo ra vòng đời phát triển tiếp theo của sản phẩm sáng tạo.
Thứ trưởng đề nghị Cục Xuất bản, In và Phát hành tiếp thu tất cả các ý kiến của hội thảo, tổng hợp để báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ kèm chương trình hành động để không chỉ tôn vinh mà còn có kế hoạch phát triển Giải thưởng Sách Quốc gia hơn nữa.