Đào Châu Hải là một trong những điêu khắc gia hàng đầu của Việt Nam sau thời kỳ đổi mới. Tốt nghiệp Học viện Hàn lâm Mỹ thuật Quốc gia Moskva (Nga) mang tên V.I. Surikov danh tiếng, từng trải qua các vị trí giảng dạy, quản lý mỹ thuật, hoạt động điêu khắc của Đào Châu Hải đã đạt được những thành tựu nhất định ở nhiều chất liệu khác nhau và cũng trải qua nhiều khuynh hướng, từ hiện thực và biểu hiện cho tới xu hướng trừu tượng hình học rồi nghệ thuật Ý niệm ở những sáng tác giai đoạn gần đây. Trong bối cảnh nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam, ông là người tiên phong và có nhiều cách tân trong điêu khắc kim loại, truyền nhiều cảm hứng cho cả một thế hệ nghệ sĩ trẻ.
Trong triển lãm chung lần này, Đào Châu Hải sẽ giới thiệu một số tác phẩm nằm trong series điêu khắc chất liệu đá mới nhất của ông. Series này thực hiện từ những phác thảo gần đây cũng như từ nhiều năm trước, chúng là những nghiên cứu về hình thể (form), không gian và khối tích mang phong cách trừu tượng hình học đặc trưng của Đào Châu Hải và rất phù hợp với chất liệu đá có kích thước trung bình (từ 1,5m trở xuống).
Một trong những thể nghiệm kỹ thuật đáng chú ý lần này của Đào Châu Hải là việc sử dụng máy đục CNC ở các mức độ khác nhau đối với từng tác phẩm cụ thể, đôi khi ông giữ lại một phần sự dang dở của diện khối, đôi khi là bề mặt ngẫu nhiên các mũi khoan máy để lại, các phần gia công sau cùng quyết định bởi tính chủ quan và tính khách quan của các loại đá khác nhau: đá sa thạch vàng, đá granite đen, trắng, xám...
Với họa sĩ Đinh Phong đây là triển lãm lần thứ ba của ông. Hai lần trước là các triển lãm cá nhân Người bay và giấc mơ siêu thực (Hà Nội tháng 11/2020) và Giấc mơ siêu thực (TP.HCM, 4/2021).
Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân từng có nhận xét về thế giới Đinh Phong: "Điều làm tôi ngạc nhiên là tâm thức hành nghề dứt khoát chuyên nghiệp, không có giai đoan quá độ như số đông tự học. Với tâm thức duy lý siêu hình Đinh Phong bập ngay vào thể loại thời thượng - cổ điển là trừu tượng. Dường như đã nằm lòng những nguyên lý về form của thể loại này nên không có vấp váp tạo hình nào trên mặt tranh. Bố cục hai chiều, không gian ba chiều, liên kết đường nét, chuyển biến của khối và nhịp điệu tạo hình rất chững chạc, chỉn chu, có cân nhắc kỹ lưỡng". Tranh Đinh Phong gây được chú ý trong công luận ngay từ khi ra mắt lần đầu tiên với công chúng thủ đô.
Ở triển lãm lần thứ ba này, ngoài những bức tranh khổ lớn là những tác phẩm điêu khắc mới của Đinh Phong, những chuỗi liên hợp phức cảm chồng chéo bằng chất liệu gốm, kim loại đồng được tạo ra với mục đích đạt được sự thống nhất giữa thế giới nội tâm và ngôn ngữ hình thức, dùng nghệ thuật như một phương tiện bộc lộ mình trước thế giới, ngay cả khi đó là sự hoang mang, hỗn loạn với những câu hỏi siêu hình không thể giải đáp về sự sống và nghệ thuật.
Tình Lê