Một số ngân hàng mua lại trái phiếu riêng lẻ do họ phân phối ra thị trường trước đó. Điều này giúp ổn định thị trường khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và không thể trả lãi và gốc đúng hạn.
LTS: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển bùng nổ nhưng đã đứng lại sau cú “phanh gấp” năm trước. Sự trầm lắng kéo dài trong hơn một năm qua vẫn tiếp diễn. Dù vậy, đã có sóng ngầm trên thị trường này, với những thỏa thuận dồn dập giữa doanh nghiệp với các trái chủ, giữa ngân hàng với doanh nghiệp, với các nhà đầu tư.
Cơ hội tương lai của thị trường trái phiếu sẽ ra sao? Những gì cần thiết để thị trường trái phiếu phát triển mạnh, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, giảm bớt gánh nặng lên vai hệ thống ngân hàng cũng như thị trường cổ phiếu, như xu hướng ở các nền kinh tế phát triển?
Ngân hàng giảm mạnh nắm giữ trái phiếu
Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tạo điều kiện để một số ngân hàng thương mại (NHTM) có thể mua lại trái phiếu riêng lẻ vốn trước kia họ đã thực hiện phân phối ra thị trường.
Tuy nhiên, chính bản thân các ngân hàng cũng giảm mạnh lượng nắm giữ TPDN nhằm giảm bớt rủi ro, thông qua đáo hạn và không/ít mua TPDN phát hành mới.
Theo số liệu thống kê của FiinRatings, tính đến thời điểm cuối quý II/2023, quy mô TPDN (không bao gồm các trái phiếu do ngân hàng phát hành) được nắm giữ bởi 31 NHTM đã giảm khoảng 33.000 tỷ đồng (gần 1,4 tỷ USD) so với thời điểm cuối năm 2022, xuống còn khoảng 203.000 tỷ đồng (8,5 tỷ USD).
Vào thời điểm giữa năm 2022, quy mô TPDN nắm giữ bởi NHTM đạt mức 281.000 tỷ đồng (11,8 tỷ USD). Như vậy, lượng TPDN được nắm giữ bởi các ngân hàng đã giảm khoảng 3,3 tỷ USD sau hơn một năm.
Về mặt tổng thể, theo ông Lê Hồng Khang - Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings thuộc Tập đoàn FiinGroup - quy mô đầu tư vào các sản phẩm TPDN của NHTM hiện khá khiêm tốn, chỉ tương đương khoảng 2,2% quy mô dư nợ cho vay của các NHTM. Do đó, tác động trực tiếp của trái phiếu sang chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng đang dần thấp đi.
Áp lực còn lớn
Mặc dù vậy, dưới góc độ đánh giá rủi ro tín dụng, chuyên gia từ FiinGroup cho rằng các điều kiện đi kèm phần nào hạn chế mức độ lan tỏa của Thông tư do quy định giới hạn DN có trái phiếu được mua lại phải ở mức xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất của TCTD, phần đông các doanh nghiệp với chất lượng trái phiếu thấp sẽ phải tự xoay sở trong tình thế hiện tại của thị trường.
Bên cạnh đó, với hiệu lực của Thông tư chỉ kéo dài đến hết năm nay, các TCTD sẽ tập trung giải quyết những lô trái phiếu đã và đang đáo hạn trước mắt nhằm giải tỏa áp lực nợ. Do vậy, đây chỉ là giải pháp tạm thời ít tạo ra thanh khoản thực cho thị trường TPDN.
Theo FiinGroup, với tỷ lệ khối lượng TPDN vi phạm nghĩa vụ trả nợ trên tổng khối lượng các TPDN đang lưu hành (không bao gồm trái phiếu do NHTM phát hành) là hơn 26% (theo số liệu thống kê của FiinRatings đến hết quý II/2023), tác động tiềm ẩn đến nợ xấu ngân hàng chắc chắn là có.
Lý do, theo ông Lê Hồng Khang là đa phần các doanh nghiệp đó cũng có vay tín dụng ngân hàng và những thách thức vẫn còn đó đối với những rủi ro lây chéo sang chất lượng tín dụng ngân hàng, cụ thể là gây áp lực lên tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này thì Nghị định 08 cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu cũng như Thông tư 02 cho phép cơ cấu lại nợ đã góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và ngân hàng xử lý vấn đề chậm thanh toán lãi và gốc trái phiếu.
Theo FiinGroup, áp lực trả nợ vay trái phiếu đến hạn từ nay đến cuối năm vẫn rất lớn đối với khối doanh nghiệp phi tài chính, trong đó có đến gần một nửa là các khoản trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS). Điều này diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 của khối doanh nghiệp phi tài chính vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ nét, ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn đầu ngành như Vinhomes.
Chất lượng lợi nhuận và khả năng thanh khoản vẫn tiếp tục suy yếu trong thời gian vừa qua. Do đó, FiinRatings đánh giá khả năng trả nợ của các tổ chức phát hành này trong nửa sau 2023 vẫn chưa thể cải thiện một cách tích cực do các thách thức về môi trường kinh doanh và điều kiện kinh doanh đang đặt ra các bài toán khó cho chủ doanh nghiệp, rủi ro gia tăng nợ xấu vẫn sẽ hiện hữu và có xu hướng gia tăng.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm những chuyển biến tích cực từ việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý của dự án BĐS giúp các đơn vị phát triển dự án BĐS có thể vay vốn trở lại, tạo cơ hội cho một số chủ đầu tư khôi phục trở lại mà chúng tôi kỳ vọng là “happy ending” trong bối cảnh lãi suất thấp hiện nay và cầu về nhà ở tại Việt Nam thì vẫn cao, nhất là phân khúc trung cấp trở xuống.
Dĩ nhiên, chúng ta cũng sẽ đối mặt một số trường hợp “hạ cánh mềm” tức là cần thêm thời gian để tiếp tục cấu trúc lại nợ kể cả sau khi đã được tái cấu trúc lại nợ hoặc bơm vốn thêm. Hoặc tình huống xấu hơn là nợ xấu có thể lớn hơn nếu dự án đó được bơm vốn nhưng vẫn không thể hồi phục và khi đó thì có thể xem là “hạ cánh cứng”.
Những kịch bản này ra sao sẽ tùy thuộc vào môi trường vĩ mô, các chính sách hỗ trợ pháp lý dự án và đặc biệt là việc phân loại và đánh giá các dự án trong quá trình tái cấu trúc nợ tín dụng của ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp”, ông Khang chia sẻ.
Triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2023
Ông Lê Hồng Khang - Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings thuộc Tập đoàn FiinGroup: Thị trường trong ngắn hạn vẫn có diễn biến ảm đạm bởi có một số giao dịch phát hành riêng lẻ nhưng vẫn là các giao dịch mang tính cấu trúc và rất chọn lọc và được mua bởi một số định chế tài chính trong nước bởi các doanh nghiệp và ngân hàng đang chủ yếu tập trung vào hoạt động tái cơ cấu nợ. Những giao dịch phát hành riêng lẻ mang đặc điểm không có tài sản đảm bảo hoặc phát hành rộng rãi ra công chúng như lô trái phiếu 10.000 tỷ của Vingroup vẫn cần thêm thời gian và thay đổi cần thiết để có thể diễn ra nhiều hơn.
Trong trung và dài hạn, chúng tôi vẫn tin tưởng kênh huy động vốn qua TPDN và thị trường này sẽ có dư địa để từng bước khôi phục bởi nhu cầu vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phát triển cơ sở nhà đầu tư ngoài ngân hàng thương mại.
Hiện chúng ta có phần tập trung nhiều vào phía cung trái phiếu trong khi đó khai thông cầu về trái phiếu còn có nhiều rào cản ví dụ hạn chế đầu tư trái phiếu phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ áp dụng cho các công ty bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Ngoài ra, khi môi trường lãi suất tiết kiệm tiếp tục hạ và nguồn cung hàng hóa trái phiếu trở lại với sự minh bạch được cải thiện thì cũng là chất xúc tác để người dân và doanh nghiệp có thể đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thông qua các quỹ đầu tư trái phiếu.
Với vai trò là trụ cột của thị trường vốn và là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế, triển vọng thị trường TPDN vẫn sẽ rất sáng, giúp giải quyết bài toán “khó” liên quan đến nhu cầu vốn dài hạn để đáp ứng cho quy hoạch phát triển các khu vực quan trọng của nền kinh tế như lĩnh vực năng lượng, hạ tầng và bất động sản.
Lấy ví dụ như đối với lĩnh vực năng lượng, theo đánh giá của FiinRatings trong báo cáo “nhu cầu vốn của lĩnh vực năng lượng tái tạo theo quy hoạch điện 8”, chúng tôi ước tính nhu cầu vốn đầu tư để đáp ứng quy hoạch tầm nhìn 2030 về phát triển hạ tầng năng lượng lên tới 135 tỷ USD. Con số này tương đương với xấp xỉ 33% GDP của Việt Nam trong năm 2022 và do đó không thể phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng với những hạn chế cố hữu như giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm, tỷ lệ cho vay vốn dài hạn trên tổng vốn huy động phải đảm bảo các ngưỡng quy định để đảm bảo an toàn vốn cho hệ thống ngân hàng.
Khi đó nếu giải quyết được các vấn đề hiện nay và làm tốt vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chính của nền kinh tế, thị trường TPDN không những sẽ sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng về quy mô mà còn cả về chiều sâu khi các hạ tầng quan trọng của thị trường được quan tâm phát triển.
- Cần làm gì để có một thị trường TPDN phát triển mạnh, đóng góp lớn cho tăng trưởng như các nền kinh tế lớn Mỹ, Nhật, Hàn?
Chúng ta đã thành công trong việc đưa thị trường thứ cấp tập trung vào hoạt động trên Sở Giao dịch Chứng hoán Hà Nội (HNX) nhưng nếu không tháo gỡ phía “cầu” của thị trường và các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng hàng hóa trái phiếu thì chúng ta sẽ mất nhiều năm hơn để thị trường có thể hồi phục.
Thứ nhất, chúng ta cần tiếp tục cải thiện chất lượng hàng hóa trên thị trường TPDN. Đầu tiên phải kể đến việc cần tăng cường hơn nữa sự minh bạch thông tin về tổ chức phát hành, về lô trái phiếu được đăng ký giao dịch.
Theo đó, không chỉ những thông tin kê khai theo yêu cầu của quy định hiện nay (tài liệu phương án phát hành, báo cáo tài chính bán niên, báo cáo mục đích sử dụng vốn, báo cáo tình hình thanh toán gốc và lãi trái phiếu, báo cáo tình hình thực hiện những cam kết với nhà đầu tư) mà còn cần áp dụng xếp hạng tín nhiệm, nhất là các trái phiếu được chào bán sơ cấp hoặc thứ cấp đến nhà đầu tư cá nhân. Trái phiếu bởi trái phiếu là sản phẩm đầu tư và có rủi ro cũng từ cao đến thấp nhưng khoản thu nhập lại cố định.
Cải thiện hàng hóa cũng bao gồm chất lượng tín dụng (có thể đo lường thông qua xếp hạng tín nhiệm) của tổ chức phát hành và của trái phiếu họ phát hành. Thực tế quy mô TPDN hiện khoảng 1,2 triệu tỷ VND, chiếm khoảng 12,6% GDP vào cuối 2022 nhưng hơn 70% là từ các doanh nghiệp chưa niêm yết và hầu hết có chất lượng tín dụng chưa rõ ràng. Lãi suất chào bán của các trái phiếu chưa có sự chênh lệch so với mức độ rủi ro được đo lường hoặc xác định.
Thứ hai, các biện pháp khai thông cầu cho thị trường này trong đó có việc sửa đổi các quy định hiện hành liên quan đến ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí… tham gia vào thị trường này. Ví dụ, các công ty bảo hiểm hiện không được tham gia đầu tư vào các trái phiếu được phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ.
Thực tế, chúng tôi xếp hạng tín nhiệm thì một số doanh nghiệp họ chủ động phát hành mới với mục đích tái cơ cấu nợ nhằm tối ưu về lãi suất do môi trường lãi suất đã thay đổi và tình hình kinh doanh của họ cải thiện để có lãi suất thấp hơn những lô trái phiếu trước kia chứ không phải do họ gặp khó khăn về tài chính nên phải tái cơ cấu nợ.
Điều này cũng tương tự như việc các ngân hàng thương mại gần đây phát hành trái phiếu mới nhưng cũng mua lại trái phiếu cũ. Hay như việc Chính phủ Việt Nam vẫn huy động trái phiếu để trả nợ cũ. Đó là thông lệ phổ biến trên thị trường vốn và tôi kỳ vọng những hạn chế đầu tư theo quy định thì nên dựa trên chất lượng tín dụng của doanh nghiệp hay của công cụ nợ đó thay vì các tiêu chí ít có khả năng phản ánh năng lực tín dụng của tổ chức phát hành.
Thứ ba, FiinRatings đánh giá, để thúc đẩy cầu cho các sản phẩm TPDN thì phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng đi kèm. Điều này bao gồm không chỉ áp dụng xếp hạng tín nhiệm độc mà cả việc hình thành các đơn vị cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu. Với việc thanh khoản hạn chế do nhiều trái phiếu có thể không có giao dịch thường xuyên thì sẽ khó có cơ sở để xác định giá trái phiếu do yếu tố quan trọng để định giá đó là tham chiếu về lãi suất.
Việc hình thành các đơn vị có chức năng và chuyên môn cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu cũng sẽ góp phần kích thích nhu cầu tham gia đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này.
Mặc dù sự tham gia của NĐT nước ngoài vào TPDN sẽ khó có thể cao được như thị trường cổ phiếu (30-40% vốn hóa) mà chỉ có thể mức xung quanh 5-10% giá trị trái phiếu lưu hành, chúng tôi vẫn đánh giá đây là lực đẩy quan trọng cho thị trường trong trung và dài hạn.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn trầm lắng, lượng và giá trị phát hành giảm mạnh. Tuy nhiên, có "sóng ngầm" với những thỏa thuận dồn dập trong cả năm qua.
Nhiều doanh nghiệp Việt chọn phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường quốc tế khi thị trường này trong nước gặp khó. Nhưng dường như, đây mới chỉ là sân chơi cho một vài "ông lớn" nội. Lãi suất cũng không hề thấp.
Số lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) 7 tháng năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã mua lại khối lượng lớn trái phiếu trước hạn.