Trong khi nhiều chuyên gia và cả những đề xuất từ các cơ quan chuyên môn cho rằng không nên tiếp tục xem DN là công cụ điều tiết vĩ mô. Tuy nhiên, trong Đề án Tái cấu trúc Doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Tài chính quan điểm này vẫn được tiếp tục nhấn mạnh. 

Trái chiều

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Đáng chú ý, Đề án tiếp tục nhấn nhấn mạnh: "Phải quán triệt chức năng của Nhà nước là điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua sử dụng các công cụ điều tiết, trong đó công cụ quan trọng là DNNN. Tái cấu trúc không phải là hạn chế, làm giảm vai trò của DNN mà phải làm cho DNNN mạnh hơn, thực sự trở thành nòng cốt của kinh tế nhà nước, góp phần để kinh tế Nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Việc đặt vấn đề như vậy trái chiều với hầu hết các ý kiến phản biện gần đây về DNNN. Đặc biệt hơn, quan điểm này còn mâu thuẫn với những khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về chương trình này.

Hôm 21/5, ngay tại buổi khai mạc kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội- cơ quan thẩm tra Đề án Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế do Bộ Kế hoạch đầu tư trình, đã ý kiến rất rõ ràng: "Đối với trọng tâm là táii cơ cấu DNNN, hầu hết các thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị không sử dụng DNNN là một công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn nền kinh tế mà DNNN có nhiệm vụ quan trọng là đi trước, mở đường ở những ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp thuộc thành phần khác không đủ năng lực, những ngành đòi hỏi về vốn và công nghệ, tạo nền tảng cơ bản cho những ngành sản xuất công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao".


Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh: "Ngoài ra, kiên quyết tách bạch nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận với các nhiệm vụ an sinh xã hội khác không vì mục tiêu lợi nhuận. Cần hạn chế tối đa trách nhiệm chính trị - xã hội đối với các DNNN, nhiệm vụ này do chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội thực hiện."

Trong 10 năm tới, cần phân vai lại theo hướng Chính phủ chỉ hoạch định và ban hành cơ chế, chính sách và chọn một số khâu đột phá trong đó sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước, chủ thể thực hiện không chỉ là DNNN mà các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác cùng tham gia.

Theo nhiều chuyên gia, với nguyên tắc cần áp đặt kỷ luật thị trường lên DNNN và nhóm DN này phải cạnh tranh bình đẳng với mọi thành phần kinh tế được nêu trong đề án thì càng không thể đặt DNNN tiếp tục là công cụ điều tiết vĩ mô như trước được. Vì như vậy, nhiệm vụ phải bình ổn, điều tiết vĩ mô nền kinh tế vô hình chung sẽ mang đến cho DNNN những đặc quyền, đặc lợi mà không DN nào khác có được, trong đó, có cả đặc quyền được thua lỗ, như xăng dầu, như điện... Điều này gây bất lợi về lâu dài cho nền kinh tế và công tác điều hành.

Tiên phong thay thế chủ đạo?

DNNN hiện sử dụng 70% tài sản, đất đai trong khu vực sản xuất kinh doanh. Sáu mươi bảy Tập đoàn, Tổng công ty sử dụng khoảng 15.500ha trên cả nước. Về nguồn vốn, DNNN được cấp tới 70% vốn ODA và 60% tín dụng nền kinh tế.

Dư nợ vay ngân hàng tính tới tháng 9/2011 chiếm 16,9% tổng dư nợ tín dụng, riêng 12 Tập đoàn kinh tế lớn có dư nợ chiếm tới 52,66% tổng dư nợ của DNNN. Hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp, thua lỗ nhiều. Đặc biệt, hàng loạt vụ sai phạm đã bị đưa ra ánh sáng như Vinashin, Vinalines, EVNTelecom...

Với thực tế này rõ ràng, DNNN đã chưa làm tốt vai trò chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Thậm chí, với những sai phạm lớn như ở Vinashin, Vinalines hay EVN thì hình ảnh về DNNN bị xấu đi trong mắt dư luận.


Chính vì vậy, với cách đặt vấn đề của của Bộ Tài chính là DNNN tiếp tục có vai trò "chủ đạo" và "công cụ điều tiết vĩ mô" chắc chắn sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tranh cãi.

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế (VEPR), Đại học Kinh tế Hà Nội cho rằng, vì hoạt động không có hiệu quả thì tái cấu trúc DNNN không nên coi DN này là công cụ điều tiết vĩ mô. Một sự thật là, khu vực DNNN lấn át các thành phần kinh tế khác và hiệu ứng đáng buồn là làm suy giảm hiệu quả của nền kinh tế, suy giảm năng suất toàn nền kinh tế. Quan điểm bấy lâu hy vọng DNNN là chỗ dựa để đảm bảo nguồn thu ngân sách cũng phải thay đổi.

Đánh giá về quan điểm này của Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Soạn, nguyên Tổng Cục trưởng Cục tài chính DN cũng thẳng thắn nói: "không làm rõ các khái niệm vai trò chủ đạo của nền kinh tế thì tái cơ cấu DNNN sẽ rât mơ hồ. Quan điểm này sẽ ảnh hưởng quyết định tới cách chúng ta bố trí, sắp xếp lại DN như thế nào".

"Có thể có nhiều cách hiểu khác nhau, chủ đạo là cái gì to, lớn, hay có nghĩa doanh thu của DN lúc nào cũng phải lớn, lao động lúc nào cũng chiếm số đông? Hay là nắm những gì then chốt để điều hành kinh tế với sự can thiệp của Nhà nước, nhưng như vậy có phù hợp với kinh tế thị trường không? Thực chất, nắm then chốt không phải có nghĩa cái gì cũng phải to, lớn, nhiều", ông Soạn băn khoăn.

Chính vì thế, khi tham khảo dự thảo đề án của Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia cảnh bảo, nếu còn kỳ vọng quá mức vào DNNN, đặt sai chức năng cho DNNN thì rồi sẽ phải chịu hậu quả như những gì trong quá khứ đã diễn ra. Đã nhiều lần, các Tập đoàn, Tổng công ty lên tiếng bao biện cho sự thua lỗ của mình là vì phải làm chức năng điều tiết vĩ mô. Điển hình nhất là ở ngành xăng dầu, ngành điện. Dù con số thua lỗ là thật thì những lời kêu than đó luôn khiến dư luận bức xúc vì bất minh, nhầm nhèm trong cách đánh giá về kết quả kinh doanh.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, nếu không giải quyết vấn đề quan điểm thì sẽ rất khó đạt hiệu quả. Trùng với khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Tuyển cũng cho rằng: "Khi DN tư nhân của ta còn nhỏ, năng lực công nghệ kém thì giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa đất nước, DNNN cần có vai trò tiên phong trong việc thực hiện chính sách công nghiệp. Chứ không phải, để cho nhiều ông có hàng ngàn tỷ nhưng lại đổ vốn vào chứng khoán, BĐS vừa thời gian qua".

Phạm Huyền