Mấy năm gần đây, ở các thành phố lớn, rộ lên phong trào ăn chay vào các ngày rằm, mồng một. Vì thế, các nhà hàng chay mọc lên ngày càng nhiều với hàng trăm món ăn hình thức bắt mắt mà người đời thường gọi là “món chay giả mặn”. Có điều, ít ai biết được rằng, chính cách ăn chay “nửa mùa” này tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe con người.
Đồ chay giả mặn làm bằng thịt động vật gây chấn động
Cách đây không lâu, hơn 2 triệu người ăn chay ở Đài Loan đã bị một cơn chấn động kinh hoàng khi báo chí công bố sự thật khủng khiếp về công nghệ chế biến đồ chay giả mặn. Cơn “đại địa chấn” ấy bắt đầu từ cái chết của một bà mẹ vốn là một phật tử. Khi gia đình đưa bà đến bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán bà bị triệu chứng của bệnh bò điên. Song gia đình không tin vào chẩn đoán ấy bởi bà là người ăn chay trường.
Đã hơn 30 năm rồi, bà không hề đụng đến một miếng thịt, cá. Cuối cùng, chính các con của bà đã khám phá ra một sự thật kinh hoàng: Nguyên nhân dẫn đến cái chết của mẹ mình chính là những đồ chay giả thịt lợn xay, bò xay mà bà đã dùng hàng ngày.
Từ cái chết gây chấn động ấy, báo chí đã vào cuộc điều tra và những việc ẩn khuất bên trong các nhà máy chế biến đồ chay giả mặn dần được tiết lộ. Sự thật cuối cùng được phơi bày: Các nhà máy đã đưa thịt cá động vật ôi thiu vào trong đồ chay giả mặn. Hơn 2 triệu tín đồ ăn chay Đài Loan choáng váng. Báo chí gọi đó là “những hành vi độc ác thật đáng ghê tởm” và chỉ ra hàng loạt các dạng thức chế biến những món ăn chay độc ác này.
Để chế biến món chao, bình thường, nếu làm theo phương pháp lên men cổ truyền thì phải mất nhiều tháng. Nhưng để làm cho nhanh, nhà sản xuất đã nhúng tào phớ vào acid cực mạnh rồi bỏ vào trong hũ, ngâm với nhũng vỏ tôm hư thối để những con giòi bọ trong đó bò quanh tào phớ. Một ngày sau, tào phớ đã thành chao. Sau đó, chao được lấy ra bán cho thực khách.
Một nam thanh niên từng làm cho một công ty sản xuất đồ chay giả thịt đã tìm đến tòa soạn báo Đài Bắc để tố cáo về những tội ác man rợ “giết người không dao” của công ty này. Anh cho biết, anh đã không thể chịu đựng nổi về cách làm đồ chay giả thịt ở đây vì nó quá ác độc. Những đồ chay giả thịt được tạo hình dạng giống như thịt động vật dùng ở các tiệm ăn ở Đài Loan đều có thành phần thịt động vật trong đó, đặc biệt là đồ chay giả thịt lợn xay.
Rất nhiều thịt lợn, thịt bò đóng hộp nhập cảng từ Mỹ, Nhật Bản hoặc Thái Lan, khi được chở đến Đài Loan, ngay lập tức các nhãn hiệu trên đồ hộp này đều được xé bỏ và thay bằng nhãn hiệu “Đồ chay giả thịt lợn xay”. Làm như vậy, giá hàng sẽ tăng vọt lên đến 100 đôla Hồng Kông cho mỗi cân Tàu (khoảng 300 gram). Ngoài ra, họ còn xào thịt lợn thật với thịt bò hoặc nước cốt thịt, tạo mùi thơm mạnh hơn để dễ bán hàng. Họ tin rằng với hương thơm mạnh và xu hướng thích ăn chay sẽ mang lại thêm nhiều thực khách.
Báo chí Đài Bắc giật tít: “70% các đồ chay giả thịt có chứa những sản phẩm động vật khiến cho người ăn chay phá giới! Quý vị ăn chay hãy coi chừng!” cùng những thông tin kinh hoàng: Có đến 15 mẫu trong tổng số 21 mẫu đồ chay giả thịt được Hội Bảo vệ người tiêu dùng lấy từ các khu chợ để xét nghiệm có chứa thành phần động vật.
Những sản phẩm này là thịt viên chay (meatballs), cá viên chay (imitation fish balls), bánh cá chay (imitation fish cake), hoành thánh cá chay (imitation fish dumplings) và tempuras chay... Tỉ lệ không đạt tiêu chuẩn lên đến 70%. Ăn những sản phẩm này làm cho những người ăn chay vô tình phá giới.
Quá kinh ngạc, Hội đã tích cực thử nghiệm thêm nhiều mẫu lấy từ các siêu thị và giật mình kinh hãi: Những mẫu vật này cũng được trộn với sản phẩm động vật. Cơ quan quản trị thực phẩm và thuốc men đã yêu cầu giữ những mẫu vật này để điều tra thêm và yêu cầu người tiêu dùng chỉ nên mua những thức ăn chay có đóng gói với nhãn hiệu đầy đủ rõ ràng cùng với thành phần sản phẩm được liệt kê đầy đủ công khai, tránh mua đồ chay giả thịt theo lố không có nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu không rõ ràng. Nếu đủ chứng cớ, nhũng công ty sản xuất đồ chay giả thịt độc ác này sẽ bị phạt đến 200 ngàn đô la và tước giấy phép hoạt động.
Cơ quan quản trị thực phẩm và thuốc men Đài Loan đã kiểm tra nhiều siêu thị và các ngôi chợ ở phía Nam và phía Đông thành phố. Họ lấy thêm 48 mẫu đồ chay, một số bán theo lố để ở ngoài và một số có đóng bao. Kết quả là hầu hết những bao có nhãn hiệu với thành phần rõ ràng, chi tiết, có thông tin đầy đủ về công ty sản xuất đều đạt tiêu chuẩn kiểm phẩm.
Song nhưng thực phẩm chay bán theo lố thì khác. 4 trong số 15 mẫu có chứa thịt heo và thịt gà. Tuy nhiên, Hội cũng cảnh báo rằng: Ngay cả những thực phẩm chay có đóng bao không hẳn là an toàn tuyệt đối. Bởi ngay cả những sản phẩm có nói rõ các thành phần bên trong hoặc có chi tiết về công ty sản xuất, một số bao bì này không phải là bao bì chính thức.
Những nguy cơ ẩn tàng trong các món chay... “nửa mùa” ở Việt Nam
Cơn “đại địa chấn” về đồ chay giả mặn ở Đài Loan, ngay lập tức, gây một chấn động không nhỏ đến cộng đồng ăn chay ở Việt Nam, nhất là đối với nhũng thực khách hay ăn uống ở các nhà hàng. Bởi khá nhiều nhà hàng chay ở Việt Nam đã nhập nhiều đồ chay giả mặn từ Đài Loan.
Chẳng ai biết thực sự những đồ ăn ấy có nằm trong danh mục những mặt hàng “gây tội ác” ở Đài Loan hay không. Song có một điều chắc chắn là, các món chay giả mặn chủ yếu phải sử dụng đến các chất phụ gia, phẩm màu... và chất bảo quản độc hại.
Thực phẩm chay bày bán ở chợ không rõ nguồn gốc được nhiều người ưa chuộng |
Chi cục An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh từng công bố một kết quả khiến những người ăn chay trường phải giật mình: Hàm lượng acid oxalic, chất gây sỏi thận có trong thực phẩm chay khá cao. Kết quả này được đưa ra sau khi Chi cục Vệ sinh thực phẩm kiểm tra 4 mẫu mì thường được dùng trong các mẫu đồ ăn chay như hủ tiếu khô, mì sợi khô, mì căn.
Khảo sát thị trường thực phẩm chay được bày bán tại một số chợ đầu mối ở TP.HCM như chợ Lớn (quận 6), chợ An Đông (quận 5), chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), phóng viên thấy, phần lớn các loại mì căn, hủ tiếu, đậu phụ... được sản xuất thủ công trong nước với giá bình dân, phần còn lại là các loại nhập khẩu. Trong đó, hàng nhập khẩu có giá bán khá cao làm giả theo các loại thức ăn mặn. Gần như có bao nhiêu món mặn ở ngoài đời là có bấy nhiêu món chay tương tự.
Ngoài ra, “góp mặt” vào thực đơn để đãi tiệc còn có nhiều thực phẩm chay như heo sữa quay, gà phát tài, chả lụa, chả quế, chả cá, nem chua... Hầu hết thực phẩm chay đóng gói sẵn có giá khá “mềm”, chỉ khoảng 13.000 - 32.000đ/gói (120 - 250g) và 62.000 - 110.000đ/kg. Chả lụa chay giá 100.000 đồng/kg, chả nấm 110.000 đồng/kg, chả bó sả 85.000 đồng/kg, chả quế, chả cốm 75.000 – 80.000 đồng/kg; ruốc thịt chay khoảng 170.000 đồng/kg. Điều đáng báo động là phần lớn các loại đồ chay đều thuộc diện: không nhãn mác, không hạn sử dụng và cơ sở sản xuất. Nếu có nhãn thì ghi chung chung.
Theo các chuyên gia, để tạo ra được hương vị, hình dáng giống như thức ăn mặn thông thường, nhà sản xuất buộc phải cho thêm chất hóa học để tạo màu, mùi, vị. Đặc biệt, phải có thêm chất định hình, để tạo hình cho giống các loại thịt, cá. Những chất này đang bị thả nổi trên, thị trường, phần lớn không nhãn mác, không hạn sử dụng, không đơn vị sản xuất và được giao bán với giá cả khá mềm.
TS Phan Thế Đồng - nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông - Lâm TP.HCM cho biết, acid oxalic kết hợp với sắt, canxi, natri, kali... trong cơ thể sẽ kích thích ruột và gan. Acid oxalic liên kết với canxi, do đó nếu sử dụng thực phẩm chứa acid oxalic trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu hụt chất khoáng, chất dinh dưỡng. “Người có các rối loạn liên quan tới thận, thấp khớp, bệnh gút... không nên dùng thực phẩm chứa acid oxalic. Người có tiền căn sỏi thận nếu dùng thức ăn chứa acid oxalic dễ có nguy cơ sỏi thận, làm nghẽn đường tiết niệu” - TS Đồng cảnh báo.
Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là lâu nay, nhiều người cho rằng, chỉ có chất bảo quản mới gây hại. Song đối với thực phẩm chay, trên thực tế, nhiều chất khác như tạo mùi, vị, định hình... còn độc hại hơn. Chính vì suy nghĩ, “đồ chay là sạch, vô hại” nên ít khi thấy cơ quan chức năng kiểm tra loại thực phẩm này.
Trong khi đó, trào lưu ăn chay đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Thiết nghĩ, để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, các cơ quan quản lý nên yêu cầu nhà sản xuất giải trình các chất sử dụng trong sản phẩm chay, tránh tình trạng gian lận, đánh lừa người tiêu dùng.
(Theo Tuổi trẻ & Đời sống)