Hiện nay, việc kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển giao thông được thực hiện theo hai bước. Lực lượng chức năng sử dụng máy kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở để tiến hành kiểm tra định tính. Người được kiểm tra thổi nhẹ vào thiết bị đo sẽ có kết quả dương tính hoặc không.

Nếu máy phát hiện có cồn, người này sẽ được tách ra riêng để kiểm tra định lượng, xác định mức nồng độ cồn trong khí thở. Cảnh sát giao thông căn cứ vào kết quả này để ra quyết định xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, trong tình huống tuần tra lưu động, hoặc khi phát hiện đối tượng nghi vấn sử dụng rượu bia, hoặc trong điều tra giải quyết tai nạn giao thông, cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra bằng chế độ đo định lượng. Trong một số trường hợp, cảnh sát sẽ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu, ví dụ với người như bị thương hay tai nạn...

Kiểm tra định tính (xác định có cồn hay không) và định lượng (xác định mức độ nồng độ cồn trong hơi thở). 

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Thị Ngọc Hoanh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (TP.HCM), đo nồng độ cồn trong máu được xem là phương pháp có tính chính xác hơn nhưng phải được thực hiện ở cơ sở y tế. 

Bác sĩ Hoanh cho hay chỉ định này được áp dụng chủ yếu ở các khoa Cấp cứu, trong đó bao gồm nạn nhân tai nạn giao thông (có hoặc không có cảnh sát giao thông đưa đến và yêu cầu thực hiện), bệnh nhân có biểu hiện không giữ được thăng bằng, phản xạ chậm, buồn nôn hoặc nôn ói nhiều, nói lắp, tri giác lơ mơ, co giật, thân nhiệt thấp, nghi ngờ ngộ độc rượu... 

Nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy máu tĩnh mạch của bệnh nhân, chuyển mẫu máu đến phòng xét nghiệm, chạy trên máy sinh hoá tự động và có kết quả sau khoảng 45 phút. Kết quả này sẽ giúp bác sĩ nhận định nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng và đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp.

Cùng quan điểm, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Kim Chi, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết đo nồng độ cồn trong máu và trong hơi thở là hai phương pháp thường được sử dụng để kiểm tra mức cồn của một người sau khi tiêu thụ rượu bia.

Tuy nhiên, nồng độ cồn trong máu có thể tăng hoặc giảm dựa trên quá trình trao đổi cồn trong cơ thể còn nồng độ cồn trong hơi thở thường phản ánh tình trạng tức thời, thay đổi nhanh chóng khi cồn được tiêu hóa và loại bỏ ra khỏi cơ thể.

Trong nhiều trường hợp, xác định nồng độ cồn trong hơi thở giúp kiểm tra sự tỉnh táo của người lái xe và sau đó sử dụng mức độ nồng độ cồn trong máu để xác định vi phạm. 

KHOA CAP CUU CHO RAY.jpeg
Phần lớn nạn nhân tai nạn giao thông có chỉ định kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Ảnh: BVCC.

Cũng theo bác sĩ Chi, đánh giá sự nguy hiểm của nồng độ cồn sẽ dựa vào Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/1/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, có quy định về định lượng ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu tại mục 60. Cụ thể:

- Trị số bình thường: <10.9 mmol/l.

- Mức 10,9-21,7 mmol/l sẽ có biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén.

- Mức từ 21,7 mmol/l sẽ biểu hiện ức chế thần kinh trung ương.

- Mức từ 86,8 mmol/l có thể gây nguy hại cho tính mạng.