Yên bình và mộc mạc như bao ấp khác ở vùng Tây Nam Bộ khác, thế nhưng Phước Khánh lại khiến không ít người phải ngạc nhiên với tên gọi “ấp sinh đôi”.

Chuyện “ấp sinh đôi” rộ lên từ đầu những năm 1980 và kéo dài đến tận hôm nay. Hiện cặp song sinh đầu tiên đã ngoài 80 tuổi, cặp nhỏ nhất mới hơn 2 tuổi. Đa phần các cặp sinh đôi đều do mang thai tự nhiên và cùng giới tính.

W-ap-sinh-doi-1.jpg
Đoạn đường chừng 700m thuộc ấp Phước Khánh có tới 17 cặp sinh đôi. Ảnh: T.T

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi ghé thăm nhà ông Bùi Văn Dẫn. Ông năm nay 65 tuổi, tóc đã bạc, nước da ngăm đen nhưng thân hình rắn chắc và rất niềm nở đón khách.

Ông Dẫn cho biết, từng chứng kiến nhiều cặp sinh đôi ở quê chào đời. Ban đầu, ông cứ ngỡ đó là chuyện của hàng xóm. Cho đến khi gia đình có cặp cháu gái sinh đôi, ông mới thật sự ngỡ ngàng.

W-sinh-doi-4-1.jpg
Ông Dẫn cho biết từng nhiều lần nhận nhầm giữa 2 cháu gái song sinh. Ảnh: T.T

Vợ chồng ông có 3 người con. Con trai út của ông sinh được 2 bé gái Bùi Thị Kim Ngân và Bùi Thị Kim Hà. Lúc các bé gần 1 tuổi, cha mẹ đều lên Bình Dương làm thuê, để lại con cho ông bà nội chăm sóc.

“Hai bé đều được sinh thường, cách nhau khoảng 15 phút. Đứa lớn 2,3kg; đứa nhỏ 2,2kg. Lúc 2 chị em chào đời, người ta kéo đến xem đông lắm vì bé Kim Ngân tay và chân đều đen, còn Kim Hà mỗi mặt đen mà còn đẻ trong bọc, một tuần sau mới mở mắt”, ông Dẫn cho hay.

W-sinh-doi-2.jpg
 Cặp song sinh Bùi Thị Kim Ngân (phải) và Bùi Thị Kim Hà. Ảnh: T.T

Theo ông Dẫn, 2 đứa trẻ có ngoại hình và tính cách khá tương đồng. Vì vậy, đôi khi 2 em gặp phải các tình huống nhầm lẫn dở khóc dở cười.

“Hai đứa nó học chung lớp trong 6 năm liền. Thầy cô giáo mỗi lần lên trả bài không biết đâu là chị, đâu là em. Ngay cả những người hàng xóm sát vách cũng phải gọi tên để phân biệt. Hay như chuyện một đứa nhận tiền mừng tuổi 2 lần”, ông kể.

W-ap-sinh-doi-1-1.jpg
Ông Dẫn liệt kê 17 cặp song sinh trong ấp. Ảnh: T.T

Ngồi tính nhẩm, rồi liệt kê ra giấy, ông Dẫn chia sẻ, đoạn đường chừng 700m từ cầu Đình Phước Hưng đến khu vực giáp ranh của ấp có tới 17 cặp sinh đôi.

Đặc biệt, có gia đình 2 thế hệ có con sinh đôi. Ông nội là một trong những cặp sinh đôi đầu tiên trong ấp, rồi cháu lớn lên lấy vợ lại tiếp tục sinh đôi. Đó là trường hợp của gia đình anh Phạm Văn Ngoi (44 tuổi).

Từng có ý định bỏ thai vì “vỡ kế hoạch”

Anh Ngoi cùng chị Nguyễn Thị Giao (40 tuổi) kết hôn năm 2007 và có 3 người con. Nhà đông miệng ăn, anh chị nhận thêm ruộng, trồng thêm bắp, cố gắng chắt chiu lo cho các con ăn học.

Giữa năm 2021, chị Giao thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ. Xuất hiện “dấu hiệu lạ”, chị lại thấp thỏm, trong lòng như có lửa đốt, vội xuống phòng khám ở trung tâm huyện kiểm tra.

W-sinh-doi-1-1.jpg
Chị Giao cùng cặp song sinh Phạm Nguyễn Nhật Phúc (phải) và Phạm Nguyễn Phúc Hậu. Ảnh: T.T

“Đang mùa dịch Covid-19 nên chỉ có mình tôi đi. Nghe bác sĩ bảo mang thai, tôi như chết lặng. Con đông, tôi từng nghĩ tới chuyện bỏ cái thai.

Gia đình nội ngoại động viên, an ủi giúp bản thân nhẹ lòng hơn, vợ chồng tôi quyết định giữ lại máu mủ. Thật bất ngờ, tới tháng thứ 3 kiểm tra lần nữa tôi mới biết mình mang thai đôi”, chị Giao tâm sự.

Sau thời gian mang thai vất vả, ngày 7/3/2022, chị sinh hạ 2 bé trai bụ bẫm, đáng yêu. Đây cũng là cặp sinh đôi nhỏ tuổi nhất trong ấp. Hai cháu giống nhau như đúc nên người trong nhà đôi khi còn khó phân biệt nếu nhìn lướt qua.

W-sinh-doi-3-1.jpg
Anh Ngoi là một trong những ông bố có con sinh đôi trong ấp. Ảnh: T.T

“Những ấp lân cận không có hiện tượng sinh đôi nhiều như ở đây. Chúng tôi cũng không dám khẳng định nguyên nhân gì dẫn tới hiện tượng lạ như vậy. Còn chuyện ăn uống, sinh hoạt, mọi việc vẫn bình thường như bao nơi khác”, anh Ngoi bày tỏ.

Đến nay, người dân "ấp sinh đôi" vẫn chưa xác định được vì sao nơi đây lại có nhiều cặp song sinh đến vậy. Tuy nhiên, nhiều gia đình cũng cho điều đó là may mắn. Và 17 cặp sinh đôi đến nay vẫn chưa là con số cuối cùng.