Đó là một trong những kết quả nổi bật qua giám sát của MTTQ Việt Nam từ sau kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vừa được Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu ký ban hành.
Bổ nhiệm lại còn nhiều vi phạm
Kết quả giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ năm 2021 cho thấy, việc tuyển dụng cơ bản đúng quy trình theo quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. Kế hoạch tuyển dụng được niêm yết công khai, thông tin tuyển dụng được công khai, minh bạch, việc thực hiện quá trình tuyển dụng thể hiện sự nghiêm túc, khách quan, đúng quy trình, quy định.
Theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2020 số công chức được tuyển dụng là 5.585 người, trong đó các đơn vị cấp tỉnh tuyển dụng 3.559 người (thông qua thi tuyển là 2.450 người, thông qua xét tuyển là 641 người, hình thức khác là 468 người). Các đơn vị cấp huyện tuyển dụng 2.026 người (thông qua thi tuyển là 1.213 người, thông qua xét tuyển là 813 người).
Tổng số công chức cấp xã được tuyển dụng là 694 người (thông qua thi tuyển là 298 người, thông qua xét tuyển là 396 người). Số viên chức cấp tỉnh, huyện được tuyển dụng là 56.425 người.
Việc thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ đã được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ, đội ngũ cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Theo báo cáo của các địa phương năm 2020, ở các cơ quan cấp tỉnh bổ nhiệm các chức danh quản lý 4.688 người; trong đó bổ nhiệm là 3.186 người, bổ nhiệm lại là 1.502. Các cơ quan cấp huyện bổ nhiệm các chức danh quản lý là 13.678 người; trong đó bổ nhiệm mới 7.330 người, bổ nhiệm lại là 6.348 người; Các cơ quan cấp xã bổ nhiệm 6.797 người.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về thời hạn ban hành quyết định bổ nhiệm lại còn xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ở cấp tỉnh, với tỷ lệ tương đối cao (437/1.502 trường hợp, chiếm tỷ lệ 29,23%). Trong đó, có 21 tỉnh, thành có tỷ lệ vi phạm loại này chiếm từ 50% trở lên, cá biệt có địa phương 100% các trường hợp bổ nhiệm lại đều ban hành quyết định quá thời hạn.
Có nhiều trường hợp ban hành quyết định bổ nhiệm lại quá hạn nhiều tháng, thậm chí có một số trường hợp quá hạn nhiều năm.
“Việc này đã gây ra hệ quả pháp lý là các văn bản hành chính, hành vi hành chính của người được bổ nhiệm lại trong thời gian từ khi hết hiệu lực quyết định bổ nhiệm đến khi ban hành quyết định bổ nhiệm lại sẽ không có giá trị pháp lý theo quy định”, MTTQ Việt Nam cảnh báo.
Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, việc làm và kê khai, công khai tài sản quy định về phòng chống tham nhũng đã được triển khai nhưng chưa triệt để.
Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, cấp tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 4.942 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức; cấp huyện đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 3.362/3956 trường hợp trong diện chuyển đổi (đạt 84,9%), còn 594 trường hợp chưa chuyển đổi (chiếm 15,1%).
Rà soát, khắc phục vi phạm quy trình bổ nhiệm lại trong phạm vi toàn quốc
Trong quá trình giám sát phát hiện trường hợp có dấu hiệu vi phạm điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kịp thời ban hành công văn đề nghị cấp ủy địa phương rà soát để xử lý đúng quy định.
Cụ thể, Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị tỉnh ủy Lào Cai báo cáo cụ thể về thực hiện quy trình, điều kiện bổ nhiệm cán bộ đối với ông Đàm Quang Vinh. Ngày 7/12/2021, tỉnh ủy Lào Cai đã có báo cáo về thực hiện quy trình, điều kiện bổ nhiệm và đề nghị Ban Bí Thư thi hành kỷ luật đối với ông Đàm Quang Vinh.
Ngày 25/11/2021, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 4135 kỷ luật công chức với hình thức buộc thôi việc đối với ông Đàm Quang Vinh, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai do đã sử dụng bằng tốt nghiệp PTTH không hợp pháp.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát đã giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện rà soát công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, thực hiện nghiêm túc hơn các quy định, quy trình về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ và đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên các cấp, đổi mới nhận xét đảng viên ở nơi cư trú.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, khắc phục những trường hợp vi phạm quy trình bổ nhiệm lại trong phạm vi toàn quốc do ban hành quyết định bổ nhiệm lại quá thời hạn để hạn chế thấp nhất những hệ lụy pháp lý do tồn tại này gây ra.
Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ sớm quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.
Chính phủ sớm ban hành Quy định khung về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, chi cục, cấp phòng thuộc sở, cấp phòng thuộc chi cục thuộc sở và cấp phòng thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện…
MTTQ Việt Nam cũng đề nghị Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo rà soát, khắc phục những trường hợp vi phạm quy trình bổ nhiệm lại ở địa phương do ban hành quyết định bổ nhiệm lại quá thời hạn để hạn chế thấp nhất những hệ lụy pháp lý do tồn tại này gây ra…
Thu Hằng
Gần 30% cán bộ quản lý cấp tỉnh bổ nhiệm lại vi phạm về thời hạn
Tình trạng vi phạm về thời hạn bổ nhiệm lại các chức danh quản lý còn xảy ra phổ biến ở cấp tỉnh với tỷ lệ tương đối cao (437/1.502 trường hợp chiếm tỷ lệ 29,23%).
Vi phạm công tác cán bộ, nguyên Trưởng Ban tổ chức huyện bị cảnh cáo
Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk cảnh cáo ông Bàn Tuấn Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ea H’leo.
Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám đổi mới là đột phá trong công tác cán bộ
Phải có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích và bảo vệ những cán bộ dám đổi mới với động cơ trong sáng. Tránh tình trạng bảo gì làm đó, ít va chạm, vô thưởng, vô phạt.