Bị Thái Lan bỏ xa
Tròn 1 tuần kể từ lễ khai mạc Asiad 19, đoàn TTVN mới giành 1 HCV, 2 HCB, 12 HCĐ tạm thời xếp thứ 15 ở Asiad 19. Chúng ta vẫn còn một vài niềm hy vọng HCV ở cầu mây, xe đạp hay cờ tướng, và việc hoàn thành chỉ tiêu giành 2-5 HCV là khả thi.
Tuy nhiên, rõ ràng đây là kỳ Asiad không thành công của TTVN. Tham dự sân chơi châu lục với tâm thế của quốc gia số 1 khu vực Đông Nam Á (xếp nhất SEA Games), nhưng Việt Nam đang bị Thái Lan, Indonesia, Malaysia... bỏ xa trên BXH huy chương.
Tính đến hết ngày 29/9, đoàn thể thao Thái Lan giành 8 HCV, 3 HCB, 9 HCĐ, tạm thời xếp thứ 5 Asiad 19. Đoàn Indonesia có 3 HCV, 3 HCB, 10 HCĐ, xếp thứ 12 châu Á. Các quốc gia như Singapore hay Malaysia cũng đều có 2 HCV.
Không chỉ giành được số HCV gấp 8 lần Việt Nam, những tấm huy chương của Thái Lan cũng rất chất lượng, ở các môn taekwondo, đua thuyền, cầu mây…
Thành tích của Thái Lan chắc chắn còn cao hơn nữa khi quốc gia này vẫn còn nhiều thế mạnh tranh tài trong những ngày sắp tới. Việc đuổi kịp Thái Lan về số lượng HCV của đoàn TTVN là không thể, và chúng ta phải chấp nhận một nghịch lý: Nhất SEA Games nhưng bị các quốc gia khu vực bỏ xa ở đấu trường Asiad.
Yếu kém vì thiếu kinh phí?
Mỗi năm, ngành thể thao nhận 800-900 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với việc phải đầu tư cho quá nhiều môn không nằm trong hệ thống thi đấu của Asiad hay Olympic nhằm cạnh tranh huy chương SEA Games, là một trong những lý do khiến TTVN gặp khó khi ra sân chơi châu lục và ngày càng bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Với ngân sách hạn chế nhưng lại phải chi trả cho hàng nghìn VĐV ăn tập, tập huấn nước ngoài, thuê chuyên gia ngoại, thuốc bổ, chữa trị chấn thương... ngành thể thao phải giật gấu vá vai mới đáp ứng được một phần nào cho các HLV, VĐV.
Từ khó khăn lớn nhất là kinh phí, chúng ta khó có thể đòi hỏi về mặt thành tích với TTVN, nhưng không phải vì thế mà ngành thể thao cứ mãi loay hoay như hiện tại.
Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Singapore đã từ lâu không còn mặn mà với đấu trường SEA Games để đầu tư trọng điểm cho các môn Asiad và Olympic. Thực tế cho thấy, những tấm HCV mà các quốc gia này giành được ở Hàng Châu đa số đều nằm trong kế hoạch, có nghĩa là hướng đi rất đúng và hiệu quả.
Đặc biệt, chiến lược phát triển thể thao học đường, xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa thể thao... được các quốc gia trong khu vực chú trọng, từ đó không còn lệ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước. Đây là những cách làm chẳng mới mẻ gì, nhưng với TTVN lại rất khó để làm tốt.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao (Tổng cục TDTT), thẳng thắn cho rằng TTVN không cần quan tâm tới thứ hạng ở SEA Games mà tập trung đầu tư cho VĐV trọng điểm, phải chấp nhận có thể ít HCV ở SEA Games để sớm cải thiện thành tích ở Asiad, Olympic.
"Không phải bây giờ mà từ sau SEA Games 2003 rất thành công trên sân nhà, tôi đã đề nghị ngành thể thao phải tập trung phát triển những môn thể thao trong chương trình Olympic. Nếu còn tiếp tục do dự trong quan điểm phát triển hoặc lấn cấn các chỉ tiêu SEA Games thì TTVN sẽ chậm phát triển”, ông Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.