Cung ứng hàng thiết yếu cho người dân ở các khu vực cách ly

Trong kế hoạch “Bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp bưu chính lớn tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội”, Bộ TT&TT đã xác định rõ bằng nhiều giải pháp các doanh nghiệp phải đảm bảo vận chuyển, cung ứng hàng thiết yếu cho người dân tại những địa phương có dịch.

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 6/8 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn một lần nữa lưu ý: 1 trong 3 việc lớn của đất nước mà Bộ đang thực hiện là chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, trong đó có Vietnam Post đảm trách việc cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh, thành đang giãn cách, đồng thời đảm đương một nhiệm vụ mới là tiêu thụ nông sản đến vụ thu hoạch với sản lượng lớn tại các địa phương.

“Vietnam Post phải duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu trên toàn quốc, không được phép làm cho chuỗi cung ứng này bị đứt gãy. Đây là thời điểm thể hiện rõ vai trò chủ đạo, vị trí không thay thế được của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực logistics và bưu chính chuyển phát”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

{keywords}
Tính đến hết ngày 8/8, các doanh nghiệp bưu chính đã thiết lập 3.960 điểm cung cấp hàng thiết yếu trên cả nước.

Thời gian qua, các doanh nghiệp bưu chính, nhất là 2 doanh nghiệp lớn Vietnam Post, Viettel Post đã vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt để bố trí các điểm tập kết, điểm trung chuyển hàng cũng như thiết lập cả kênh cung cấp hàng thiết yếu trực tiếp qua các điểm bán cố định, lưu động và kênh trực tuyến qua sàn thương mại điện tử.

Tính đến hết ngày 8/8, các doanh nghiệp bưu chính đã thiết lập 3.960 điểm cung cấp hàng thiết yếu trên cả nước. Tổng khối lượng hàng hóa thiết yếu được cung cấp đến nay là 16.159 tấn, với tổng giá trị 492,46 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn vận chuyển theo chỉ đạo của chính quyền các địa phương 4.049 tấn hàng hóa thiết yếu.

Đặc biệt, ở các địa phương vùng dịch, tại những địa bàn cách ly, hạn chế đi lại cũng có sự tham gia cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu của đội ngũ bưu chính. Điều này phần nào giúp hàng trăm ngàn hộ gia đình an tâm chống dịch. Người dân các tỉnh đang giãn cách không phải quá lo lắng bị thiếu thực phẩm, hàng hóa hay gặp khó khăn khi mua hàng. Thậm chí, ngay cả trong khu vực cách ly, người dân vẫn được cung cấp trứng, thịt, rau xanh.

Điển hình như, qua các “Tổ Covid cộng đồng”, Bưu điện Đà Nẵng thường xuyên cung cấp các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là rau, thịt, trứng… đến người dân tại những khu cách ly của quận Sơn Trà.  Đơn vị này đã tổ chức bán hàng không lợi nhuận. Toàn bộ số hàng được lấy từ các nhà cung cấp, hộ sản xuất nông nghiệp uy tín, đảm bảo chất lượng.

Với 3 phương thức cung ứng hàng hóa linh động, tạo thuận tiện tối đa cho người dân như: mua trực tiếp tại các bưu cục, qua sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ Sò và đặt hàng qua đường dây nóng, 2 doanh nghiệp bưu chính lớn đã cung cấp tận tay người dân hơn 12.000 tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm.

Những ngày gần đây, hàng chục chợ đầu mối và dân sinh cùng nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải tạm dừng hoạt động khiến chuỗi cung ứng thực phẩm của Hà Nội bị ảnh hưởng, việc cung cấp thực phẩm khó khăn hơn trước. Nhờ chủ động xây dựng phương án từ trước, 2 đơn vị lớn nhất ngành bưu chính Việt Nam đã bổ sung thêm nhiều hàng hóa tại các điểm phục vụ góp phần đảm bảo mục tiêu không để người dân thiếu hàng. 

Tiếp tục đẩy mạnh kênh bán thực phẩm, nhu yếu phẩm trực tuyến

Đáng chú ý, hai đơn vị cũng lên kế hoạch triển khai các điểm bán thực phẩm, hàng hóa nhu yếu phẩm ngoài trời thuộc khu vực “vùng xanh” để tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn.

Nhằm hạn chế tối đa người dân phải đi ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người, 2 doanh nghiệp cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc cung ứng hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò.

Thống kê sơ bộ, đang có khoảng 5.000 mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá được cung ứng cho người dân các địa phương thực hiện giãn cách trên sàn Postmart và Vỏ Sò, với các chính sách hỗ trợ giá, thời gian vận chuyển nhanh. Hiện nay, mỗi ngày kênh mua hàng này đều thu hút hàng nghìn người dân đặt mua hàng. 

Theo đại diện Vietnam Post, sắp tới sàn Postmart sẽ triển khai tiếp hàng loạt giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu như tăng số mặt hàng, tăng số hàng hóa lưu trữ ở điểm bán đảm bảo thực hiện 2 chức năng: vừa là nơi đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trực tiếp, vừa là kho hàng phục vụ nhu cầu online.

Cùng với đó, sẽ thiết kế các gói sản phẩm với mức giá trung bình từ 500.000 đồng, trợ giá và áp dụng chính sách vận chuyển linh hoạt nhằm khuyến khích người dân đặt mua qua sàn, giảm tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch.

Ngoài ra, từ kinh nghiệm triển khai việc “đi chợ” thay người dân ở các tỉnh phía Nam, Vietnam Post đang thí điểm mô hình rau quả tươi phục vụ người dân Hà Nội khi thành phố quyết định áp dụng kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16.

{keywords}
Hình thức “đi chợ hộ” bằng cách bán sản phẩm theo combo trên sàn Vỏ Sò để tiết kiệm thời gian cho người mua hàng sẽ tiếp tục được áp dụng.

Với Viettel Post, để đáp ứng nhu cầu của người dân, đơn vị dự kiến sẽ tiếp tục áp dụng hình thức “đi chợ hộ” bằng cách bán sản phẩm theo combo trên sàn Vỏ Sò để tiết kiệm thời gian cho người mua hàng.

Doanh nghiệp này cũng mở rộng cơ hội hợp tác với các siêu thị và cửa hàng thực phẩm để đưa thêm nhiều sản phẩm đa dạng lên sàn Vỏ Sò, giúp người dùng có thêm nhiều sự lựa chọn. Hiện nguồn lực của đơn vị có thể đáp ứng vận chuyển mỗi ngày 300 tấn hàng hóa trên toàn quốc.

Với năng lực mạng lưới và sự chuẩn bị kỹ càng, 2 doanh nghiệp đều khẳng định sẽ đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm hàng thiết yếu, bình ổn giá của người dân nếu dịch bệnh vẫn kéo dài. 

Vân Anh

Doanh nghiệp bưu chính bổ sung nguồn hàng thiết yếu phục vụ các tỉnh kéo dài giãn cách

Doanh nghiệp bưu chính bổ sung nguồn hàng thiết yếu phục vụ các tỉnh kéo dài giãn cách

Trong bối cảnh TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam tiếp tục giãn cách thêm 14 ngày, 2 doanh nghiệp bưu chính lớn đều có phương án để đảm bảo nguồn thực phẩm, hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân các địa phương.