Tạo "cú huých” cho cộng đồng AI nhưng ChatGPT vẫn có yếu điểm
Theo kết quả khảo sát Sở TT&TT TP. HCM được công bố gần đây, khoảng 48% (trong số 1.000 DN tham gia khảo sát) đã ứng dụng ChatGPT vào công việc, khoảng 25% khẳng định ChatGPT đang hoặc đã thay thế nhân công ở một số vị trí nhất định, giúp tiết kiệm hàng trăm nghìn USD.
Theo ông Đinh Trần Tuấn Linh, Giám đốc công nghệ Unikon.vn - đơn vị sản xuất nội dung bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data), không phải nhờ ChatGPT mà mọi người mới nhắc nhiều về câu chuyện AI mà cách đây 4 năm, xu hướng AI đã được diễn ra và các DN bắt đầu nghiên cứu về công nghệ này. Dù đã phát triển hàng chục năm nhưng AI chủ yếu phục vụ cho dân công nghệ, những người làm nghiên cứu. Song nhờ “cú huých” từ ChatGPT, AI đã có giao diện dành cho người dùng cuối. Lần đầu tiên, những người không rành về công nghệ đã có thể tiếp cận, biết được “hình thù” AI và xem nó làm được hay không làm được gì.
“Điều này khiến cho khả năng ra thị trường của các sản phẩm AI cao hơn và những nền tảng khác sẽ nhìn ChatGPT như một tiêu chuẩn mới khi đưa ra thị trường”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Hơn thế nữa, nhiều ý kiến cho rằng, ChatGPT có thể khơi mào cuộc chiến về ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn trên thế giới. Các chatbot trước thời ChatGPT ở Việt Nam mặc dù đã được ứng dụng rất nhiều để trả lời tự động trên fanpage, website nhưng chưa tạo được dấu ấn vì các kết quả trả lời thường theo những kịch bản có sẵn nên nội dung bị giới hạn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, cộng với mức độ tự nhiên, thân thiện của câu trả lời chưa cao nên đôi khi còn khiến người dùng ức chế…
Do đó, sự ra đời của ChatGPT sẽ khiến các tổ chức lớn sẽ phải nhìn nhận, đánh giá lại việc phát triển, công bố chatbot của họ.
Tuy nhiên, ChatGPT không phải không có những yếu điểm. Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC) Nguyễn Mạnh Quý cho biết, ChatGPT được huấn luyện từ rất nhiều nguồn dữ liệu bao gồm những dữ liệu được xác thực như sách, báo, trang tin nguồn tin được kiểm chứng nhưng cũng có cả các nguồn chưa được kiểm chứng như mạng xã hội, Internet; thậm chí cập nhật dữ liệu từ những đoạn hội thoại với người dùng. Quá trình sinh nội dung của ChatGPT có thể có sai sót, vì 2 lý do trên nên cần cẩn trọng khi sử dụng các nội dung trả lời từ ChatGPT.
Ngoài ra, do mô hình ngôn ngữ của ChatGPT với tiếng Việt hiện tại dữ liệu chưa được cập nhật đầy đủ như tiếng Anh.
Cùng quan điểm, chuyên gia FPT Smart Cloud cũng cho rằng, nhược điểm của ChatGPT là thông tin cung cấp có thể không chính xác, yếu trong thực thi lập luận logic, khó tích hợp nghiệp vụ, không triển khai on-premise (hỗ trợ lưu trữ dữ liệu tại chỗ, vì hạ tầng cực lớn nên chủ yếu dùng Cloud), và có thể không đáp ứng bảo mật thông tin và quyền riêng tư.
Chưa kể, ChatGPT được đánh giá là tốc độ xử lý chậm và chi phí cao hơn nhiều so với các dịch vụ AI chatbot đã sẵn có hiện nay.
Những phản ứng từ phía DN Việt trước ChatGPT
Nói về điểm khác biệt của giải pháp chatbot của mình, đại diện VTCC khẳng định, dù chưa thể trả lời được những câu hỏi “hỏi xoáy đáp xoay” của khách hàng nhưng chatbot đã được chuyên môn hóa, giải đáp một cách chính xác thông tin của người hỏi trong một số lĩnh vực cụ thể như tư pháp, chăm sóc khách hàng, tài chính… Do hướng tới tập khách hàng DN, nên trợ lý ảo của Viettel không thể đưa ra các câu trả lời trung lập như ChatGPT, mà phải tư vấn được các thông tin rất chính xác, tường minh cho khách hàng.
Còn theo FPT Smart Cloud, việc phát triển AI ở FPT diễn ra rất sớm. Từ năm 2013, FPT đã bắt đầu nghiên cứu và xây dựng giải pháp liên quan đến ngôn ngữ và đến năm 2017 thì bắt đầu tạo ra các ứng dụng nhằm đưa AI vào cuộc sống. Trong đó, điểm khác biệt của các sản phẩm FPT AI so với ChatGPT là sự chính xác - đến từ yêu cầu khác nhau của DN và công chúng đại trà.
Với lợi thế từ kho dữ liệu hàng chục năm trải rộng khắp các lĩnh vực, ngành nghề, chủ tịch FPT Trương Gia Bình chỉ ra một số hướng đi về AI tại FPT để có thể tạo đột phá cho cả thế giới lập trình. “Chúng ta có thể không đi về mặt khả năng công nghệ mà bằng những bài toán lớn của Việt Nam và thế giới, và tôi tin chắc bài toán lớn phải mang ý nghĩa lớn”, ông Bình khẳng định.
Còn với VNG hay Vingroup, hai đơn vị này trong thời gian qua chủ yếu tập trung giới thiệu các giải pháp liên quan đến trợ lý ảo tiếng Việt thay vì hướng đến những nền tảng cạnh tranh với ChatGPT.
Xung quanh “hiện tượng” ChatGPT, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng từng đưa ra nhiều thảo luận, trong đó có phát hiện “cha đẻ” của thuật toán được dùng để phát triển ChatGPT là một người Việt Nam. Ông Quảng cũng đưa ra khuyến nghị việc nâng cấp giải pháp AI chatbot với dữ liệu được sử dụng để đào tạo là của Việt Nam với tri thức về lịch sử, văn hóa của người Việt, do người Việt Nam làm chủ công nghệ.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, ngoài tuyên bố DN đã thử nghiệm thành công chặn spam tin nhắn, email bằng mô hình AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên, sử dụng công nghệ GPT, vị CEO này chưa có thêm cập nhật gì mới về một sản phẩm mới của BKAV mang hình thù như ChatGPT cho người Việt.
Ông Nguyễn Vũ Anh - CEO Cốc Cốc - công ty phát triển trình duyệt và công cụ tìm kiếm make in Việt Nam khẳng định Cốc Cốc sẽ không nằm ngoài cuộc chơi AI. CEO Nguyễn Vũ Anh từng chia sẻ Cốc Cốc đang làm việc để tạo ra một công cụ ChatGPT được “huấn luyện” đặc biệt để xử lý ngôn ngữ tiếng Việt, và dự kiến sẽ ra mắt trong Quý 2/2023. Song hình dáng của công cụ này vẫn đang là ẩn số với người dùng.
Ngược lại, kể từ khi ChatGPT được giới thiệu, các startup Việt lại đang rất tích cực ra mắt những nền tảng chatbot tương tự. Tiêu biểu có thể kể đến như LovinBot, VoiceGPT…
Như vậy, có thể thấy, các DN công nghệ lớn ở Việt Nam, những đơn vị đang nắm rất nhiều dữ liệu người dùng, điều kiện tiên quyết để có thể phát triển những công nghệ mới như AI, đang chưa có nhiều động thái để ra mắt hoặc giới thiệu những sản phẩm chatbot tương tự như ChatGPT. Thay vào đó các đơn vị này đều đang hướng đến việc sẽ làm “thông minh hoá” những giải pháp AI sẵn có hiện nay của mình.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những gã khổng lồ công nghệ trên thế giới như Microsoft (đã tích hợp ChatGPT trên công cụ tìm kiếm Bing), Google với Google Bard AI, Facebook cũng đã giới thiệu LLaMA giúp có thể tạo ra những chatbot siêu AI trong tương lai… Hay thậm chí Got It - startup Việt ở Silicon Valley mới đây cũng đã giới thiệu Kiến trúc mô hình ngôn ngữ dành cho DN (ELMAR).
Trong các luồng thảo luận liên quan, đã xuất hiện nhiều ý kiến đã lo lắng về việc các DN Việt sẽ tiếp tục chậm chân trên sân nhà trong cuộc đua AI, điều đã từng xảy ra với công cụ tìm kiếm, mạng xã hội.
(Theo ictvietnam)