Những bước đi này thể hiện tích cực mối quan hệ hợp tác- đối tác truyền thống giữa hai nước Việt Nam- Nhật Bản.
Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 11/2021 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại Tuyên bố chung của hai Thủ tướng, hai bên đã thống nhất cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực công nghiệp nhằm góp phần phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Tiếp đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam tháng 5/2022, phát biểu tại “Hội thảo hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng” (Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam và Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức ngày 01/5/2022 tại Hà Nội), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đánh giá, khả năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam là không có giới hạn. Ông khẳng định Nhật Bản và Việt Nam đã và đang tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa hướng tới giai đoạn hậu Covid-19.
Thủ tướng Kishida Fumio cho rằng: “Trước hết, để doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ổn định tại Việt Nam thì công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam là yếu tố then chốt. Tiếp theo, Nhật Bản và Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục hợp tác giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội trên nhiều lĩnh vực thông qua chuyển đổi số. Và thứ ba là đa dạng hóa chuỗi cung ứng”.
Nắm bắt những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về sự hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong chiến lược phát triển công nghiệp hai nước, các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội DN ngành CNHT Thủ đô Hà Nội (HANSIBA) đã chủ động tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư với các DN đến từ Nhật Bản tại khu công nghiệp Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (KCN HANSSIP) do Công ty N&G (thành viên Tập đoàn N&G Group) đơn vị đồng sáng lập Hiệp hội HANSIBA.
Điển hình là việc ngay sau khi Việt Nam gỡ bỏ quy định về giãn cách xã hội, mở cửa quốc tế sau đại dịch Covid-19 được kiểm soát đầu năm 2022, công ty Onaga của Nhật Bản đã tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng chuỗi nhà xưởng sản xuất linh kiện máy bay - hàng không - tàu shinkansen - ô tô - tàu biển - nông ngư nghiệp - robot tự động hoá … tại KCN HANSSIP. Đây là doanh nghiệp có tuổi đời trên 50 năm tại Nhật Bản, là nhà sản xuất cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các tập đoàn như Boeing, AirBus … đồng thời là đại diện nhóm các doanh nghiệp vùng Kobe - Nhật Bản.
Hiệp hội HANSIBA cùng Tập đoàn N&G và Hiệp hội các nhà sản xuất Kobe Nhật Bản cũng đã thành lập Công ty Tư vấn-Đầu tư-Phát triển CNHT Việt Nam – Nhật Bản (VI-JA CID). Công ty bước đầu thực hiện hợp tác chuyển giao, tư vấn công nghệ và quản trị, cung ứng linh kiện xuất khẩu cho các DN Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc … cho hàng chục DN ngành CNHT trên địa bàn Thủ đô.
Việc Công ty Onaga chính thức triển khai đầu tư tại KCN HANSSIP chính là bước tiến cụ thể hoá thỏa thuận hợp tác đã ký ngày 25/11/2021 tại Tokyo giữa Tập đoàn N&G - Việt Nam và Công ty Onaga - Nhật Bản (đại diện nhóm doanh nghiệp vùng Kobe) trước sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và quan chức Nhật Bản.
Theo nội dung hợp tác đã ký kết, Tập đoàn N&G sẽ hỗ trợ toàn bộ các thủ tục liên quan tới giấy phép đầu tư, xây dựng; nhập khẩu máy móc thiết bị đã đang sử dụng tại Nhật Bản để dịch chuyển sang Việt Nam; hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động theo tiêu chuẩn của Nhật Bản ngay tại Học viện hướng nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSI) – đã được Tập đoàn N&G cùng Hiệp hội HANSIBA thành lập, vận hành theo hình thức “phi lợi nhuận” ngay tại KCN HANSSIP.
Ngày 25/8/2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp, trong đó có chương trình hành động hợp tác cụ thể giữa DN Kobe - Nhật Bản với các DN ngành CNHT và CNC tại Hà Nội, để cùng nhau sản xuất các sản phẩm linh kiện máy bay - hàng không - tàu Shinkansen - ô tô - tàu biển - nông ngư nghiệp - robot.
Ngày 08/11/2022, đoàn DN Kobe Nhật Bản đã đến Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (KCN HANSIP) khảo sát lên kế hoạch cùng với các DN thành viên thuộc Hiệp hội HANSIBA triển khai thực hiện đầu tư và cùng nhau gấp rút hoàn thành tổ hợp nhà máy đầu tiên vào quý 2 năm 2023 để sản xuất kịp thời tham gia chuỗi sản xuất của Nhật Bản và toàn cầu.
Việc hình thành chuỗi tổ hợp nhà máy sản xuất các sản phẩm CNHT tại KCN HANSSIP cùng việc Công ty Tư vấn-Đầu tư-Phát triển CNHT Việt Nam – Nhật Bản được ra đời để kết nối hàng trăm DN Nhật Bản và Việt Nam tham gia phát triển sản xuất ngành CNHT, hợp tác đào tạo lao động kỹ thuật cao, quản trị công nghệ mới, quy trình sản xuất… Mục tiêu cụ thể là để các DN có thể đủ điều kiện tham gia chuỗi sản xuất Nhật Bản và toàn cầu.
Cộng đồng DN CNHT, đặc biệt là lĩnh vực chế biến chế tạo tại Việt Nam cùng các Công ty thành viên Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội (HANSIBA) đang cần được hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ vươn lên chiếm lĩnh thị phần bỏ ngỏ rất lớn lên tới hàng tỷ đô la tại Việt Nam.
Với sự quan tâm của các cấp ngành Trung ương, quan tâm từ các cấp chính quyền Thủ đô Hà Nội, đội ngũ DN - doanh nhân ngành CNHT cùng kiên định mục tiêu chung sức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, triển khai cụ thể mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo Nghị quyết 23/-NĐ-TW được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII đã ban hành.
Băng Dương