Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương nhận định, CNHT Việt Nam đi lên chậm chạp, một trong những nguyên nhân cơ bản là do thiếu vốn, cũng như trình độ khoa học và công nghệ.

Để phát triển các ngành CNHT, doanh nghiệp cần vốn trung và dài hạn, trong khi đó, ngân hàng thường chỉ cho doanh nghiệp vay ngắn hạn. Các doanh nghiệp CNHT chủ yếu là DNNVV, vốn ít, không có tài sản thế chấp nên việc tiếp cận nguồn vốn càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT phải nhập nhiều nguyên liệu cho đầu vào sản xuất nên chịu ảnh hưởng của những biến động của tỷ giá trên thị trường. Đồng thời, CNHT là ngành đòi hỏi thâm dụng công nghệ, trong khi trình độ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trong nước còn yếu kém.

Việt Nam chưa có khả năng đầu tư lớn vào lĩnh vực CNHT cho nên để đạt được cơ cấu công nghiệp phù hợp cần có chiến lược và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng liên doanh hoặc thu hút 100% vốn FDI vào phát triển CNHT cũng như có thể nhập khẩu các sản phẩm của CNHT trong giai đoạn đầu để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp chủ đạo. Sau đó, cần đẩy mạnh phát triển các ngành thay thế nhập khẩu và hướng về xuất khẩu các loại sản phẩm của CNHT.

Cơ cấu công nghiệp cần được xây dựng theo hệ thống mở để thu hút và tiếp nhận có hiệu quả các nguồn lực về tài chính, đa dạng hoá nguồn vốn và liên kết thương mại, chuyển giao công nghệ, nguồn nhân lực từ nước ngoài phục vụ việc phát triển CNHT. Việc hấp thụ một lượng vốn FDI cho sản xuất linh kiện và phụ tùng sẽ trực tiếp mở rộng các ngành CNHT của Việt Nam và gián tiếp giúp các doanh nghiệp trong nước liên kết lại.

Trong thời gian tới, hơn một nửa các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được miễn thuế theo quá trình tự do hoá thương mại. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không sản xuất được sản phẩm chất lượng cao, giá rẻ, phù hợp với nhu cầu thì sẽ không tránh được việc bị đào thải.

CNHT không phát triển sẽ làm cho các công ty lắp ráp và công ty sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Điều này sẽ trực tiếp tạo ra gánh nặng về ngoại tệ cho quốc gia, đồng thời để ngỏ thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài khai thác. Vì vậy thu hút FDI thông qua đầu tư trực tiếp của các TNCs, MNCs cho phát triển CNHT tại Việt Nam là nhu cầu cấp thiết nhằm giúp các doanh nghiệp nội địa tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Khi CNHT trong nước phát triển thì đó cũng là lực hút đối với nguồn vốn FDI mới đến Việt Nam.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương tới Chính phủ, để giải quyết các hạn chế trên, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 1 năm 2018 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi khi đầu tư xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo thuận lợi hơn cho mô hình KCN chuyên ngành, cụm liên kết ngành, trình Chính phủ ban hành trong năm 2022.

Đổi mới công nghệ là yếu tố sống còn (ảnh: Kim Duyên)

 

Bộ Kế hoạch và đầu tư cần bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển nhằm xây dựng cơ sở vật chất cho 05 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; 

 Bộ Kế hoạch đầu tư cần ưu tiên bố trí vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, vốn thực hiện tín dụng đầu tư, tín dụng chính sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại.

 Đồng thời, Bộ cần chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng hệ thống thống kê các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển và định kỳ công bố số liệu thống kê.

ảnh (Kim Duyên)

Trước đó, chia sẻ tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã đánh giá, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo cái hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ góp phần làm tăng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, góp phần tăng được tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong nền kinh tế.

Ông cho rằng, hiện doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn loay hoay vấn đề công nghệ. Nếu chúng ta không có công nghệ, không có tiêu chuẩn thì doanh nghiệp sẽ không tham gia và cạnh tranh được về năng suất, chất lượng.

"Chúng ta không có đủ tiền để mua công nghệ, không có mạnh dạn để đầu tư công nghệ thì cần tìm các giải pháp tiếp cận khác", ông Dũng nói.

Kim Duyên