CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA) vừa có đơn kêu cứu khẩn cấp, trong đó có chữ ký của thành viên ban lãnh đạo công ty. Theo đó, ban lãnh đạo công ty nhận được nhiều kiến nghị của cổ đông và cổ đông yêu cầu công ty phải gửi đơn kêu cứu khẩn cấp về “âm mưu và hành động phá hoại, bức tử, thâu tóm Công ty Tân Tạo, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, quyền lợi của các nhà đầu tư, các cổ đông và đặc biệt ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và môi trường đầu tư của Việt Nam”.
Đơn kêu cứu được công bố trong bối cảnh cổ phiếu ITA bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện cảnh báo từ ngày 6/9 do “vi phạm quy định về công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong một năm”.
Trong đơn, Itaco cho rằng thông tin thanh tra thuế đã làm rấy lên tin đồn ITA đang bị đánh nên cổ đông bán tháo cổ phiếu dẫn tới sập sàn! Itaco cho rằng, việc này sẽ giúp một số thế lực trục lợi mua ITA giá rẻ, trong khi giá trị thật ITA cao hơn nhiều. Thông tin làm cho tâm lý cổ đông, nhà đầu tư hết sức hoang mang. Cổ phiếu ITA đã mất 15% giá trong hai ngày.
Trước đó, truyền thông đưa tin Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục Thuế TP.HCM tập trung rà soát số liệu kê khai thuế của Công ty Tân Tạo, phối hợp với ngân hàng xác minh số tiền mà Tân Tạo đã tạm ứng cho chủ tịch Maya Dangelas (Đặng Thị Hoàng Yến) và chuyển hồ sơ cho công an nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm.
Theo doanh nghiệp của bà Hoàng Yên, Tổng cục Thuế phải chịu trách nhiệm khi đưa thông tin nhạy cảm ảnh hưởng đến cổ phiếu doanh nghiệp, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng hàng chục nghìn cổ đông ITA.
Theo Itaco, nhìn lại những sự việc từ tháng 5/2022 đến nay có nhiều hành động ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu ITA, tác động đến quyền lợi cổ đông ITA; có hành động thâu tóm Công ty Tân Tạo nói riêng và Tập đoàn Tân Tạo nói chung, điển hình với những sự việc có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cổ đông ITA như việc Toà án nhân dân TP.HCM mở thủ tục phá sản Công ty Tân Tạo…
Công ty Tân Tạo và các công ty thành viên của Tập đoàn Tân Tạo đều bị ngân hàng từ chối cho vay tín dụng dù có đủ phương án vay và tài sản thế chấp. Doanh nghiệp của bà Đặng Thị Hoàng Yến đặt ra câu hỏi phải chăng đang có chiến lược bao vây, bóp nghẹt hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Tân Tạo để từ đó thâu tóm công ty.
Trong vài tháng gần đây, Tân Tạo của chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến có nhiều lùm xùm liên quan tới việc tạm ứng tiền cho bà Đặng Thị Hoàng Yến đầu tư sang Mỹ.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 công bố hôm 29/7/2022, chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến tạm ứng 1.940 tỷ đồng cho việc tham gia dự án tại Mỹ, ở vào khoảng thời gian bà Yến có đơn kêu cứu về việc buộc phá sản Tập đoàn Tân Tạo.
Sau đó, Itaco đã “chữa cháy” bằng việc đưa ra văn bản cho biết, Báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2022 đã công bố ngày 29/7 trình bày sai chỉ tiêu do hạch toán sai. Theo báo cáo tài chính hợp mới được sửa, chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến không tạm ứng 1.940 tỷ đồng cho việc tham gia dự án tại Mỹ, thay vào đó chỉ là hơn 600 tỷ đồng.
Cụ thể, số tiền Itaco tạm ứng cho chủ tịch Maya Dangelas chỉ là hơn 633 tỷ đồng và mục đích là "hợp đồng chuyển nhượng cổ phần" theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên đã thông qua cách đó vài tháng.
Ngày 24/8, Itaco tiếp tục lần hai “chữa cháy” vụ bà Đặng Thị Hoàng Yến rút 2 nghìn tỷ sang Mỹ.
Tính tới 30/06/2022, công tác chuyển nhượng đã hoàn tất, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã thanh toán cho CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo số tiền 1.022 tỷ đồng. Số tiền Bà Đặng Thị Hoàng Yến còn phải thanh toán cho CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo là 633 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính được đưa ra sau khi bà Đặng Thị Hoàng Yến hồi cuối tháng 6/2022 có đơn kêu cứu sau thông tin lan truyền về việc buộc phá sản Tập đoàn Tân Tạo và cổ phiếu ITA khi đó bị bán tháo dữ dội, với dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị.
Việc Itaco công bố lại Báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2022 diễn ra sau khi HoSE đã 3 lần gửi công văn (ngày 10, 16 và 19/8) yêu cầu Itaco giải trình gấp trong vòng 24 giờ về việc điều chỉnh báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022.
Dư luận xôn xao về việc Itaco sửa số tiền tạm ứng chuyển cho vị chủ tịch đang sống ở nước ngoài và về việc chuyển tiền được thực hiện như thế nào, và tiền từ đâu ra.
Gần đây, Itaco của bà Đặng Thị Hoàng Yến xin gia hạn nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 tới 30/9/2022 sau khi bị Ernst & Young Việt Nam bất ngờ từ chối kiểm toán. Trước đó, hôm 30/8, Itaco cũng đã có công văn xin gia bạn thời gian công bố báo cáo này đến ngày 5/9. Tuy nhiên, Itaco không thể thực hiện được.
Trong vòng 10 năm qua, Itaco hoạt động kém hiệu quả với tổng số lãi không đủ để cho một lần chuyển tiền quy mô gần 2 nghìn tỷ đồng như thông tin trong báo cáo ban đầu.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2021, ITA ghi nhận doanh thu cải thiện đáng kể từ 649 tỷ đồng lên 932 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 48% lên 265 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Itaco ghi nhận doanh thu đạt hơn 373 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 134 tỷ đồng, tăng 16% và hơn 77% so với cùng kỳ năm trước.
Itaco có tổng tài sản cả chục nghìn tỷ đồng và là công ty niêm yết, công ty đầu đàn trong việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp của Việt Nam.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến vắng mặt trong 8 kỳ đại hội gần đây của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Bà Yến được cho là đang ở Mỹ và trong cuộc họp gần đây, bà Yến tham gia thông qua họp trực tuyến.
Cổ phiếu ITA giảm mạnh trong 10 phiên qua, trong đó có 2 phiên giảm sàn và hiện còn 5.600 đồng/cp.
M. Hà