“Trong ô tô của một số thương hiệu có tên tuổi, có 4 con ốc nằm trong hộp cầu chì là sản phẩm do Hoàng Sơn sản xuất. Trước kia nhiều người cho rằng Việt Nam phải nhập từ bulong, ốc vít… chứ chưa thể tự sản xuất, chế tạo được. Điều đó không đúng, vì Hoàng Sơn đã đáp ứng rất tốt nhu cầu thị trường về những sản phẩm bulong, ốc vít có bước ren đặc biệt, độ chính xác cao, và được sử dụng trên các loại vật liệu khó như nhôm, nhựa, đồng, inox. Dù mới thành lập từ năm 2020 nhưng đến giờ, chúng tôi đã chinh phục được cả khách hàng quốc tế chứ không chỉ phục vụ thị trường nội địa”, Hoàng Đức Nghi, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác Hoàng Sơn khoe với phóng viên Báo VietNamNet trong lần đầu gặp mặt. Niềm tự hào ánh lên trong mắt của vị Giám đốc thuộc thế hệ 9x, đang điều hành công ty có trụ sở ở Bắc Giang.
Xuất thân từ dân kỹ thuật nên câu chuyện về hành trình phát triển của Hoàng Sơn được Giám đốc 9x kể lại một cách chân chất, mộc mạc.
Từng học Cao đẳng Công nghệ ô tô Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, Hoàng Đức Nghi lựa chọn khởi nghiệp trong ngành cơ khí chính xác, chỉ đơn giản vì thấy ngành này chưa thực sự phát triển tại Việt Nam, trong khi tiềm năng và dư địa không hề nhỏ, rất nhiều ngành khác (như viễn thông, điện tử, ô tô…) cần có sản phẩm cơ khí chính xác.
Công ty Cơ khí chính xác Hoàng Sơn chính thức thành lập năm 2020 với vỏn vẹn 2 nhân sự (gồm Nghi và một người khác, cùng là dân kỹ thuật), phải mày mò làm đủ việc để tìm kiếm thị trường và khách hàng. Sau khá nhiều ngày luẩn quẩn kiếm tìm mà chẳng hiệu quả, họ quyết định tách ra, một người tiếp tục phụ trách mảng kỹ thuật và một người phụ trách mảng sale.
Tìm đến Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, là người trẻ nhất trong giới doanh nhân của lĩnh vực cơ khí lúc bấy giờ, Giám đốc 9x được các “tiền bối” nhiệt tình chỉ dẫn cách viết giới thiệu doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm sản phẩm, tiếp cận nguồn khách hàng.
Cơ hội phát triển kinh doanh đến với Hoàng Sơn khi được nhận làm vendor (nhà cung cấp) linh kiện, phụ kiện cho một số doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam như Samsung, Honda, Yamaha, Panasonic, LG… Những sản phẩm gia công tiện chi tiết nhỏ, đòi hỏi độ chính xác cao như ốc vít, ren đặc biệt… đảm bảo tiêu chuẩn của doanh nghiệp Việt đã chinh phục các khách hàng khó tính.
Không chỉ sẵn sàng làm gia công theo mẫu thiết kế trong đơn đặt hàng, Hoàng Sơn còn nhiều lần tư vấn, góp ý để sản xuất ra sản phẩm vừa có tính thẩm mỹ vừa đạt chất lượng cao hơn yêu cầu ban đầu của đối tác.
“Chúng tôi từng làm cho một đối tác nước ngoài, sau khi nhận bản vẽ chi tiết sản phẩm, cảm thấy nếu chỉ làm theo đúng bản vẽ thì dễ bị lỗi như hỏng trong qua trình lắp ráp trong quá trình sử dụng, nên đã tư vấn cho họ phương án cải tiến. Đối tác đồng ý thử và thấy kết quả đúng là tốt hơn thật. Những khách hàng, đối tác như thế hiện vẫn đang gắn bó với Hoàng Sơn vì thấy có thể nhận được lợi ích lớn hơn mong muốn ban đầu”, Giám đốc Hoàng Sơn kể.
Và rồi cứ khách hàng nọ mách khách hàng kia theo kiểu truyền miệng, tập khách hàng của Hoàng Sơn dần được bổ sung.
“Làm sản xuất thì không thể tránh khỏi lỗi. Nhất là thời gian đầu, hàng bị lỗi khá nhiều. Có lần làm sản phẩm cho một đối tác, do còn hạn chế về việc kiểm soát đầu máy, nhân sự vận hành lại chưa có trình độ, chuyên môn sâu, nên sản phẩm không đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi phải huy động tất tần tật anh em công nhân sang bên đối tác, cùng họ tháo từng con ốc một, mất rất nhiều thời gian, và đối tác cũng không hài lòng”, Giám đốc Hoàng Sơn kể lại kỷ niệm không thể nào quên trong những ngày đầu lập nghiệp.
Từ vỏn vẹn 2 nhân sự năm 2020, tới nay, đội ngũ của Hoàng Sơn đã có 20 người (nhà máy vận hành bởi hệ thống máy móc, dây chuyền tự động, nên không cần quá nhiều người).
Nhận khoảng 20% ngân sách hoạt động của công ty hàng năm, bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) hiện vẫn đang tiếp tục phân tích những “bài toán” cụ thể, tìm cách tạo ra thêm nhiều sản phẩm “Make in Vietnam” có giá trị cao để gia tăng doanh thu, củng cố vị thế của Hoàng Sơn trên thị trường.
Doanh nghiệp trẻ này đã mạnh dạn đầu tư tới 20 tỷ đồng cho hệ thống máy móc tự động để có thể làm ra những sản phẩm tốt nhất, chinh phục những khách hàng khó tính nhất. Sản lượng tối đa của nhà máy có thể đạt khoảng 80 triệu sản phẩm/năm (năm ngoái đã vận hành được 80% công suất tối đa).
“Với dây chuyền tự động, sản phẩm của Hoàng Sơn có độ chính xác rất cao, năng suất cao và giá thành cạnh tranh. Tôi đánh giá đây là điểm mạnh giúp Hoàng Sơn dần tạo dựng được hình ảnh của một doanh nghiệp có nhiều ưu thế về gia công chi tiết nhỏ, với những sản phẩm “đinh” liên quan tới ren, chốt…”, ông Hoàng Hữu Yên, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Intech Group (doanh nghiệp uy tín đã có bề dày kinh nghiệm cung cấp các sản phẩm và giải pháp về cơ khí, tự động hóa tại Việt Nam), nhận định.
Được sự hỗ trợ, chỉ dẫn của một Việt kiều Mỹ sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, quy trình sản xuất tại nhà máy của Hoàng Sơn ngày càng hoàn thiện hơn, giảm thiểu sản phẩm lỗi tới tay khách hàng.
Cũng chính Việt kiều này đã kết nối giúp Hoàng Sơn có những lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu vào năm 2022.
“Khi nhận đơn hàng, nói thật là tôi rất lo lắng, thiếu một chút tự tin. Vì về công nghệ thì mình chắc chắn làm được, nhưng các vấn đề giấy tờ thủ tục thì chưa va vấp bao giờ. Mở xong tờ khai hải quan, lô hàng được thông quan thì mới đỡ lo phần nào. Vì hàng vận chuyển theo đường biển, phải đợi thêm gần 1 tháng sản phẩm mới đến được tay khách hàng bên châu Âu. Gần như ngày nào mình cũng luẩn quẩn nghĩ ngợi, không rõ khách hàng có hài lòng với sản phẩm hay không. Chỉ khi khách hàng gửi thư cảm ơn vì sản phẩm tốt, lại được giao sớm hơn thời hạn yêu cầu, thì lúc đấy tôi mới thực sự cảm thấy nhẹ nhõm”, Giám đốc Hoàng Sơn kể.
Từ đầu năm 2023 tới nay, Hoàng Sơn có thêm hai đơn hàng từ khách hàng Ba Lan chuyên làm về thiết bị y tế.
“May mắn là mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió cả. Sau lô hàng đầu tiên xuất khẩu thành công sang châu Âu, tôi đã cảm thấy tự tin hơn khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế”, Giám đốc Hoàng Sơn nói.
Một điểm khá thú vị, Giám đốc 9x lại tỏ vẻ thích thú khi được làm việc với các khách hàng châu Âu, Nhật Bản, thường hay bị nhiều doanh nghiệp Việt “ngại” vì quá khó tính.
“Khách hàng châu Âu, Nhật Bản đưa ra yêu cầu ngay từ ban đầu rất khắt khe và rất cụ thể, chẳng hạn, độ nhám bao nhiêu, vật liệu gì, dung sai thế nào... Nếu mình đáp ứng được yêu cầu thì đơn hàng đấy được ký kết. Nếu tự thấy không thể đáp ứng được, mình phản hồi ngay là chúng tôi không đáp ứng được, họ cũng sẵn sàng cùng tìm hướng giải quyết với mình ngay từ đầu. Với khách hàng Nhật Bản, thời gian đánh giá đối tác của họ rất lâu, nhưng khi đã làm được cho họ thì cơ hội hợp tác sẽ ổn định, lâu dài. Làm việc với họ, mình lại cảm thấy dễ hơn khi làm việc với một số khách hàng Việt Nam, sẽ không có chuyện lúc đầu xuề xòa, tới khi xảy ra sự cố lại quay sang đổ lỗi cho nhau. Chính quá trình làm sản phẩm cho các khách hàng Nhật Bản, Châu Âu đã giúp Hoàng Sơn trưởng thành lên rất nhiều. Từng có khách hàng Việt còn bảo quy trình không cần quá chặt chẽ đến mức vậy đâu, nhưng chúng tôi không thể thay đổi quy trình vì muốn đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất có thể”, Giám đốc 9x chia sẻ.
Phó Chủ tịch Intech Group Hoàng Hữu Yên có rất nhiều thiện cảm với Giám đốc 9x của Hoàng Sơn, lãnh đạo doanh nghiệp trẻ nhất trong ngành gia công cơ khí có sản phẩm xuất khẩu mà ông Yên từng biết cho tới thời điểm hiện tại.
“Tôi đánh giá rất cao việc Hoàng Sơn có tham vọng đạt doanh thu từ xuất khẩu là chính. Lãnh đạo trẻ ở Hoàng Sơn đã chịu khó học hỏi những đơn vị đi trước để kiện toàn, phát triển doanh nghiệp lên mức cao hơn chứ không chỉ tư duy đơn giản là mở xưởng, thuê vài chục người làm, tìm kiếm thu nhập cao hơn đi làm thuê. Thời gian qua, Hoàng Sơn đã có khá nhiều khách hàng quốc tế, gồm cả doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam và cả doanh nghiệp ở nước ngoài. Muốn mở rộng thị trường, các bạn nên tích cực tham gia các tổ chức, hiệp hội ngành nghề trong và ngoài nước”, ông Yên chia sẻ.
Hiện Giám đốc Hoàng Đức Nghi đang ấp ủ mong muốn Công ty Hoàng Sơn nói riêng, ngành cơ khí Việt Nam nói riêng sẽ nhanh chóng tạo được những dấu ấn nổi bật hơn nữa trên thị trường quốc tế, chinh phục được nhiều hơn nữa các khách hàng khó tính trên toàn cầu.
Tuy nhiên, khó khăn trước mắt vẫn còn nhiều. Đơn cử câu chuyện vốn. Các doanh nghiệp nhỏ như Hoàng Sơn vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn đầu tư kinh doanh hiện có đều là thành quả của sự tự xoay sở.
Cũng chính vì chỉ là doanh nghiệp nhỏ nên cơ hội tiếp cận và đàm phán kinh doanh trực tiếp các doanh nghiệp lớn quốc tế không cao, thường phải qua nhiều “cầu nối”.
“Khách hàng đưa ra tiến độ kế hoạch cụ thể, nhưng do qua quá nhiều “cầu”, tới khi đến mình, thời hạn hoàn thành đơn hàng chỉ còn quá ngắn. “Dục tốc bất đạt”. Doanh nghiệp trẻ như chúng tôi sợ nhất những khách hàng như vậy”, Giám đốc 9x thành thật tâm sự.
Bình Minh