Doanh nghiệp muốn được tin tưởng
Chia sẻ tại một hội thảo hôm qua, ông Vũ Công Huân, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn HDC, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản và phân phối tại thị trường trong nước cho biết, từ đầu năm đến nay lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm khoảng 27% so với cùng kỳ. Đơn hàng thị trường nội địa cũng chỉ khoảng 35%.
“Khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn”, ông Huân nói. Doanh nghiệp tiếp cận 3 ngân hàng có thể cấp hạn mức tín dụng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, số có thể giải ngân tín chấp chỉ từ 8-10 tỷ đồng, do ngân hàng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo.
Thực tế, HDC khó đáp ứng yêu cầu của nhà băng về tài sản đảm bảo mặc dù công ty có báo cáo tài chính minh bạch. Khách hàng trong nước đều là những doanh nghiệp lớn như Vingroup, Masan, Lotte,… nên công ty có dòng tiền ổn định. Suốt 4 năm qua, chưa khi nào dòng tiền thanh toán của khách hàng về doanh nghiệp chậm quá 5 ngày.
Vấn đề của doanh nghiệp là phải chấp nhận cho đối tác chậm thanh toán trong vòng 2 tháng. Trong khi mua sản phẩm của nông dân bằng tiền mặt, doanh nghiệp phải thanh toán ngay. Trong thời gian đó, công ty mong muốn được ngân hàng cùng đồng hành tin tưởng, như cách mà HDC đang tin tưởng vào chính khách hàng của họ.
“Các ngân hàng nói rằng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, vay tín chấp tối đa chỉ 3-5 tỷ đồng. Nếu vay tại 3 ngân hàng cũng chỉ vay được tối đa 10 tỷ đồng. Có ngân hàng ra hạn mức cho vay 27 tỷ đồng nhưng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Như Techcombank chấp nhận thế chấp bằng các khoản phải thu, nhưng lại chỉ áp dụng với khoản phải thu của Masan, trong khi chúng tôi có rất nhiều khách hàng”, ông Huân nói.
Ngân hàng nói khó
Ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, doanh nghiệp vay vốn ở nhiều nơi khiến cho việc kiểm soát của ngân hàng không thực sự đạt mục tiêu.
“Cùng lúc doanh nghiệp quan hệ với 5-7 ngân hàng. Trong khi báo cáo tài chính không minh bạch. Chúng tôi thấy điều này khiến cho một số ngân hàng cảm thấy nản lòng trong việc thực hiện giải pháp hỗ trợ, cơ cấu lại cho doanh nghiệp”, ông Trần Long nói.
Đại diện BIDV cũng nêu thực trạng, hiện các doanh nghiệp thường tồn tại 2 hệ thống báo cáo tài chính, một để gửi ngân hàng và một để gửi cơ quan thuế. Số liệu của hai báo cáo thường không đồng nhất, nên rất khó cho nhà băng trong việc đánh giá chính xác năng lực cũng như dòng tiền của doanh nghiệp.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, các ngân hàng thương mại đều có những giải pháp hữu hiệu và luôn coi khách hàng là "những người ngồi chung thuyền".
Tuy nhiên, việc một doanh nghiệp có hạn mức vay 80 tỷ đồng nhưng lại có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng thì việc được vay tối đa 8 tỷ đồng đã là... quá nhiều. Trong khi đó, nếu chỉ vay tại một ngân hàng có thể sẽ được vay 15 tỷ đồng.
“Doanh nghiệp thích quan hệ với nhiều ngân hàng cho hoành tráng và mở rất nhiều tài khoản. Mỗi tài khoản lại vay 5-7 tỷ đồng thì không bao giờ anh trở thành một người chung thuỷ. Khi không chung thuỷ thì không bao giờ có được sự chung thuỷ từ đối tác”, ông Nguyễn Quốc Hùng bình luận.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng khuyên, doanh nghiệp có quyền tìm hiểu nhiều đơn vị để rồi tìm ra một ngân hàng phù hợp nhất, nhưng cần phải xác định ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp "trên một con thuyền". Tuy nhiên, trên “con thuyền” ấy không thể cùng lúc có đến 5-7 người bởi sẽ chẳng ai dám cho vay mà không có tài sản đảm bảo.
PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, các doanh nghiệp luôn yêu cầu ngân hàng cắt giảm thủ tục, không đặt nặng vấn đề tài sản đảm bảo, nhưng doanh nghiệp cũng cần phải theo nguyên tắc "người cho vay có trách nhiệm thì người vay cũng phải thực sự có trách nhiệm".
“Một khoản tín dụng rẻ hoặc dưới chuẩn thì rủi ro sẽ rất cao. Trong lĩnh vực ngân hàng cần ổn định hệ thống, nếu không sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế cũng như các hoạt động khác”, bà Mùi nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng trách nhiệm của người cho vay rất lớn, trong khi trách nhiệm của người đi vay lại rất nhỏ, dẫn đến nợ xấu ngày một tăng. Thậm chí, có công ty tài chính cho vay tiêu dùng, nợ xấu đã lên đến 25%. Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu tại hệ thống các tổ chức tín dụng đã vượt quá 3% thay vì dưới 3% như mục tiêu đề ra.
Ông Hùng cho rằng, không thể cứ hô hào ngân hàng phải giảm điều kiện cho vay, không thể cho vay bằng mọi giá mà phải cho vay để đảm bảo doanh nghiệp có thể ổn định phát triển. Ngân hàng cũng phải đảm bảo an toàn hệ thống.
Gợi ý cho doanh nghiệp trong việc vượt qua yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, nếu doanh nghiệp như HDC bán hàng cho các đối tác lớn như Masan, Vingroup,… hoàn toàn có thể được ngân hàng chấp nhận không cần tài sản đảm bảo.
Hơn nữa, khi thị trường xuất khẩu đang gặp khó, doanh nghiệp nên hướng đến thị trường trong nước, chấp nhận giá bán thấp hơn để có được sự sẻ chia từ khách hàng. Từ đó ngân hàng sẽ lại cho vay để tiếp tục sản xuất.