Để được tham gia đấu thầu, trúng thầu, ký hợp đồng cung cấp thiết bị cho những gói thầu y tế tại tỉnh Bắc Ninh, các doanh nghiệp sẵn sàng mạnh tay chi cho nhiều cựu lãnh đạo tỉnh này.
Theo kết luận điều tra, ông Đặng Tiên Phong (Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty CP Sông Hồng, qua đời năm 2021) có mối quan hệ quen biết với ông Trần Văn Tuynh (cựu Giám đốc Ban quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế), do trước đó ông Phong từng tham gia đấu thầu và trúng thầu một số gói thầu tại tỉnh Bắc Ninh.
Khoảng giữa năm 2013, ông Phong đến gặp ông Tuynh đặt vấn đề: Ông Phong có nhiều mối quan hệ thân thiết, sẽ tìm cách tác động các bộ, ngành trung ương để xin được nguồn vốn bổ sung từ trái phiếu Chính phủ cho địa phương, trong đó có lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Đổi lại, khi nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được phê duyệt, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và ban quản lý dự án do ông Tuynh làm giám đốc sẽ cho Công ty của ông Phong được tham gia đấu thầu, trúng thầu và ký hợp đồng thực hiện những gói thầu thiết bị y tế tại 6 dự án bệnh viện đa khoa các huyện Quế Võ, Yên Phong, Tiên Du, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài.
Để xin được nguồn vốn từ trung ương, ông Phong chi cho ngoại giao khoảng 10 tỷ đồng (tương ứng khoảng 8% tổng giá trị thực tế thanh toán trước thuế của các gói thầu theo những dự án đã được phê duyệt). Trong đó, chi phí ngoại giao cho các lãnh đạo tỉnh khoảng 4 tỷ đồng, chi % ngoài hợp đồng cho ông Tuynh và nhiều lãnh đạo tỉnh, sở, ngành liên quan khoảng 6 tỷ đồng.
Khoảng 1 tháng sau, ông Tuynh dẫn ông Lã Tuấn Hưng, Phó TGĐ thay mặt ông Phong đến gặp bị can Nguyễn Hạnh Chung (Giám đốc Sở Y tế) để báo cáo.
Sau đó, cả 3 người đến trụ sở UBND tỉnh để báo cáo ông Nguyễn Nhân Chiến (khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh), xin chủ trương chỉ đạo về việc ông Phong đứng ra quan hệ với lãnh đạo các bộ, ngành trung ương xin cấp nguồn vốn, kinh phí bổ sung theo đề nghị của UBND tỉnh.
Đổi lại, tỉnh cho phép công ty của ông Phong được tham gia đấu thầu, trúng thầu, ký hợp đồng cung cấp thiết bị cho các gói thầu y tế được phân bổ vốn. Sau khi nghe ông Tuynh báo cáo, ông Chiến gật đầu đồng ý.
Đến tháng 8/2013, ông Nguyễn Tử Quỳnh (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) ký văn bản trình Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Y tế về việc đề nghị cấp vốn cho các dự án đầu tư xây dựng của ngành y tế tỉnh Bắc Ninh từ nguồn vốn bổ sung, trong đó có 6 dự án bệnh viện đa khoa huyện.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn “tham gia cuộc chơi”
Trong khi đó, vào cuối năm 2013, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vốn quê Bắc Ninh nên có mối quan hệ quen biết với ông Tuynh. Bà Nhàn gọi điện cho ông Tuynh để đặt vấn đề sẽ tác động lên các bộ, ngành ở trung ương để xin phê duyệt nguồn vốn bổ sung cho các dự án về y tế tại Bắc Ninh.
Bà Nhàn cũng đề nghị, sau khi xin được vốn, phía tỉnh cho Công ty AIC được tham gia đấu thầu và trúng thầu cung cấp thiết bị y tế cho cả 6 gói thầu tại 6 bệnh viện. Khi đó, ông Tuynh bảo bà Nhàn đến gặp các lãnh đạo tỉnh xin ý kiến vì những gói thầu này đã có kế hoạch triển khai và nhà thầu khác đã đăng ký thực hiện.
Sau đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trao đổi lại và cho biết, bà đã gặp để báo cáo và được ông Chiến, ông Quỳnh đồng ý cho Công ty AIC được tham gia các gói thầu. Cuối cùng, phía bà Nhàn và ông Phong chia nhau mỗi bên trúng và thực hiện 3 gói thầu.
Kết luận điều tra cho rằng, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các cá nhân tại Công ty AIC đã chi 3 tỷ đồng cho ông Nguyễn Nhân Chiến; chi 1 tỷ đồng cho ông Nguyễn Tử Quỳnh.
Số tiền trên có nguồn gốc từ việc Công ty AIC và Công ty Mopha trúng thầu, thu được từ các hợp đồng mua sắm thiết bị y tế với Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài với tổng giá trị hơn 126 tỷ đồng.
Bị can Trần Văn Tuynh đã chi 1 tỷ đồng cho ông Nguyễn Nhân Chiến; chi 1 tỷ đồng cho ông Nguyễn Tử Quỳnh.
Số tiền trên do ông Phong và Hưng đưa, biếu cho ông Tuynh và có nguồn gốc từ việc nhóm Công ty của Phong, Hưng trúng thầu, thu được từ các hợp đồng mua sắm thiết bị y tế với Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Võ, Yên Phong, Tiên Du, với tổng trị giá hơn 126 tỷ đồng.