Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Doanh nghiệp mới thành lập có thể trở thành vendor cho các tập đoàn đa quốc gia? |
Việt Nam hiện đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành công nghiệp điện tử, với hơn 10 tỉ USD vốn đầu tư.
Nhiều hãng điện tử hàng đầu thế giới đã đầu tư vào VIệt Nam, đặt cứ điểm sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao phục vụ xuất khẩu như: Samsung, LG, Panasonic, Foxconn…
Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước liên kết sản xuất, cung cấp linh kiện, lắp ráp và tham gia từng công đoạn cho các tập đoàn đã có thương hiệu, qua đó xây dựng và phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử Việt Nam.
Nói về cơ hội lớn này, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhận định, trong bối cảnh thế giới xuất hiện sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, các nước có nguồn nhân lực dồi dào khác ở Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi. “Bản thân các tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang cần tới các nhà cung cấp từng công đoạn sản xuất, tạo thành dây chuyền sản xuất đa quốc gia. Vì vậy không thiếu việc và cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ”, bà Hương chia sẻ.
Nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam đã xuất hiện những công ty mới ra đời, mạnh tay đầu tư công nghệ để phục vụ những khách hàng lớn với mục đích trở thành chuỗi cung cấp công nghiệp hỗ trợ chất lượng cao thay vì chỉ gia công đơn giản.
Trở thành vendor cho các tập đoàn đa quốc gia
Một trong những doanh nghiệp mới thành lập nhưng đã ngay lập tức trở thành vendor (hệ thống các nhà cung cấp) cho các tập đoàn lớn, đó là công ty TNHH An Trung Industries.
An Trung Industries mới ra đời hơn 1 năm, là công ty thành viên của Nhựa Hà Nội (HPC), đặt sở chính tại KCN Kỹ thuật cao An Phát – Km47.QL5, Phường Việt Hòa, TP Hải Dương. Doanh nghiệp nàu đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng có diện tích 13.000 m2, với hệ thống máy móc được đầu tư hiện đại, đồng bộ nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hiện tại, khách hàng chiếm tới 60% dung lượng sản xuất của An Trung là Samsung, 40% còn lại là linh kiện cho các doanh nghiệp lớn khác như máy giặt Panasonic, máy in Blazer, xe máy Yamaha.
Chia sẻ về thành công trên, ông Mẫn Chí Trung, Tổng Giám đốc Công ty An Trung Industries cho rằng doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ cơ hội kinh doanh trong giai đoạn mới nên đã mạnh dạn “làm lớn”. Ông Trung chia sẻ: “Nền công nghiệp hiện nay của mình rất phát triển, trong đó có công nghệ cao, dẫn đến công nghiệp hỗ trợ cũng phát triển theo, nhất là lĩnh vực ô tô xe máy, điện, điện tử. Tiềm năng dân số Việt Nam gần 100 triệu dân, kéo theo nhu cầu sử dụng đồ điện tử rất lớn. Vì vậy, nếu doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mạnh lên sẽ giảm được nhập khẩu, tạo lợi thế cho cả hãng đã đặt sản xuất trong nước. Lấy ví dụ Vinsmart khi có đủ nhà cung cấp sẽ tự chủ động nguồn sản xuất điện thoại, ti vi, tủ lạnh, máy giặt… Cơ hội là rất lớn!”.
Chính vì vậy khi xây dựng nhà máy, An Trung Industries tập trung đầu tư vào những khách hàng là thương hiệu có tên tuổi như Samsung, Vinsmart, Brother, Yamaha… “Khi đã định hướng được chiến lược như vậy rồi, chúng tôi sẽ bắt đầu thiết kế nhà máy, xây dựng vật tư, công nghệ quy trình phù hợp. Khách hàng họ nhìn thấy những nền tảng đã chuẩn bị được thì rõ ràng đó là thuận lợi để đánh giá bước đầu, để rồi công ty dần cải thiện hơn đáp ứng hoàn toàn nhu cầu sản phẩm”, ông Trung cho biết.
Mặc dù cơ hội khách hàng trong ngành công nghiệp hỗ trợ hiện là rất lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Tổng Giám đốc An Trung Industries lấy ví dụ đồ tiêu dùng điện tử có dòng đời rất ngắn nên nhà sản xuất phải đối diện với nhu cầu thay thế công nghệ, mẫu mã mới. Điều đó cũng có nghĩa là nhà cung cấp phụ trợ cũng phải nâng cấp, thay đổi theo nếu như không muốn mất đi khách hàng.
Ông Trung nói tiếp: “Chi phí đầu tư ban đầu so với các doanh nghiệp nhỏ lẻ thì chúng tôi tốn kém hơn rất nhiều bởi chọn hướng đầu tư quy chuẩn như nhà xưởng, phòng ốc sạch đẹp, máy móc trang bị mới có độ chính xác cao đáp ứng các nhu cầu khắt khe nhất của khách hàng. Về nhân sự, số lượng không cần nhiều bởi chủ trương công ty hiện nay là cơ giới hóa và hiện đại hóa sản xuất. Vì vậy đầu vào tuyển chọn rất khắt khe, đồng thời phải bỏ ra chi phí lớn đào tạo để có đội ngũ vận hành nhà máy chuyên nghiệp.”
Hiện nay, các doanh nghiệp CNHT như An Trung ngoài miễn giảm tiền thuê mặt bằng thời gian đầu như mọi doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp thì chưa hề nhận được bất kỳ một hỗ trợ nào khác.
Lấy ví dụ gần nhất, ông Trung kể rằng các doanh nghiệp ở Trung Quốc cũng tương đồng với Việt Nam ở xuất phát điểm đi sau Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng họ nhận được hỗ trợ rất tốt từ nhà nước, từ đất đai, nhà xưởng cho đến nguồn vốn. Thậm chí nhà nước còn kết nối doanh nghiệp với chuyên gia, đơn vị nghiên cứu nước ngoài, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân để thu hút người tài, các hiệp hội cũng liên kết và tương trợ nhau cùng phát triển công nghệ. Ở Việt Nam thì gần như các doanh nghiệp như An Trung là hoàn toàn “độc lập tác chiến”.
“Dù vậy, chúng tôi vẫn mong muốn nhận được hỗ trợ bởi doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này đang đi sau so với nước ngoài, luôn ở thế bám theo họ về công nghệ”, ông Trung nói.
Cụ thể hơn, Tổng giám đốc An Trung Industries cho rằng nếu được hỗ trợ, doanh nghiệp cần kíp nhất là nguồn vốn và công nghệ. Trong đó hỗ trợ công nghệ cần sự tham gia của nhà nước trong vấn đề chuyển giao công nghệ. Bởi doanh nghiệp không dễ dàng nhận được sự chuyển giao từ nước ngoài, các viện nghiên cứu bởi chi phí là rất lớn, mà nếu theo con đường kết nối thông qua chính phủ đôi khi sẽ dễ dàng hơn.
Đình Quý