PV: Thưa ông, ông có thể cho biết doanh thu, lợi nhuận của 3 năm trở lại đây và đặc biệt trong đầu năm 2023 của doanh nghiệp mình như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Doanh thu ba năm gần nhất là 220 tỷ năm 2021, 235 tỷ năm 2022, 265 tỷ năm 2023. Lợi nhuận ở mức từ 10-15%. Tình hình hoạt động thì thời gian vừa qua chúng tôi cũng tổng kết kết quả hoạt động của Quý I, cũng đạt được mục tiêu đề ra.
PV: Từ đầu năm đến giờ, nguồn đơn hàng của doanh nghiệp gặp khó khăn như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Về nguồn khách hàng, đa phần khách hàng hiện hữu đang có đều có mức giảm nhưng không đáng kể. Có khách giảm ít, có khách giảm vừa nhưng cũng có khách giảm nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi có phát triển thêm nhiều địa bàn khách hàng mới và ở một số khách hàng cũ cũng có sử dụng các giải pháp công nghệ tư vấn thêm cho khách hàng để có thêm được những mục hàng phát triển mới.
PV: Vậy về nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Việc tuyển dụng nhân sự ở công ty luôn là vấn đề nhức nhối nhất. Địa bàn công ty ở Hưng Yên khá xa so với trung tâm Hà Nội. Trong khi đó các trường đào tạo về kỹ thuật chuyên ngành lại chủ yếu tập trung ở Hà Nội. Ở gần đây thì cũng có Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Hưng Yên nhưng để nhìn nhận chung thì tôi thấy rằng các trường Đại học, Cao đẳng chất lượng chưa thực sự tốt và hiệu quả và chưa gắn liền với nhu cầu dẫn đến việc chúng tôi phải thực hiện đào tạo lại và trải qua một quãng thời gian thì các bạn mới có thể hòa nhập và dần phát huy được trong công việc.
PV: Như vậy, việc phải đào tạo lại đội ngũ lao động của mình có gây tốn kém cho doanh nghiệp không?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Tất nhiên về chi phí thì tốn kém và diễn ra trong thời gian khá dài. Thông thường là sau 6 tháng thì các bạn mới có thể làm chú được công việc của mình. Sau một năm thì có kỹ năng và kinh nghiệm ở mức tương đối. Sau hai năm thì mới hoàn toàn tự chủ về công việc và có năng lực làm việc tốt.
PV: Vậy, theo ông, mình nên có giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề nhân lực?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Giải pháp ngắn hạn thì công ty vẫn tập trung hợp tác với các trường đại học cao đẳng ở trên địa bàn và các địa bàn khác. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn phải xác định việc đào tạo là nội dung cốt lõi và quyết định thành bại của doanh nghiệp. Chúng tôi chấp nhận mình mất nhiều thời gian, tâm huyết và chi phí để đào tạo nhân sự. Mười người thì có thể chỉ ở lại thành công một, hai người bởi vì có rất nhiều lý do mà họ không làm việc nữa. Họ không thích văn hóa công ty hay mục tiêu không phù hợp với cá nhân….
PV: Vậy trong quá trình sản xuất , việc liên kết, chia sẻ đồng hành với các doanh nghiệp trong nước để cùng đồng hành, phát triển thì đối với doanh nghiệp của ông được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Ngành nghề của chúng tôi đang tham gia có tính chất khá đặc thù. Đó là ngành cơ khí chính xác. Khả năng liên kết và cung ứng từ doanh nghiệp nội địa trong Việt Nam khá hạn chế. Tuy nhiên, những hạng mục nào mà có thể hợp tác được thì chúng tôi luôn ưu tiên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp nội địa.
PV: Vậy, đối với việc tìm kiếm nguồn hàng sản xuất mới, đứng trước khó khăn của sự sụt giảm đơn hàng mới, công ty đã xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Thế giới đang đối mặt với lạm phát chiến tranh dẫn đến ảnh hưởng biến động về giá xăng dầu, năng lượng tăng cao cầu giảm ở phương tây trên diện rộng và toàn thế giới. Biện pháp mà chúng tôi ứng phó với việc nhu cầu giảm là chúng tôi tập trung vào nghiên cứu phát triển và đẩy mạnh khả năng năng lực tư vấn về giải pháp cho khách hàng đưa ra các sản phẩm mới để đáp ứng tốt hơn hiệu quả hơn cho nhu cầu của khách.
MC: Trong phần chia sẻ của mình, ông nói rằng sẽ cạnh tranh về giá hợp lý chứ không phải giá rẻ. Vậy, đâu là chiến lược để mình thực hiện mục tiêu này?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Cũng như tôi vừa trình bày, trước tiên chúng tôi sẽ đàm phán trao đổi và tìm hiểu rất kỹ càng hoạt động sử dụng hàng ngày của khách hàng để hiểu được nỗi đau của khách hàng là gì và chúng tôi có thể đem đến cho khách hàng giải pháp mới như thế nào về sản phẩm. Từ đó khách hàng có thể thấy hiệu quả cao hơn và thông qua việc này chúng tôi cũng tránh được việc cạnh tranh trực tiếp về giá với nhiều đối thủ vì đây là bán hàng theo giải pháp.
PV: Ông có thể chia sẻ về vị thế của cônng ty đang đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Ở trong lĩnh vực công cụ chế tạo CNC đây là cái mảng có thể nói là chính xác nhất trong nghề cơ khí chính xác. Chính vì vậy ở Việt Nam trước đây chỉ có một công ty nhà nước chế tạo sản phẩm này. Sau này do khó khăn trong việc gia nhập ngành bởi vì tính chất chính xác cao, độ khó về kỹ thuật cao, vốn đầu tư cũng lớn mà đơn hàng lại phụ thuộc vào khách hàng phân khúc nước ngoài tức là doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam. Từ đó dẫn đến việc chiến lược đầu tư phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố bên ngoài.
PV: Vậy hiện nay ai là khách hàng lớn nhất của ông?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Về khách hàng tôi nhìn nhận giai đoạn ban đầu công ty phụ thuộc vào nhóm khách hàng FDI nước ngoài như Honda, Yamaha, Canon, Samsung và các vendor của họ. Giai đoạn sau này doanh nghiệp cũng cảm thấy vui hơn vì tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất doanh nghiệp Việt. Cụ thể chúng tôi có cung ứng sản phẩm của mình cho ngành công nghiệp Quốc phòng của Việt Nam và các doanh nghiệp của Việt Nam hiện tại chiếm khoảng 30% doanh thu của công ty.
PV: Liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, được biết có một số tập đoàn lớn trên thế giới như Toyota, hoặc các chương trình đào tạo mang tính chất doanh nghiệp đầu ngành, họ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy, An Mi có tham gia vào chương trình đào tạo ấy hay không? Nếu có, ông đánh giá hiệu quả như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Nói về các chương trình đào tạo của các doanh nghiệp đầu ngành từ nước ngoài hiện đang hoạt động tại Việt Nam chúng tôi đánh giá rất cao bởi các chuyên gia tham gia đào tạo là những người tham gia trực tiếp vào chuỗi sản xuất và họ là những người có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động. Kiến thức mà họ truyền tải trực tiếp ngoài tài liệu đã được biên soạn cũng sẽ mang đến hình tượng rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn cho người học. Nói về tài liệu đào tạo của các doanh nghiệp thì mức độ hoàn thiện và chiều sâu của tài liệu là rất tốt.
PV: Bản thân An Mi có tham gia không và sau khi đào tạo xong, nguồn lao động của mình được thay đổi như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Trong suốt quá trình hoạt động của công ty, công ty trưởng thành được qua thời gian hàng năm cũng dựa vào những nhận xét, phối hợp làm việc và cả các chương trình đào tạo của khách hàng. Đấy là yếu tố tác động tôi đánh giá cao.
PV: Là một doanh nghiệp làm trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, anh đánh giá như thế nào về vai trò của các cơ quan chức năng, Hiệp hội cũng như Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong sự đồng hành của doanh nghiệp? Thứ hai, về phía doanh nghiệp có những kiến nghị như thế nào về cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mình?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Nói về chính sách hỗ trợ cho công nghiệp hỗ trợ nói chung, gần khoảng 10 năm gần đây tôi thấy rằng Chính phủ và Chính quyền Thành phố các cấp ngày càng có nhiều sự quan tâm nhiều hơn và có sự xác định rõ ràng hơn về độ quan trọng của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Từ đó cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ và kết nối cụ thể. Ví dụ như hỗ trợ về vốn vay, tham gia các sự kiện, triển lãm, business matching kết nối kinh doanh ở các nước.
PV: Khó khăn hiện tại của anh là gì và đề xuất khó khăn cụ thể ấy là gì?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Về khó khăn hiện tại tôi thấy không hẳn là khó khăn nhưng nhưng cái chính sẽ là do bản thân doanh nghiệp phải tự tìm ra hướng đi. Đấy sẽ là cái trọng yếu mà để có thể tồn tại và vươn lên. Tuy nhiên cũng có một số đề xuất với các Hiệp hội, Chính quyền, Chính phủ để giúp nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và công ty An Mi nói riêng có điều kiện phát triển tốt hơn là thứ nhất tiếp cận với vốn vay dễ dàng hơn, có một chính sách về lãi vay ưu đãi, tính toán thiết kế riêng cho ngành.
Cũng tương tự như vốn vay là quỹ đất công nghiệp. Mọi người cũng biết chủ trương sẽ không đặt các nhà máy, cơ sở sản xuất ở trong khu vực dân cư. Như vậy quỹ đất ở Việt Nam hiện tại cho công nghiệp cũng dần giảm và nếu để so sánh về tiềm lực kinh tế thì các doanh nghiệp FDI nước ngoài vào đây họ có thế mạnh hơn rất nhiều để họ có thể mua được đất công nghiệp. Còn các doanh nghiệp Việt thì lại yếu về vốn nên để vào khu công nghiệp và trang bị cơ sở hạ tầng đầy đủ bài bản thì chi phí rất lớn. Theo như cách nhìn nhận của tôi thì có đến 95% doanh nghiệp của Việt Nam không đủ điều kiện để tham gia vào khu công nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Kim Duyên (thực hiện)