Doanh nghiệp thép đua nhau báo lỗ
Tập đoàn Hoà Phát (HPG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu giảm 12% so với cùng kỳ, xuống 34.440 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế âm 1.786 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, tập đoàn này vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ở mức cao, tương ứng gần 116.560 tỷ đồng và 10.443 tỷ đồng, lần lượt đạt 76% và 39% kế hoạch năm.
Theo Hòa Phát, sở dĩ lợi nhuận quý III suy giảm là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là than cốc cao gấp nhiều lần so với bình thường.
Công ty Cổ phần Thép Vicasa - Vnsteel (mã chứng khoán VCA) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với kết quả kinh doanh sa sút. Theo đó, trong quý III, doanh thu của Thép Vicasa đạt hơn 477 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với cùng kỳ. Công ty này bị lỗ ròng sau thuế xấp xỉ 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 2 tỷ đồng.
Đây cũng là quý lỗ nặng nhất của Thép Vicasa kể từ năm 2009 đến nay. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thép Vicasa đạt doanh thu thuần là 1.840 tỷ đồng, giảm 4%; lỗ ròng là 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 42 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty Cổ phần Thép Thủ Đức - Vnsteel (mã chứng khoán TDS) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý III/2022. Cụ thể, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ lên hơn 410 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay tăng gấp 4 lần cùng kỳ, dẫn đến lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ hơn 640 triệu đồng vào cùng kỳ năm trước - quý thua lỗ nhiều nhất của Thép Thủ Đức kể từ khi cổ phần hoá vào năm 2008. Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 1.500 tỷ đồng (giảm 8,3% so với cùng kỳ), lỗ ròng gần 16 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (Tisco, mã chứng khoán TIS) trong quý III/2022 ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.600 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 25 tỷ đồng. Nếu không tính tới khoản thu nhập khác, Thép Thái Nguyên lỗ hơn 38 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh thép.
Trong quý III/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã chứng khoán TLH) đạt doanh thu thuần hơn 1.100 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận gộp lại giảm 65% so với cùng kỳ, xuống 57 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại SMC (SMC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu thuần đạt 5.672 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng các khoản chi phí đều tăng cao khiến SMC lỗ sau thuế 219 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, SMC đạt doanh thu thuần 18.949 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước nhưng lỗ 94 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Gang thép Cao Bằng (CBI) thông báo, doanh số quý III giảm 33% về còn 400 tỷ đồng. Chi phí cao cũng đẩy lợi nhuận sau thuế của công ty này giảm sốc 99% còn 750 triệu đồng. Tính chung 3 quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế của CBI còn 44 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ và mới thực hiện chưa đến phân nửa kế hoạch năm.
Tồn kho tăng cao
Sau giai đoạn tăng nóng, từ tháng 4-8/2022, giá thép xây dựng trong nước đã giảm liên tiếp 15 lần với mức giảm khoảng 6 triệu đồng/tấn. Cuối tháng 9, giá thép tăng trở lại lên 15-16,5 triệu đồng/tấn. Nhưng sau đó, giá thép lại giảm 3 lần liên tiếp, về khoảng 14,5-15,5 triệu đồng/tấn.
Sự không ổn định của giá thép khiến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như phân phối mặt hàng này bị ảnh hưởng.
Hiện nhu cầu sử dụng thép trong nước thấp, xuất khẩu giảm mạnh do giá cao hơn giá khu vực. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 9, sản lượng thép xây dựng đạt 2,4 triệu tấn, tăng 23,4% so với tháng 8. Song sản lượng bán hàng chỉ đạt gần 2 triệu tấn, giảm 7,2 % so với tháng trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,8 triệu tấn, giảm 5,8%; bán hàng thép thành phẩm đạt 19,2 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 4,56 triệu tấn, giảm 7,4%. Điều này khiến tồn kho của ngành thép trong những quý gần đây tăng cao.
Hàng tồn kho chất đống khiến các doanh nghiệp thép lâm vào cảnh thua lỗ nặng nề, nợ vay tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, chấm dứt hợp đồng với công nhân.
Mới đây, Công ty Thép Pomina (chiếm hơn 4% thị phần ngành thép) thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9, đồng thời chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên.
Cùng với đó, giá nguyên liệu sản xuất thép biến động mạnh, khiến các doanh nghiệp thép bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, lợi nhuận giảm.
SSI Research ước tính, lợi nhuận năm 2022 của Hoa Sen Group dự đoán đạt 1.400 tỷ đồng, giảm 67% so với năm 2021. Lợi nhuận của Nam Kim năm 2022 là 1.350 tỷ đồng, giảm 39% so với năm ngoái.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2022, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát, "vua thép" Trần Đình Long đã cảnh báo về tình hình “thê thảm” của doanh nghiệp cũng như toàn ngành nói chung khi mà ngành thép “đang không thuận lợi”.
Khi ấy, ông Long nhắn cổ động hãy "đợi kết quả kinh doanh quý III, quý IV rồi sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào". Theo ông Long, ngành thép gặp khó khăn trong các quý cuối năm do nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga-Ukraine; việc Trung QUốc thực hiện chính sách "Zero COVID" khiến cho nhu cầu thép giảm tại thị trường này.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)